Hai trái tim cùng nhịp đập

21/10/2014 - 11:51

PNO - PN - Suốt một đời cống hiến cho dân, cho nước, khi nghỉ hưu, tưởng sẽ an nhàn hưởng thụ, nhưng họ vẫn lắm lo toan. Bà muốn tặng 20 căn nhà tình nghĩa cho người nghèo ở quê mẹ Long An, ông sốt sắng tham gia. Tới khi ông ngỏ ý muốn...

edf40wrjww2tblPage:Content

BỎ PHỐ LÊN RỪNG

Những năm 1990, khu vực thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) còn hoang vắng, rậm rạp cây rừng và cỏ dại. Người dân khu 4 lúc đó thấy một cặp vợ chồng lớn tuổi tìm đến mua đất, dựng nhà vách gỗ mái tôn, cùng nhau đi phát cây, dẫy cỏ. Hơn 10 mẫu đất hoang hóa cần được cải tạo để có thể trồng cao su hoặc trồng mì. Thấy người phụ nữ miền Tây ngày ngày nón lá, áo bà ba làm quần quật ngoài rẫy, nhiều người đi chợ ngang qua, tò mò hỏi: “Cô làm mướn cho nhà ông Hai mới tới hả? Tiền công ngày bao nhiêu?”. Người phụ nữ lạ gạt mồ hôi, cười tươi: “Dạ, công mười bảy ngàn, được ăn ngủ cùng ông chủ”. Ai cũng ngạc nhiên, khó hiểu khi biết cô Sáu Sữa bỏ xứ Long An lên đây làm mướn khi tuổi đã xế chiều. Chắc hoàn cảnh gia đình éo le lắm đây.

Tới một hôm nhân lễ kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4, ti vi phát chương trình, có nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Thị Sữa, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Long An kể lại những ngày hào hùng lịch sử tháng 4 năm 1975, người dân Tân Châu ngờ ngợ thấy nữ anh hùng sao giống cô Sáu Sữa làm cỏ mướn ở địa phương. Họ tò mò kéo qua căn nhà mới hỏi thăm, thấy cô Sáu đang cõng một ông già ốm tong teo đi tắm rửa. “Truyền hình mới chiếu bà Phó chủ tịch tỉnh Long An, phải cô không?”. “Dà!”. “Vậy cô… bà lên đây làm chi?”. “Dạ! Lên coi sóc ông già chồng!”. “Ủa chồng cô là… ông Hai, rồi ổng đâu?”. “Chồng tui là Hai Ninh, phó Chủ tịch tỉnh Tây Ninh, bà con biết mà”. Trời đất ơi! Đôi vợ chồng quan tỉnh sao không ở thành phố, kéo nhau lên rừng làm chi? Lý do ấy, mãi sau này người dân mới rõ.

Hai trai tim cung nhip dap

CHUNG GÁNH CUỘC ĐỜI

Vợ chồng bà Sáu Sữa chung sống với nhau 18 năm nay. Bà Trần Thị Sữa tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Từng trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo khác nhau, từng là Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, đại biểu Quốc hội khóa 8, Anh hùng Lực lượng vũ trang. Nếu con đường công danh thăng tiến bao nhiêu thì đời tư của bà vất vả bấy nhiêu. Năm 25 tuổi, bà kết hôn với một chiến sĩ quân y, vợ chồng mặn nồng được đúng một tuần thì anh hy sinh trên đường đi công tác. Nén nỗi đau, bà lao vào chiến đấu, công tác, cho đến khi gặp ông Hai Ninh. Cùng giữ chức phó chủ tịch thường trực của hai tỉnh, họ thường gặp nhau ở các hội nghị, thấu hiểu hoàn cảnh của nhau rồi thương yêu nhau. Năm 1996, khi ông Hai Ninh nghỉ hưu thì cả hai làm lễ tuyên bố về sống chung. Đây là một quyết định vô cùng khó khăn của bà Sáu Sữa, sau mấy chục năm góa bụa thờ chồng. Bà rất thấu cảm với hoàn cảnh của ông Hai Ninh, một người đàn ông hết lòng vì việc nước nhưng phải một mình “gà trống nuôi con”. Người vợ rất mực yêu thương, từng gắn bó sẻ chia với chồng trong những năm hoạt động cách mạng đã không thể đi cùng ông suốt chặng đường đời. Bà ấy mất sớm, bỏ lại cho ông ba người con đang tuổi ăn học.

Bà Sáu quyết định bán hết nhà cửa ở Long An, đưa mẹ già 92 tuổi về Tân Châu ở với chồng. Ông Hai có căn nhà ở thị xã Tây Ninh cũng giao cho các con, rồi mua đất rừng, xây dựng cơ ngơi mới. Bà Sáu nghỉ hưu sau chồng bốn năm. Khi làm phó chủ tịch thường trực tỉnh, công việc của bà rất bận rộn. Rảnh chút thời gian, bà chạy lên với chồng, chăm sóc mẹ đẻ, cha chồng và làm rẫy. Được ba năm thì mẹ mất, cha chồng bệnh nằm một chỗ 5 năm liền rồi cũng ra đi. Tháng 8/2000, bà nghỉ hưu, được mấy năm thì ông Hai mắc bệnh đau mắt, chạy chữa mãi mà không khỏi. Giờ mắt chỉ thấy lờ mờ, ông ngồi coi nhà cho vợ làm vườn.

Bà Sáu bảo: “Một năm vợ chồng tui phải lo tới 14 đám giỗ cả hai bên nội ngoại, trong đó có cả đám giỗ chồng cũ của tui”. Trong nhà bà Sáu, dãy bàn thờ có đủ di ảnh của cha chồng, mẹ đẻ, vợ cũ ông Hai, chồng cũ bà Sáu. Những người con riêng của ông Hai cảm phục cái tình của mẹ kế, luôn gần gũi với bà. Ông Hai Ninh nói: “Tụi nó có gì toàn bàn với bả thôi. Bà nầy cưng con chồng quá, dám giấu tôi đem sổ đỏ cho con chồng mượn thế chấp vay tiền ngân hàng”. Bà Sáu cười, giải thích: “Lấy chồng thì phải theo chồng. Tui không có con, mai mốt già yếu, không tụi nó chăm sóc thì ai đây?”.

Mấy năm gần đây, bà Sáu Sữa càng vất vả hơn khi vườn rẫy mở rộng, sức khỏe ông Hai lại kém. Để cứu đôi mắt của chồng, bà từng đưa ông đi Singapore chữa trị rất tốn kém, kết quả là ông cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ chứ không được như cũ. Bà Sáu trở thành “con mắt” của chồng.

TẤM LÒNG THƠM THẢO

Những gia đình đảng viên nghèo trong thị trấn Tân Châu còn chưa quên hai buổi lễ đón nhận danh hiệu 50 năm tuổi đảng của ông Hai Ninh và bà Sáu Sữa, mấy triệu đồng tiền thưởng đều được đem tặng lại cho các chi bộ có đảng viên nghèo ngay tại chỗ. Gần 20 năm gắn bó với vùng biên giới Tân Châu, người dân xung quanh đã hiểu thêm và quý trọng cặp vợ chồng già từng bỏ phố lên rừng làm kinh tế như người nông dân thực thụ. Tính siêng năng của bà vợ kết hợp với cái đầu biết tính toán chiến lược, đã giúp kinh tế gia đình phát triển. Ngoài cao su, ông bà kết hợp trồng mì, trồng cây ăn trái, cây kiểng…, giá trị tài sản trên đất tới hàng chục tỷ đồng. Niềm vui của đôi vợ chồng già là làm công tác xã hội. Các đơn vị bộ đội, công an đóng trên địa bàn từng nhận được những xe trái cây từ vườn nhà bà Sáu. Những gia đình nghèo trong huyện cứ dịp Tết đến là lại được nhận hàng trăm suất quà. Tuy giá trị túi quà chỉ 300.000-400.000đ, nhưng cái tình của hai cán bộ lãnh đạo hưu trí làm ấm lòng người dân.

Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Sáu Sữa vào một sáng đầu tháng Mười. Ông Hai Ninh nghe tiếng khách quen bèn hối người cháu ra rẫy kêu vợ về. Bà Sáu Sữa rổn rảng nói cười, mặt đẫm mồ hôi, khăn choàng, nón lá cũ. “Tui đang dẫy cỏ cho vườn bưởi, chắc hai ba bữa nữa mới xong. Cuối tháng Ba, anh em ghé chơi tha hồ ăn trái cây”. “Sao chị không mướn thêm người làm phụ?”. Bà cười, nói mình quen lao động rồi, còn khỏe thì còn ráng được. Năm nay bước sang tuổi 70, nhưng bà Sáu Sữa rất khỏe mạnh, hồng hào. Ông Hai Ninh tuy đã gần 80 nhưng còn minh mẫn. Hai người bàn nhau, sắp tới cần xây gấp mấy cái nhà cho người nghèo, tặng cho mấy cơ quan trong huyện một số cây kiểng. Rồi, ông nhắc bà mùng năm Tết tới, nhớ làm giỗ cho anh Sáu (chồng cũ bà Sáu) “lớn lớn” một chút, mời anh em dưới Long An lên chơi.

 PHÙNG PHƯƠNG QUÝ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI