“Hà Trần hát Trần Tiến”: Khi Tình yêu nhìn ở cự ly gần

01/10/2016 - 18:34

PNO - Khi Hà Trần đang hát "Quê Nhà"–ở quãng day dứt nhất “rau răm thôi đành ở lại”, thì nhạc sĩ Trần Tiến lặng lẽ đi ra ngoài. Tưởng ông mệt vì một tối quá nhiều cảm xúc, nên lánh trước đám đông.

Ai ngờ, ở ngoài sảnh cung Hữu Nghị, Trần Tiến đã kịp nhen nhóm một cuộc du ca nhỏ vô cùng phấn khích. 

Tiếng guitar bập bùng “đàn tôi hát câu gì, mà sao cô bé cười mơ màng….” - giọng một đàn ông thật khàn và vạm vỡ vọng ngược lại khán phóng, trong vài phút khán giả không hiểu chuyện gì, rồi rất nhanh chóng họ vỡ òa và chỉ chớp mắt cái bục gỗ bé nhỏ nơi Trần Tiến đứng, đám đông đã tràn ra thành một dòng sông. Họ đứng sát cạnh ông và say mê nghe ông hát, mộc mạc, thô ráp và đầy tự do.

“Ha Tran hat Tran Tien”: Khi Tinh yeu nhin o cu ly gan
Ca sĩ Hà Trần và nhạc sĩ Trần Tiến

Trần Tiến đã đóng lại đêm nhạc tác giả của mình, bằng tình yêu ở cự ly rất gần như thế. Tôi hỏi Hà, trong “In The Spotlight – Hà Trần hát Trần Tiến”, Tâm điểm dưới ánh đèn sẽ là Hà hay là chú Tiến? Ai sẽ lùi lại cá tính để người kia được hắt sáng? Cô ấy trả lời, “Hà chỉ là một người trẻ hơn, có sức khỏe hơn hát hộ Trần Tiến”. Còn chú Tiến thì lại nói, “Khi Hà hát, tôi thấy như chính tôi đang hát”. Thì đúng thế, những gì là AND tinh thần của Trần Tiến đã hiện diện như một âm bản trong tinh thần Hà Trần như một thứ “thừa kế” tất nhiên. Người đàn ông gồ ghề, lúc nào cũng cuồn cuộn năng lượng sống vồ vập ấy có một phản chiếu hoàn hảo (và được làm mềm mại đi) trong hình ảnh cô cháu gái điềm tĩnh “điên ở thể lạnh”. Họ chung nhau “mã gen không ngủ yên”- đó là sự loay hoay luôn hài lòng với chính mình, là lòng tò mò vô hạn buộc đôi chân phải đi tiếp, đôi tay phải mở ra cánh cửa để xem nhỡ còn gì hay hơn nữa ở cái cuộc đời điên rồ và nhiều nỗi buồn này.

“Ha Tran hat Tran Tien”: Khi Tinh yeu nhin o cu ly gan

Chỉ trong 4 năm, Trần Tiến làm đêm nhạc tác giả lần thứ hai, cùng trên một sân khấu, cùng một nhà sản xuất (tự thú là có “tình yêu điên dại” với nhạc Trần Tiến), vẫn là giám đốc âm nhạc Hồng Kiên, vẫn là giọng hát “đinh” Hà Trần. Làm gì để khác? Câu hỏi đó chắc chắn đau đầu nhức óc với cả ê-kíp In The Spotlight, nhưng có thể ông Tiến không quan tâm. Vì ông kệ cho Hồng Kiên, cho Hà, cho vợ chồng Thanh Tùng- Mỹ Trang (nhà sản xuất của In the spotlight) muốn làm gì với nhạc của ông thì làm. Cái “kệ hết vì tin” ấy hóa ra lại là chất lên người ta gánh nặng ngàn cân.

Nhưng có cần phải khác đi không, khi âm nhạc đã đủ đẹp và đích thực là âm nhạc? Người phối khí, người hát và người chơi nhạc tôn trọng cá tính âm nhạc của Trần Tiến hết mức có thể, trong một bố cục tác phẩm nâng đỡ nhau cực kỳ có lý. Tạ Quang Thắng và Ygaria đều đậm nam tính và mang vẻ mộc mạc khỏe khoắn của những tâm hồn du ca. Đương nhiên để đạt được đến độ khoáng đạt và phơi phới tự do như khí chất của Trần Tiến thì các ca sĩ trẻ này chưa thể. Nhưng họ đã gợi lại được hình ảnh của ông – “Người Du ca xuyên thế kỷ” - trong một sắc thái trẻ trung, cập thời mà vẫn giữ được sự chân thành.

“Ha Tran hat Tran Tien”: Khi Tinh yeu nhin o cu ly gan

Hà Trần có một câu tôi rất thích, “chiêu hay nhất lại là vô chiêu” – và đó là cách cô xử lý với âm nhạc Trần Tiến. Ở tầm của Hà – một Diva có năng lực gây ảnh hưởng và truyền cảm hứng, người luôn liều lĩnh mở đường và thử nghiệm bản thân – nói đến kỹ thuật thượng thặng và khen cô hát hay có lẽ là điều đã thừa. Với nhạc Trần Tiến, Hà chỉ cần hát bằng chia sẻ của ký ức, tình ruột thịt và trải nghiệm sống của mình là đủ. Vì mạch ngầm tình cảm thiêng liêng là câu chuyện chung của họ. Nhạc Trần Tiến là tự sự, thì Hà là người kể chuyện. Có lúc cảm giác như Hà rất ghìm để giọng kể phẳng lặng, có lúc cô hơi ngợp đi vì tình riêng bị gọi dậy, có lúc cô rất nóng và đầy bứt dứt. Nhưng chẳng bao giờ ồn ào, bởi người kể chuyện tự sự thì không thể ầm ĩ. Trong âm nhạc của Trần Tiến có một vẻ đẹp thật cảm động về Nỗi Buồn và những điều thương nhớ đã vĩnh viễn mất, về một giấc mơ khoáng đạt không thể chạm tới. Và ngoài Trần Tiến, không ai có thể vẽ lại vẻ kỳ ảo và buồn thương ấy giỏi như Hà. Những bài hát ám ảnh nhất, đúng là Hà nhất (Phố Nghèo, Dòng sông mùa Thu, Mùa thu Trắng, Nhăng nhố…), hóa ra lại là những bài mà Hà gọi là “đào bới trong kho của chú”. Hà luôn có linh cảm tốt về cái gì “vừa miệng” mình, cô có cả cảm giác rất bén nhạy về phương án hợp lý nhất cho tác phẩm, và thường rất bướng bỉnh bảo vệ điều mình tin. Cho đến khi show diễn ra, thì các tác giả và giám đốc nghệ thuật đành tin là cô đúng. 

“Ha Tran hat Tran Tien”: Khi Tinh yeu nhin o cu ly gan

Trần Tiến có kể với khán giả tại khán phòng về một thời kỳ đen tối, ông viết ra bài hát nào bị cấm bài đó. Trong giai đoạn nền văn nghệ phải đồng phục hô khẩu hiệu, Trần Tiến thậm chí bị truy bắt vì dám sáng tác những bài mang tình tự con người cá nhân. “Rock đồng hồ” – không ai nhìn đến chiếc kim giây, nhưng chiếc kim giây vô danh và bé nhỏ mới làm nên thời gian. “Hãy nhớ đến kim giây, hãy nhớ đến nhân dân!” – người nhạc sĩ ấy đã ở những nấc đáy tận cùng của cuộc đời, nhưng ông đã sống và viết nhạc chẳng chút cay đắng và oán giận. Đối diện với âm nhạc của ông là người ta được đối diện với một tâm hồn tràn trề âu yếm và yêu dấu cuộc đời này. Và khi những bài hát của Trần Tiến vang lên trong không gian sang trọng và chuẩn mực của In The Spotlight, thì tâm hồn du ca lộng gió ấy đã kéo người nghe ra khỏi âm nhạc để bước vào những miền chu du rộng lớn hơn của cuộc đời…

“Ha Tran hat Tran Tien”: Khi Tinh yeu nhin o cu ly gan
“Ha Tran hat Tran Tien”: Khi Tinh yeu nhin o cu ly gan

Quỳnh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI