Hà Nội: Sức mua giảm mạnh, nhu yếu phẩm lại tràn ngập trên kệ sau một ngày "cháy hàng"

08/03/2020 - 14:00

PNO - Tại các siêu thị, hàng hóa lại được xếp kín các kệ hàng, không còn cảnh xếp hàng chờ thanh toán hay chen lấn mua hàng. Tại chợ dân sinh, sức mua giảm mạnh hẳn so với ngày 7/3.

Ngày 8/3, ghi nhận của Phụ Nữ TPHCM, tại các siêu thị, chợ hay các cửa hàng bán lẻ, đồ dùng nhu yếu phẩm, lương thực đã được bổ sung khá dồi dào. Tuy nhiên, lượng khách đến mua đã giảm nhiều so với ngày hôm qua (7/3).

Ngoài ra, các khu chợ dân sinh tại An Khánh (Hoài Đức), La Khê (Hà Đông), Nghĩa Tân (Cầu Giấy)... lượng khách đến mua các loại thủy sản, thịt, rau... còn giảm mạnh hơn so với thời điểm trước ngày 7/3. Một số tiểu thương cho biết hôm nay, lượng mua giảm mạnh. 

Trước đó, nhiều người dân phản ánh về việc các mặt hàng thiết yếu như thịt, gạo, giấy vệ sinh tăng giá nhưng qua khảo sát, giá cả tại các chợ vẫn ổn định không dao động nhiều, chủ yếu do nguồn nhập vẫn ổn định nên không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

Tại các siêu thị đã vắng khác, lượng hàng hóa dồi dào.
Tại các siêu thị đã vắng khách, lượng hàng hóa dồi dào

Chị Lê Hồng Lý, một tiểu thương bán gạo tại Hoài Đức cho biết: "Giá gạo có tăng nhẹ theo giá nhập do lượng mua tăng ngày hôm trước nhưng hàng hóa dồi dào. Gạo Bắc hương, gạo Thái có giá từ 160.000-180.000 đồng/10kg".

Còn theo chị Kiều Mỹ Ngân, kinh doanh gia cầm tại chợ Đình Thôn (Mỹ Đình), nguồn hàng thịt gia cầm hiện rất dồi dào, giá ổn định. Giá gà ta (chưa làm thịt) loại ngon 110.000 đồng/kg; gà Bắc Giang 55.000 đồng/kg; gà Tam Hoàng 42.000-45.000 đồng/kg; vịt (đã làm thịt) loại ngon 30.000 đồng/kg.

Ngoài ra, do sức mua giảm nên giá thịt hôm nay rẻ hơn ngày 7/3. Cụ thể thịt lợn thăn giảm từ 250.000 đồng/kg xuống 160.000 đồng/kg; ba chỉ giảm từ 230.000 đồng/kg xuống 150.000 đồng/kg; sườn thăn cũng giảm mạnh từ 210.000 đồng/kg xuống 150.000 đồng/kg. Mặc dù giá thịt trở lại bình thường, nhưng không có nhiều khách mua.

Còn tại các siêu thị lớn, tất cả các mặt hàng đều đã được xếp kín lên các kệ. Tuy nhiên, lượng người mua cũng giảm mạnh, tại các siêu thị lớn như Lotte, BigC không có cảnh xếp hàng chờ thanh toán.

Mặt hàng thường xuyên cháy hàng như nước rửa tay cũng vẫn còn rất nhiều.
Mặt hàng thường xuyên "cháy hàng" như nước rửa tay vẫn còn rất nhiều

Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Hà Nội, Bí thư thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, người dân không cần phải đi mua tích trữ hàng hoá. Thành phố Hà Nội đủ tiềm lực để đảm bảo thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Big C cũng tuyên bố đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp người tiêu dùng.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI