Gọi vốn đầu tư – dễ hay khó?

22/09/2018 - 06:01

PNO - Làm gì để nhà đầu tư để mắt đến dự án của mình và "mở ví"? Đây có lẽ là một trong những câu hỏi được nhiều công ty khởi nghiệp (start-up) đặt ra, khi bước chân vào "trận chiến" cân não mang tên gọi vốn đầu tư.

Cho nhà đầu tư điều họ cần, lấy thứ họ có

Trao đổi tại một sự kiện về khởi nghiệp vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Nguyễn Duy Hiếu - Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học - công nghệ Việt Nam (SVF) đã chỉ ra 4 bài học quan trọng để chạm đến túi tiền của các nhà đầu tư, đó là: Quan tâm đến những bài học cá nhân, đừng để rơi vào tình thế kẹt tài chính, chú ý đến 10 giây chạm mặt và nhà đầu tư ở khắp mọi nơi nên cơ hội cho các start-up rất dồi dào.

Ông Hiếu chia sẻ trường hợp thực tế của một dự án start-up. Khi chạm mặt nhà đầu tư, những người trong dự án tự tin giới thiệu “đội ngũ đang vận hành trơn tru”.

Hai năm sau, dự án start-up tan tành. Lý do đến từ việc tranh giành lợi ích của các thành viên. Chỉ còn 2 thành viên, họ đã trở lại gặp nhà đầu tư với tâm thế của những người thua cuộc – “Anh ơi, hãy cứu tụi em”. Đây chính là thời điểm nhà đầu tư mở túi tiền với khoản đầu tư 200.000 USD.

Goi von dau tu – de hay kho?
Ông Nguyễn Duy Hiếu - Giám đốc điều hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học - công nghệ Việt Nam (SVF)

Chỉ ba năm sau, start-up đó phát triển bùng nổ và bán ra 35% cho đối tác nước ngoài. Riêng khoản tiền của nhà đầu tư đã tăng vọt gấp vài chục lần.

“Có cơ hội gặp người này, tôi đã hỏi lý do. Người này trả lời, lần thứ hai gặp lại, họ nhận được tiền bởi vì họ đã có một bài học. Tôi chỉ đầu tư khi họ có bài học”, ông Hiếu kể lại.

Bài học rút ra, khi một start-up giáp mặt với nhà đầu tư, việc họ cần làm là chứng minh được họ đang tiến bộ không ngừng, khả năng học hỏi liên tục. Nhà đầu tư chắc chắn sẽ không bỏ tiền cho những start-up không có sự tiến triển vì nếu không có khả năng thì không thể tiến triển. Đây chính là lời khuyên đầu tiên.

Thứ hai, đừng để rơi vào cảnh hết tiền rồi mới đi gọi vốn. Khi ấy, start-up đã đưa cho nhà đầu tư một “miếng ăn” thật sự nguy hiểm và đây là hành động rất “ác” với nhà đầu tư. Hãy đến gặp nhà đầu tư khi bạn đang rục rịch chuẩn bị, với những kế hoạch, lộ trình hiện thực hóa giá trị nhà đầu tư… Chưa kể, chính start-up cũng đang đặt mình vào tình thế nguy hiểm và không còn đường lùi.

Ngoài ra, khi chạm mặt nhà đầu tư, bạn chỉ có 7 – 10 giây để gây ấn tượng. Cho nên phải chộp lấy cơ hội bằng cách nói về tiềm năng về thị trường. Nhà đầu tư có 2 câu hỏi rất lớn: Tiềm năng thị trường và đội ngũ của bạn có khả năng để chộp lấy thị trường mang về hay không? Do đó, câu thứ hai là tiềm năng của đội ngũ bạn đang có.

Điểm thứ 4, ông Hiếu giải đáp cho câu hỏi nhà đầu tư ở đâu? Theo ông, bản thân các nhà đầu tư cũng đang tìm cơ hội đầu tư cho chính mình. Việc xuất hiện tại các chương trình, sự kiện để “săn” start-up rất phổ biến. Chỉ tính trong vòng 1 năm, tổ chức SVF đã tiếp đến hơn 10 tổ chức - nhà đầu tư khác nhau và ký kết hợp tác. Do đó, nhà đầu tư có ở khắp mọi nơi và cơ hội dành cho các start-up rất nhiều.

Bẫy "cá mập" – dễ hay khó?

Nói về những cơ hội gọi vốn dành cho start-up, ông Hiếu cũng nhấn mạnh đến việc tham gia các chương trình, điển hình như Shark Tank. Theo ông, thực sự tỷ lệ xuống tiền của các Shark sau chương trình rất thấp. Chính các Shark sau khi mùa 1 khép lại cũng thừa nhận điều này. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là hoàn toàn không có start-up thành công. 

Goi von dau tu – de hay kho?
Để các start-up gọi vốn thành công theo nhiều đánh giá của chuyên gia, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về dự án thì yếu tố trung thực là quan trọng nhất

Theo chia sẻ của một người từng gọi vốn thành công, để có thể “cầm cương” trong suốt cuộc thương thảo, anh đã chuẩn bị các câu hỏi và trường hợp chất vấn bằng cách tập dợt với nhiều đối tượng, “liệt kê được 50 câu hỏi và trả lời vanh vách càng nhanh càng tốt”.

Ngoài ra, các Shark là người kinh doanh lâu năm nên suy nghĩ rất logic. Do đó, khi trình bày cần chú ý đến những cử chỉ và số liệu cần đảm bảo tính logic, rành mạch. Doanh thu, lãi/lỗ, điểm khác biệt của sản phẩm, thị trường, cạnh tranh là những điểm cần đặc biệt nhấn mạnh.

Quan trọng nhất, con số kêu gọi đầu tư không nhỏ mà không quá lớn. Có như thế mới lấy niềm tin của các nhà đầu tư và tạo mối quan hệ, vừa giúp các nhà đầu tư cảm thấy an toàn trong thương vụ. 

Theo bà Phạm Lan Khanh - Tổng giám đốc FreelancerViet, việc chinh phục nhà đầu tư cũng giống như một cuộc hẹn với người yêu. Để gây ấn tượng và có cuộc hẹn tiếp theo thì phải thành công từ giây phút chạm mặt. Do đó, người gọi vốn phải hiểu được điều mà nhà đầu tư cần - những con số và lộ trình cụ thể. Đó cũng là điều chứng minh cho họ thấy start-up theo sát dự án và đặt tâm huyết.

Ngoài ra, nếu không nhận được vốn đầu tư thì người gọi vốn cũng nên giữ mối quan hệ với nhà đầu tư vì biết đâu đến khi dự án lớn mạnh, sẽ có chuyển biến khác.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI