Giúp trẻ mồ côi bớt bơ vơ trên đường dài phía trước

19/11/2021 - 06:54

PNO - Chương trình Vòng tay yêu thương do Hội LHPN TPHCM, Báo Phụ Nữ TPHCM, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, với sự đồng hành của Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM.


“Sau hơn một tháng vận hành chương trình Vòng tay yêu thương, chưa thể nói kết quả đạt được là nhiều hay ít. Nhưng tất cả các đơn vị tổ chức, đồng hành đang nỗ lực hết sức mình, những trái tim nhân ái đang dang rộng vòng tay yêu thương để bù đắp phần nào mất mát của các con. Chặng đường còn dài và chúng ta xác định phải kiên trì” - bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, nói về chương trình chăm lo cho trẻ mồ côi trong lễ tri ân các tập thể và cá nhân đã có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 sáng 16/11.

Bà Đỗ Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình - thăm và trao quà cho bé N.A.K.
Bà Đỗ Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình - thăm và trao quà cho bé N.A.K.

Bà Đỗ Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình - kể khi mẹ bé N.A.K. (ở P.10, Q.Tân Bình) mất, bé chỉ mới hơn một tháng tuổi. Bấy giờ là giữa tháng Bảy, số người mất do COVID-19 chưa nhiều. Ngày đoàn cán bộ Hội đến thăm, cha bé cũng đang phải cách ly, còn bà nội bé cũng qua đời do dịch, hai anh chị lớn của bé K. (một sinh năm 2005, một sinh năm 2015) tự chăm nhau. Trước cảnh nhà như vậy, anh trai lớn của K. sốc nặng, đòi bỏ học dù mới bước vào lớp Mười.  

Những câu chuyện đau lòng này ám ảnh bà Ngọc Lan và các đồng nghiệp khi mỗi ngày, họ phải chứng kiến cảnh những đứa trẻ bỗng dưng mất đi người thân. Có cháu bị mẹ ruột bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi, được một gia đình nhận làm con nuôi; đợt dịch vừa rồi lại khiến cha nuôi qua đời.

Bà Lan kể: “Chúng tôi tìm nhà tài trợ, kết nối để giúp các con được nuôi dưỡng chu đáo. Sau bốn tháng dịch, có 83 trẻ em ở Q.Tân Bình mất cha, mất mẹ hoặc người nuôi dưỡng. Mừng lắm khi Hội LHPN TPHCM , Báo Phụ nữ TPHCM cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và các tổ chức khởi xướng chương trình Vòng tay yêu thương. Vậy là các con đã có những vòng tay yêu thương chở  che, bảo bọc".

Sau khi mẹ mất do COVID-19, em T.T.H. (13 tuổi) thay cha đút cơm cho em gái
Sau khi mẹ mất do COVID-19, em T.T.H. (13 tuổi) thay cha đút cơm cho em gái

Chín giờ ngày 16/8, cả nhà anh Thái Thanh Nên đang tự cách ly trong khu phòng trọ thì nhận được tin chị Lý Thị Rươl - vợ anh Nên - qua đời trong bệnh viện do  COVID-19. Em T.T.H. - 13 tuổi, con riêng của chị Rươl - ngồi riêng một góc, khóc cả ngày. Hàng xóm tới động viên, khuyên ráng ăn để có sức chống lại dịch bệnh, H. vừa ăn vừa khóc. 

Khi chúng tôi ghé thăm phòng trọ, H. cứ đứng một góc mím môi nhìn mọi người, em gái H. là L.T.N.N. (3 tuổi) đứng chơ vơ, chốc chốc lại níu áo hỏi cha: “Ba ơi, mẹ đâu rồi?”. Nghe hai cha con anh Nên trò chuyện, chị Thạch Si Vàng - ở cùng khu trọ - ôm mặt chạy ào ra khỏi căn phòng trọ nhỏ, khóc nấc lên. Kể từ lúc chị Rươl mất, H. lầm lì, không tiếp xúc với ai, không trò chuyện với cha; bé N. cũng bỏ bữa ăn, đêm ngủ thường hoảng hốt hét lớn rồi bật khóc, khiến H. cũng khóc theo. 

"Con mong ba của con có nhiều sức khỏe để sống cùng chị em con, cho mẹ con yên tâm. Được các cô cho laptop, cho học bổng, cho đồng phục, con vui lắm. Chị con học giỏi lắm, năm nay chị đậu vô Trường đại học Kinh tế TPHCM rồi. Trước khi mất, mẹ con cũng biết tin vui này. "

T.G.B. - 11 tuổi, ở P.9, Q.Tân Bình, mồ côi mẹ từ ngày 29/9/2021 do COVID-19

Anh Thái Thanh Nên chung sống với chị Lý Thị Rươl được khoảng 5 năm và có con chung là bé L.T.N.N. Trước đó, chị Rươl có một đời chồng và sinh ra H. Cha ruột em H. vừa mất một năm trước do đột quỵ. Lúc nhỏ, H. sống cùng bà ngoại ở tỉnh Sóc Trăng. Ba năm trước, khi sinh bé N., chị Rươl đưa H. lên sống cùng. Nay đến lượt chị Rươl mất…

Những ngày đầu, H. khủng hoảng, đòi về quê với bà ngoại. Anh Nên muốn H. ở chung lo học hành, vì điều kiện ở quê không tốt. Anh và chị Rươl rước H. lên chung sống để đầu năm học này xin cho H. đi học lại. Anh Nên nói: “Tôi muốn làm tròn tâm nguyện của vợ mình. Hơn nữa, tôi vẫn muốn bé N. có anh trai bên cạnh phụ coi sóc lúc tôi đi làm, ba cha con nương nhau mà sống”. Nhưng anh vốn kiệm lời nên khó trò chuyện với con. 

Bác sĩ Hội thầy thuốc trẻ khám sức khỏe cho một trẻ mồ côi ở xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM
Bác sĩ Hội thầy thuốc trẻ khám sức khỏe cho một trẻ mồ côi ở xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TPHCM 

Biết được hoàn cảnh, các bác sĩ ở Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM đã phân công nhau ghé lại gia đình nhỏ này, thủ thỉ trò chuyện cùng H. Hơn một tháng trôi qua, H. đã dần bình tĩnh trở lại, không nằng nặc đòi về ngoại nữa. Hằng ngày, trước khi đi làm, anh Nên nấu đồ ăn sẵn để ở bếp cho hai con; trưa đến, H. tự nấu cơm, thay cha đút cơm cho em. Gần ba tháng qua, H. thay mẹ lo được cho em gái. Bây giờ gặp lại, H. khẳng định với chúng tôi: “Con sẽ thay mẹ chăm em. Khi nào ba cho đi học, con sẽ đi học lại”. Do H. bị gián đoạn một năm học nên các cán bộ Hội LHPN H.Bình Chánh bàn với anh Nên cho chuyển qua hệ giáo dục thường xuyên. 

Anh em H. và N. là hai trong 199 trẻ mà Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM cam kết hỗ trợ trong chương trình Vòng tay yêu thương. Bên cạnh hỗ trợ chi phí học tập, nuôi dưỡng hằng tháng, 40 y, bác sĩ, tình nguyện viên của hội còn chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tinh thần cho các bé. 

Bà Kiều Nguyệt Thanh Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Kiên, H.Bình Chánh - nói: “Các cô chú y, bác sĩ đó kiên trì lắm, liên tục chạy đi chạy về mấy chục cây số để tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng, tư vấn tâm lý cho các cháu. Hễ có cháu nào có tâm lý không ổn lắm, các bạn đều ghi chú và dặn dò chúng tôi cùng ghé nhà động viên thêm”. 

Chương trình Vòng tay yêu thương do Hội LHPN TPHCM, Báo Phụ Nữ TPHCM, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức, với sự đồng hành của Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM. Lễ ký ghi nhớ phối hợp và công bố chương trình diễn ra ngày 16/10/2021 với sáu nội dung: vận động hỗ trợ sữa thay thế cho trẻ dưới 36 tháng tuổi mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha và mẹ; vận động trao tặng quần áo sơ sinh cho trẻ dưới 36 tháng tuổi mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha và mẹ; tặng quần áo, đồ chơi cho trẻ mồ côi từ 4-10 tuổi; hỗ trợ phương tiện học tập cho trẻ từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi; kết nối, nhận nuôi dưỡng, đỡ đầu trẻ mồ côi và hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi cho trẻ.

 

Điều mà những người tổ chức, thực hiện chương trình Vòng tay yêu thương đau đáu là số trẻ mồ côi vẫn chưa ngừng tăng, trong khi mọi tổ chức, cá nhân cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên sự trợ giúp cũng có hạn. Chúng tôi mong ước chương trình sẽ được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hơn nữa đồng hành, nhằm không chỉ chăm lo vật chất, hỗ trợ trẻ trên đường học hành mà còn chữa lành vết thương tinh thần, bù đắp phần nào nỗi đau mất mát, giúp các cháu tự tin, vững bước vào đời. 

Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam


 Diễm Chi - Phạm Phan

 

 

 

 

 


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI