Phải chăm sóc toàn diện cho trẻ mồ côi do COVID-19

27/10/2021 - 06:34

PNO - Đến nay, cả nước có 2.500 trẻ mất cha hoặc mẹ và 80 trẻ mất cả cha lẫn mẹ do dịch COVID-19. Hỗ trợ vật chất và tinh thần cho những trẻ này là việc làm cần thiết, cấp bách và bền bỉ.

Cần nâng mức hỗ trợ 

Thông tin với các đại biểu (ĐB) tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XV (diễn ra từ ngày 20/10 - 13/11), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay, cả nước có 2.580 trẻ mồ côi do COVID-19, trong đó có 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ và 80 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ và 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm cho các cháu mất cả cha lẫn mẹ. Một tổ chức quốc tế đăng ký với bộ trưởng xin đỡ đầu toàn bộ 80 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng ông đã nêu rõ quan điểm là khuyến khích hỗ trợ tiền, vật chất cho các cháu và cơ quan nhà nước đứng ra nhận chứ không đồng ý với việc tổ chức quốc tế đứng ra đỡ đầu.

Đánh giá cao những nỗ lực chăm sóc trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 nhưng ĐBQH Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho rằng, cần nâng mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này để đảm bảo được cuộc sống tối thiểu của các em. 

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đề xuất nâng mức hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19 để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của các em
Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - đề xuất nâng mức hỗ trợ cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19 để đảm bảo cuộc sống tối thiểu của các em

Tuần qua, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo các bộ, ngành về biện pháp hỗ trợ trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19, có ý kiến phản ánh về việc phân bổ nguồn hỗ trợ không đồng đều (có trẻ nhận được nhiều, có trẻ nhận được ít), thiếu cơ quan chuyên trách theo dõi, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ này. Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH - cho rằng, để hỗ trợ công bằng, đúng pháp luật, Bộ LĐTBXH nên đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về cơ quan chủ trì quản lý và điều phối, xây dựng quy chế điều phối nguồn lực tài chính. 
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, nên giao cho ngành dọc quản lý, theo dõi, điều phối nguồn hỗ trợ. Bên cạnh đó, bộ cần tham mưu, thành lập quỹ hỗ trợ trẻ em mồ côi để làm đầu mối tiếp nhận, phân bổ nguồn lực. Ngoài ra, khi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, đề án can thiệp tổng thể, toàn diện, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em, bộ nên kiến nghị đưa nội dung này vào đề án phục hồi kinh tế tổng thể của Chính phủ. 

Giám sát chặt việc hỗ trợ, chăm sóc trẻ 

Nhiều ĐBQH lưu ý đến cú sốc tâm lý rất lớn, khó nguôi ngoai của trẻ bị mồ côi do đại dịch COVID-19 bên cạnh những khó khăn kinh tế mà trẻ phải hứng chịu.

Theo báo cáo của lãnh đạo Cục Trẻ em thuộc Bộ LĐTBXH, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần của nước ta chưa phát triển, hiện công tác này đang chủ yếu dựa vào đội ngũ tình nguyện viên, các chuyên gia tâm lý. Việc tư vấn chủ yếu từ xa, không trực tiếp. Do đó, vẫn còn một khoảng trống trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em mồ côi do dịch. 

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, nhiều ĐBQH đề nghị cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, đoàn thể: “Đề nghị hệ thống trường học cần tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên về kỹ năng tư vấn tâm lý học đường; giao cho tổ chức đoàn thể, tổ chức quần chúng các cấp tham gia vào công tác hỗ trợ, động viên, chia sẻ và tư vấn tâm lý cho trẻ em”. Ông đề nghị các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ cho trẻ mồ côi một cách lâu dài, bền vững, hiệu quả.

Về mô hình chăm sóc trẻ mồ côi, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, không nên khuyến khích các doanh nghiệp thành lập cơ sở nuôi dưỡng riêng bởi “gia đình là tất cả đối với các cháu, khi các cháu không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không còn người thân thì còn cơ quan nhà nước”. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, về bản chất, môi trường gia đình vẫn là nơi tốt nhất cho sự phát triển nhân cách, trí tuệ, thể chất của trẻ. Để đảm bảo việc chăm sóc trẻ em ở gia đình được an toàn, hiệu quả, Bộ LĐTBXH nên có cơ chế giám sát thường xuyên đối với hoạt động này. 

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh vai trò của công tác hỗ trợ tâm lý cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh vai trò của công tác hỗ trợ tâm lý cho trẻ mồ côi do dịch COVID-19

ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, Bộ LĐTBXH cần cân nhắc kỹ hiệu quả của mô hình chăm sóc thay thế đối với trẻ mồ côi tại cộng đồng, gia đình, người thân thích. Trong đó, cần phải tính đến các yếu tố có thể ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển của trẻ như bị bắt lao động sớm, bị ngược đãi, xâm hại… bởi thực tế, đã có những trường hợp đáng tiếc như trên. Ngoài ra, bà cho rằng, cần nhắc đến những ưu điểm của việc chăm sóc trẻ mồ côi tại cơ sở chăm sóc tập trung, như có đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, nghiệp vụ, cơ sở vật chất đảm bảo. 

Cũng liên quan tới vấn đề này, bà Hà Thị Nga cho hay, Hội LHPN Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19. Theo đó, chương trình sẽ giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở các địa phương theo chức năng của tổ chức Hội Phụ nữ; hỗ trợ, hướng dẫn các em và gia đình tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước; giám sát và hỗ trợ nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, chương trình cũng vận động các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Chương trình cũng hướng tới việc hỗ trợ, kết nối đào tạo nghề sau khi trẻ tốt nghiệp THCS để đảm bảo tương lai của trẻ… 

Thu Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI