Giữ nhà cho ba mẹ, tôi bị em trai từ mặt

18/12/2020 - 11:30

PNO - Tôi bàn với vợ sẽ đứng ra thế chấp nhà riêng vay tiền để lấy tiền chuộc lại ngôi nhà của ba mẹ. Vợ tôi đồng ý với điều kiện, sau khi hoàn tất giấy tờ thì sổ đỏ phải sang tên cho chúng tôi, coi như vợ chồng tôi mua lại.

Đi nhận sổ đỏ sang tên nhà đất về, tôi thấy điện thoại reo. Chị gái báo: “Vợ chồng thằng Hùng dắt díu nhau ra ở trọ rồi, mẹ khóc nhiều lắm, em sắp xếp mà về giải quyết”.

Đang gắng gỏi để giữ nơi thờ tự của gia đình, tôi lại đối mặt với chuyện anh em xào xáo. 

Gia đình tôi có 6 anh chị em, ba mất đã gần 10 năm, mẹ sống cùng vợ chồng Hùng - em trai út trong căn nhà ở quê. Ba tôi là con trưởng nên việc thờ cúng tổ tiên đặt ở căn nhà từ đường ấy, đến ngày giỗ chạp, tôi và các anh chị cô chú mới về.

Sau khi tôi vay tiền để chuộc nhà, mẹ tôi khóc lóc bỏ ăn để gây áp lực bắt tôi sang tên đưa lại sổ đỏ cho em trai. Ảnh minh họa
Sau khi tôi vay tiền để chuộc nhà, mẹ tôi khóc lóc bỏ ăn để gây áp lực bắt tôi sang tên đưa lại sổ đỏ cho em trai. Ảnh minh họa

Cách đây mấy năm, vợ chồng Hùng mở rộng nhà, phần phòng khách của nhà cũ dành cho việc thờ tự. A nh chị em gom góp được một ít phụ giúp, còn lại Hùng vay tiền ngân hàng để làm căn nhà khang trang hơn. Hùng thủ thỉ để mẹ sang tên sổ đỏ cho mình để tiện làm thủ tục vay mà chúng tôi không biết.

Phải nói thêm, vợ chồng Hùng có nghề nghiệp nhưng không chí thú làm ăn nên nợ nần đầm đìa. Nhiều lần người ta đến nhà đòi nợ ngồi lỳ cả buổi, khiến mẹ tôi khóc lên khóc xuống. Tôi cũng từng đứng ra trả nợ thay mấy lần.

Vừa rồi, ngân hàng thông báo sẽ xiết nhà nếu không thanh toán khoản vay cách đây 3 năm, gia đình tôi bắt đầu loạn lên. Cuộc họp gia đình được triệu tập, nhưng không tìm ra phương án khả thi. Nếu mất nhà, mẹ có thể lên ở cùng tôi, nhưng bàn thờ tổ tiên biết đưa về đâu, còn chuyện giỗ chạp hàng năm...

Hùng lên tiếng: "Mỗi anh chị góp một ít cho vợ chồng em một số tiền, em trả ngân hàng trước rồi sẽ thu xếp trả lại anh chị sau". Chúng tôi không ai đồng ý. Anh em cũng khó khăn chứ không dư giả gì, nếu Hùng cứ vay mượn mãi, anh em cứ còng lưng gánh nợ mãi.

Mấy đứa em thống nhất phương án “mặc kệ”, ngôi nhà của ba mẹ không giữ được thì tự mà xoay xở, đừng gây nợ nần phiền luỵ anh em. Nhưng tôi và chị gái thì nghĩ, mọi chuyện không đơn giản là mất nhà mà còn kéo theo vô số chuyện sau này.

Suy nghĩ kỹ, tôi bàn với vợ sẽ đứng ra thế chấp nhà chúng tôi, lấy tiền chuộc lại ngôi nhà của ba mẹ. Vợ bảo: "Em đồng ý với điều kiện, sau khi hoàn tất giấy tờ thì sổ đỏ phải sang tên cho mình, coi như mua lại. Mình không thể đứng ra cáng đáng nợ nần cho chú thím mãi được".

Tưởng giải quyết xong chuyện nợ nần sẽ yên ổn, nào ngờ tôi phải đối mặt với tình cảnh anh em bất hòa. Ảnh minh họa
Tưởng giải quyết xong chuyện nợ nần sẽ yên ổn, nào ngờ tôi phải đối mặt với tình cảnh anh em bất hòa. Ảnh minh họa

Sau đó, chúng tôi thống nhất rằng vợ chồng Hùng vẫn sống cùng mẹ, nhưng mỗi tháng sẽ trả cho tôi ba triệu đồng, cho đến khi đủ số nợ mà tôi vay chuộc nhà. Đến lúc nào xong thì tôi sang tên sổ đỏ cho em trai.

Do tiền bạc tôi phải đi vay nên tôi soạn rõ ràng giấy tờ để tránh rắc rối và để vợ chồng Hùng chịu khó làm ăn, không sa lầy nợ nần nữa. Mọi người đều ủng hộ cách làm này, nhưng Hùng lại phải đối quyết liệt.

Hùng cho rằng, tôi bày cách để cướp nhà, sống cạn tình cạn nghĩa. Đến khi tôi hoàn tất thủ tục trả nợ, lấy sổ đỏ sang tên thì vợ chồng Hùng dọn ra ở trọ, tuyên bố từ mặt tôi.

Mẹ tôi chiều Hùng nên khóc lóc, bỏ ăn uống, liên tục nhắn tin đề nghị tôi sang tên sổ đỏ trả lại cho Hùng. Nhưng tôi không thể làm thế, vì biết chỉ cần cầm sổ đỏ trong tay, cậu ấy cầm đi gán nợ lấy tiền tiêu xài...

Tôi không hề có ý định cướp tài sản, nhưng bây giờ đang mang tiếng cướp nhà của mẹ, của em. Tôi chẳng biết phải làm sao trong tình cảnh này.

Thanh Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI