Giao lưu trực tuyến: Người trẻ với bệnh người già

18/12/2017 - 19:00

PNO - Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Người trẻ với bệnh người già” vào lúc 9g ngày 22/12, với khách mời là bác sĩ Nguyễn Kim Anh, Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia

Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ TP.HCM - Tạ Thị Nam Hồng tặng hoa bác sĩ Nguyễn Kim Anh, Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Thủ Đức tại cuộc giao lưu.

Trước đây, những bệnh như: tim mạch, suy tĩnh mạch, u phổi, bướu cổ... tưởng chừng xuất hiện ở người có tuổi, nhưng hiện nay bệnh đã tràn lan ở người trẻ.

Theo thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người chết do các bệnh liên quan đến tim mạch gây ra. Hay như bệnh suy tĩnh mạch, đặc biệt là suy giãn tĩnh mạch chi dưới khiến người bệnh đau nhức chân, đặc biệt 70% ca bệnh rơi vào phụ nữ.

Còn với bệnh bướu cổ và u phổi, tỷ lệ người bệnh càng trẻ hóa. Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện tỷ lệ thiếu hàm lượng i-ốt trong cơ thể người Việt Nam rất cao, số trẻ em 8-10 tuổi bị bướu cổ tăng nhanh, trở thành vấn đề sức khỏe cần phải can thiệp. Riêng với bệnh u phổi, nguyên nhân chính do môi trường sống ô nhiễm, kèm với khói thuốc lá khiến không ít người trẻ có nguy cơ bị u phổi.

Những bệnh người già xuất hiện ở người trẻ khiến nhiều người lo lắng, không biết ăn gì, sống như thế nào để hạn chế mắc bệnh. Để giải tỏa những băn khoăn của độc giả, Báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Người trẻ với bệnh người già” vào lúc 9 giờ 22/12, với khách mời là bác sĩ Nguyễn Kim Anh, Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Quận Thủ Đức TP.HCM.

Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu:

 Thỉnh thoảng, tôi thấy đau nhói ở ngực trái, nhiều người nói do đau liên sườn, người thì nói chắc đau tim. Theo bác sĩ, tôi nên làm sao? Nếu đau liên sườn gì đó, có phải điều trị? Tô Thị Yên Thảo (32 tuổi, Phú Yên)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh, Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Thủ Đức:

Bệnh này thường gặp ở độ tuổi lao động, trước tiên phải được bác sĩ tim mạch khám bệnh để loại trừ các bệnh về tim mạch và được chụp X-Quang phổi thì sẽ xác định được bệnh viêm thần kinh liên sườn, liên quan chủ yếu 3 vấn đề: Thức khuya, không tập thể dục và uống rượu bia và thuốc lá.

Về điều trị bệnh, bệnh này rất dễ điều trị, nhưng rất dễ tái phát, có thể uống thuốc 1 tuần là khỏi, nhưng có thể 2-3 tháng sau tái lại. Để tránh tái phát phải thực hiện 3 vấn đề trên.

* Tôi làm nhân viên sửa chữa xe 4 bánh, tôi đứng rất nhiều. Dạo gần đây, 2 chân tôi nổi các mạch máu nhỏ, giống suy tĩnh mạch ở chân. Bệnh này có phải do đứng lâu? Mà tôi thấy nghề bác sĩ mổ cũng đứng lâu lắc. Vậy cách nào phòng tránh hay điều trị có dễ không? Văn Tiến Huân (39 tuổi, Đà Nẵng)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Yếu tố nguy cơ của suy tĩnh mạch là đứng lâu quá, ngồi lâu quá, bận quần áo chật, mang giày cao gót, yếu tố di truyền và phụ nữ sau mang thai.

Đối với trường hợp của anh, mình đứng lâu quá, trước tiên phải được bác sĩ xác định mình bị suy tĩnh mạch bằng cách khám bác sĩ chuyên khoa và được siêu âm doppler mạch máu để khảo sát mình có bị suy tĩnh mạch hay không sau đó mới có phương hướng điều trị cụ thể.

Để dự phòng mình phải tập thể dục và mang vớ áp lực tĩnh mạch mỗi ngày.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia

* Tôi bị giãn tĩnh mạch chi dưới, tôi hay mỏi chân khi đưa vợ đi shopping. Khi ngồi tôi mới hết mỏi. Vậy đây có phải bệnh nặng và cần điều trị? Ngô Quốc Hưng (42 tuổi, Thanh Hóa)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Trước tiên, anh phải được bác sĩ chuyên khoa khám về mạch máu, triệu chứng của anh chỉ là một trong những triệu chứng bệnh lý của chi dưới, do đó, phải được bác sĩ khám và siêu âm doppler mạch máu chi dưới mới khảo sát được mình có bị suy tĩnh mạch hay không. Trong bệnh lý suy tĩnh mạch, có hai hệ tĩnh mạch nông và sâu, hai hệ này điều trị khác nhau hoàn toàn do đó, mình phải được bác sĩ chuyên khoa khám, mới có thể đưa ra phương hướng điều trị cụ thể.

* Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi nghe nói Bệnh viện Quận Thủ Đức mổ tim miễn phí. Vậy làm thế nào để được mổ tim miễn phí ở dây? Tôi có cháu gái 12 tuổi cũng khó khăn. Hồng Văn Thời (52 tuổi, Tiền Giang)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Chương trình mổ tim miễn phí của bệnh viện quận Thủ Đức bắt đầu từ tháng 11/2017 đến tháng 11/2018, số hotline 096.253.4646

Hiện tại chương trình thực hiện mổ cho những bệnh tim bẩm sinh người lớn và những bệnh về van tim cho những bệnh nhân trên 16 tuổi.

Sắp tới, bệnh viện sẽ triển khai chương trình mổ tim cho bệnh nhi dưới 10 tuổi.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia
Một ca mổ tim tại Bệnh viện Thủ Đức


* Cách đây 10 năm, tôi được cắt bướu cổ cường giáp. Tôi nghe nói, bệnh này có tỷ lệ chuyển hóa ung thư nếu không cắt. Vậy tôi xin hỏi bác sĩ, nếu cắt rồi có khi nào vẫn bị ung thư không? Đinh Thị Lĩnh (33 tuổi, Khánh Hòa)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Tỷ lệ chuyển hóa sang ung thư từ một bướu lành tính là có nhưng rất thấp. Mình phải theo dõi thường xuyên bằng cách siêu âm, và sinh thiết bằng kim nhỏ đối với những nhân giáp.

Bệnh cường giáp do rối loạn hóc môn tuyến giáp phải uống thuốc kháng giáp. Phẫu thuật cắt bướu cổ do cường giáp để tránh tình trạng mình phải uống thuốc kháng giáp, liều cao và kéo dài. Tuy nhiên, bệnh có thể bị tái phát cường giáp trở lại, mình phải theo dõi, xét nghiệm máu và siêu âm thường xuyên mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng. Hiện nay, đã có kỹ thuật mới để điều trị không cần phải phẫu thuật cắt bướu cổ do cường giáp nữa. Mình sẽ sử dụng đốt bướu giáp bằng sóng cao tần. Kỹ thuật này an toàn và có thể hạn chế biến chứng khi phải phẫu thuật lại.

* Xin bác sĩ cho biết có phải không ăn muối là bị bướu cổ? Và sao tôi ăn muối mà cũng bị bướu cổ? Nguyễn Xuân Luật (39 tuổi, Đắk Lắk)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bướu cổ là do không hấp thu đủ lượng muối iod nên cần bổ sung thực phẩm giàu iod.

Muối iod có trong hải sản như sò biển, tôm, rong biển,...

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia

* Trước đây, mẹ tôi hay nấu ăn bằng than, củi. Hôm rồi bà khó thở, đi khám, bác sĩ nói bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ khám có nói đừng cho bà nhóm than, củi nữa vì khói bụi gây ra các vấn đề về phổi. Không biết cái này là sao bác sĩ ơi? (Nguyễn Văn Thạch, 35 tuổi, Đà Nẵng)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), có nhiều yếu tố nguy cơ và khói bụi là một trong những yếu tố nguy cơ để gây nặng thêm tình trạng bệnh, do đó, mình phải tránh đồng thời phải được tái khám thường xuyên và chụp X-quang phổi, để theo dõi điều trị.

* Bác sĩ cho em hỏi, em đi khám thấy nhịp tim chậm. Bác sĩ khám có nói, chỉ có vận động viên thì nhịp tim tốt hơn người bình thường nên em không phải lo. Nhưng em thấy sợ quá, lỡ đến khi lớn tuổi, nhịp tim em nó chậm rãi quá thì có nguy hại gì? Vì em còn quá trẻ. Theo bác sĩ,hiện nay có biện pháp nào giúp tim nhanh lên được không? (Phùng Hoàng, 28 tuổi, An Giang)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Em phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch, việc ít nhất em phải làm là đo điện tim (ECG) thì mới xác định được nhịp tim em chậm do nguyên nhân gì để có hướng điều trị hoặc theo dõi phù hợp.

* Tôi nghe nói, ở Việt Nam, cụ thể là Viện Tim TP.HCM thay van tim bằng chất liệu van tim bò, tim heo; không biết chất liệu này có tốt như tim người không? Nếu thay van như vậy có bền không và bao lâu thì thay lại? (Nguyễn Thị Hoàng Phi, 58 tuổi, TP.HCM)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Phẫu thuật thay van tim gồm có 2 chỉ định thay van nhân tạo và thay van sinh học. Van tim bò và heo bạn nói là van sinh học, không có van người. Thời gian của van sinh học khoảng 10 năm, van sẽ thoái hóa, sau đó, phải mổ lại để đặt van khác.

Lợi điểm của van sinh học là sau khi đặt van bạn sẽ không phải uống thuốc kháng đông, chỉ định đặt van sinh học thường dùng cho phụ nữ muốn có thai và bệnh nhân lớn tuổi. Với van tim nhân tạo, bệnh nhân phải uống thuốc kháng đông suốt đời và lợi điểm là không phải mổ lại.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia

* Cậu em 65 tuổi, bác sĩ đặt máy tạo nhịp vì nhịp chậm, cậu nói 5 năm phải mổ lấy ra lại. Theo bác sĩ, có cách nào mình ko mổ lấy ra không, chứ em thấy ghê quá. (Cao Thị Mỹ Trang, 37 tuổi, Nha Trang)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bệnh nhân phải được khám chuyên khoa và theo dõi thường xuyên sau khi đặt máy tạo nhịp, hiện nay, đã có rất nhiều máy tạo nhịp với giá thành khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình, để có thể lựa chọn phù hợp cho bệnh nhân.

* Bác sĩ ơi, cho em hỏi, bệnh bướu cổ thì nên ăn gì và kiêng ăn gì? Riêng em, em bị cường giáp thì nên ăn gì và không ăn gì? (Trần Thị Phước Loan, 29 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bệnh bướu cổ nên ăn cá biển, đặc biệt các loại cá có vị béo, chứa nhiều dầu như cá trích, cá ngừ, cá hồi, cá thu,... Đây là những loại cá dồi dào Vitamin A rất tốt cho người đang điều trị bướu cổ. Rau xanh trái cây và nhiều loại củ các loại giúp ích cho hoạt động của tuyến giáp. Nên ăn các loại rau sẫm màu như cải xoong, rau diếp, củ thì có các loại củ có màu vàng, giàu vitamin A như khoai lang, cà rốt, cam, quýt ưu tiên được sử dụng. Ngoài ra, nên ăn nhiều các loại đậu và khoai tây.

Kiêng ăn: các loại cải như bắp cải, bông cải xanh, củ cải, rau cải, cải xoăn, nếu người bướu cổ nếu muốn ăn các loại cải thì nên thái nhỏ, luộc chín.

Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành cũng hạn chế, không nên sử dụng nhiều. Bia rượu và cà phê làm ảnh hưởng đến sự cân bằng tâm trạng, giấc ngủ, ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp và hiệu quả của thuốc tuyến giáp nên bệnh nhân tuyến giáp không nên sử dụng.

* Làm sao nhận biết mình bị bướu cổ sớm đây bác sĩ? Bệnh bướu cổ nào thì nên mổ? (Nguyễn Thị Bình, 39 tuổi, Huế)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Phải đi khám bác sĩ chuyên khoa và được siêu âm tuyến giáp mới xác định được bệnh bướu giáp có cần phẫu thuật hay không.

Đối với những bướu giáp nhân lành tính có kích thước nhỏ hơn 10mm, mình chỉ cần theo dõi bằng cách siêu âm mỗi 3 tháng và 6 tháng.

Đối với bướu giáp nhân lành tính có kích thước lớn hơn 15mm, có thể điều trị bằng sóng cao tần (RFA), bệnh nhân có thể điều trị đốt bướu giáp nhân, và về trong ngày, không cần phải phẫu thuật.

Chỉ định phẫu thuật đối với những bệnh bướu giáp ác tính.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia

* Bác sĩ ơi! Sao con gầy mà đi khám sức khỏe cũng bị máu nhiễm mỡ. Có bị nguy hiểm gì không? (Nguyễn Lý Hương, 30 tuổi)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Việc này liên quan đến nội tiết tố trong cơ thể có nhiều bệnh nhân rối loạn chuyển hóa, ăn nhiều, uống nhiều nhưng sụt cân và mau mệt. Đó là một trong những ví dụ điển hình của bệnh cường giáp. Em nên đi khám tổng quát để có thể phát hiện ra bệnh và điều trị.

* Thời tiết Sài Gòn mấy hôm nay quá lạnh, em thấy khó thở, nặng ngực và ho nhiều có khi nào bị u phổi hay ung thư gì không bác sĩ? Mà dấu hiệu khó thở thì em bị cũng nhiều năm nay, riêng nặng ngực khó thở thì lâu lâu bị. (Thái Thị Tuyết, 49 tuổi, Quận 12, TP.HCM)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Em nên ưu tiên đi khám bác sĩ chuyên khoa mới có thể chấn đoán chính xác em bị bệnh gì em nhé.

* Mỗi tối ngủ, em đều gác chân lên gối cao, thậm chí là ghế cao mới dễ ngủ, hoặc phải gác lên người bên cạnh mới ngủ được. Có cách nào khắc phục được điều này không. À, em quên nói em bị giãn tĩnh mạch 2 chân. (Nguyễn Thị Hoàng, 35 tuổi, Quận 3, TP.HCM)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới bệnh nhân nên hiểu đơn giản là bệnh ứ máu ở chân, máu không đi trở về tim được. Điều trị bệnh là đưa máu tĩnh mạch về tim được thì sẽ giảm triệu chứng của bệnh.

Việc nằm gác cao chân là một cách để đưa máu về tim nhưng không cần phải gác cao, chỉ cần gác trên gối ôm chân cao hơn tim là đã có thể giúp máu về tim dễ dàng. Còn với ban ngày, đi lại hoạt động nhiều, phải mang vớ áp lực tĩnh mạch.

* Chào bác sĩ, người mắc bệnh tim thì nên kiêng ăn món gì? Tôi dân miền Tây, thích ăn ngọt và béo, đặc biệt là gặm giò món hủ tiếu. (Lâm Thái Trinh, 36 tuổi, Bến Tre)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Đối với bệnh tim mạch, nên hạn chế ăn mặn và mỡ vì ăn mỡ nhiều dẫn dến cholesterol tăng cao, dễ tăng yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu.

* Thời tiết đang vào đầu đông, rất lạnh. Nhưng mỗi sáng vợ chồng nhà tôi phải dậy sớm để giao hàng cho khách từ 3g - giao chả thịt đến các quán ăn... Tôi và chồng đều bị tim mạch. Liệu trời lạnh có khi nào khiến 2 vợ chồng tôi đi ngoài đường bị đột tử không trời? (Nguyễn Thị Phượng, 39 tuổi, Nghệ An)

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Đột tử thường có nguyên nhân lớn nhất là do thiếu máu cơ tim, huyết áp cao quá khiến vỡ phình động mạch chủ cũng gây đột tử. Bạn nên đến khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nhất.

* Chào bác sĩ, em năm nay 24 tuổi là giáo viên mầm non. Đầu năm em bị đau một bên mông, đứng lên ngồi xuống rất khó khăn. Đi chụp X-quang không thấy bị gì, uống thuốc theo toa bác sĩ cũng không hết. 3 tháng sau thì đang ngồi mà đứng lên là nó đau từ mông giật xuống tới đầu gối rồi dần dần xuống gót chân. Người nhà nói bị đau thần kinh tọa, em đi BS Đông y châm cứu khoảng 20 ngày thì giờ đã đỡ hẳn. Bệnh này hình như là của người già, sao em mới 24 tuổi mà bị? Giờ đã hết đau nhưng không biết có bị lại hay không? Làm sao để tránh bị chứng bệnh này? Cám ơn bác sĩ. (Vũ Thị Như Lan)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Triệu chứng khá điển hình của viêm dây thần kinh tọa châm cứu bên đông y giải quyết khá triệt để đối với bệnh này. Tuy nhiên, bạn cần theo dõi bằng cách chụp MRI cột sống thắt lưng để khảo sát thêm.

Em bị bệnh tim, hở van tim , suy tim mức độ 2. Mỗi lần quan hệ tình dục thấy mệt. Theo bác sĩ, em có nên kiêng quan hệ với chồng? Nếu quan hệ bao nhiêu lần / tuần là đủ? Nguyễn Thị Kiều (39 tuổi, Pleiku)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Thứ nhất, bạn không nói rõ kết quả siêu âm tim của bạn như thế nào vì trong tim có 4 lá van và chức năng của 4 lá van này khác nhau. Tầm quan trọng của chúng cũng khác nhau.

Người bệnh tim nên tập thể dục và sinh hoạt tùy theo sức của mình.

* Tôi bị mỡ máu cao 6,7. Theo bác sĩ, ngoài tập thể dục ra tôi nên làm gì? Có nên nhịn ăn? (Tạ Quế Trâm, 33 tuổi, quận 5, TP.HCM)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bệnh mỡ máu cao chủ yếu là tiết thực và vận động. Tiết thực ở đây là không ăn dầu mỡ động vật có thể ăn dầu thực vật. Vận động tập thể dục tùy theo sức khỏe của mình là chủ yếu. Uống thuốc điều trị chỉ khi mỡ máu cao và phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.

* Em bị bệnh tim, vậy sinh con thì con có bị bệnh tim không? Nếu thai bị bệnh tim thì có nên chấm dứt thai kỳ? (Đỗ Lan Hương, 24 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bệnh tim mạch một số bệnh có yếu tố di truyền. Để khảo sát được thai nhi có bệnh tim hay không có thể siêu âm tim thai trong thời gian mang thai. Việc chấm dứt thai kỳ hay không tùy thuộc vào từng mặc bệnh có thể điều trị phẫu thuật sau sinh, do đó, phải được tư vấn kỹ từ bác sĩ chuyên khoa.

Thưa bác sĩ, bây giờ các bạn tắm trắng nhiều. Nhìn xa thì trông rất đẹp nhưng nhìn gần thì chi chit những gân máu trên chân và tay. Như vậy có phải là bị dãn tĩnh mạch không? Nếu bị dãn tĩnh mạch kiểu như vậy thì có chữa được không? Nguyễn Kỳ Liên

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Hệ thống tĩnh mạch gồm hệ nông, hệ sâu và hệ thống tĩnh mạch xuyên. Một số người da mỏng và thành mạch yếu có thể nổi lên dưới da và thấy được, có thể giải quyết bằng điều trị liệu pháp chích xơ tĩnh mạch để giải quyết thẩm mỹ.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia
 

* Cho em hỏi 1 câu không liên quan, em bị bướu cổ, mua thẻ bảo hiểm y tế ở Bình Thạnh, giờ em muốn điều trị ở Thủ Đức thì có được không ạ ? Chi phí có bị tính thêm? (Thái Thị Hương Nhi, 50 tuổi, đường Lê Quang Định, Bình Thạnh)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Được, hiện tại khoa Lồng ngực Mạch máu Bệnh viện quận Thủ Đức đã được đầu tư hệ thống siêu âm tĩnh mạch, máy lazer tĩnh mạch và các dụng cụ khác đủ để có thể điều trị hiệu quả tất cả các mặc bệnh về tĩnh mạch chi dưới.

* Anh trai bạn em mới vừa mất vì đột quỵ ở tuổi 39. Lúc đi nhậu về, kêu đau đầu dữ, co giật và nôn, sau đó hôn mê. Vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ bảo bị đột quỵ và không qua khỏi. Thường thì đột quỵ xảy ra ở người già, sao ảnh trẻ mà bị vậy bác sĩ. Làm sao để ngừa chứng này? (Nguyễn Kim Lý)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bệnh nhân trẻ nên được đi khám sức khỏe thường xuyên để có thể kiểm soát được tất cả các mặc bệnh đã mắc phải. Trường hợp này, là một ví dụ điển hình bệnh nhân trẻ tuổi tuy nhiên đã bị đột quỵ, có thể tiền căng bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không điều trị, gặp yếu tố nguy cơ nên bị vỡ phình mạch máu não, gây ra đột quỵ.

* Bác sĩ cho con hỏi mỗi lần mẹ con nóng giận là khó thở, xong mặt mũi xanh lè, ngồi bịch xuống đất một lúc sau mới thở được. Đây là bệnh gì ạ? (Thu Hoài)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bạn nên đưa mẹ đi khám chuyên khoa hô hấp và tim mạch phải được chụp X-Quang, điện tâm đồ, siêu âm tim, để khảo sát.

* Bác sĩ cho em hỏi bà em năm nay gần 90 tuổi, chân tay thường đau nhức đi lại khó khăn. Các đường gân máu nổi rõ ở chân, tay nhà đưa bà di khám nghe nói là suy tĩnh mạch. Vậy giờ có cách nào để giảm tình trạng này và giúp bà em đỡ đau nhức hơn không? (Nguyễn Nhất Huy)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Với bệnh nhân lớn tuổi bị suy tĩnh mạch cần được hỗ trợ mang vớ áp lực tĩnh mạch mỗi ngày, mang từ sáng cho đến chiều, tối ngủ tháo ra và gác chân lên gối.

Và có những bài tập thể dục tại chỗ cho bắp chân, phải tập thường xuyên.

* Em nuốt nước bọt thường thấy có 1 cục tròn tròn chạy xuống theo cổ đó bác sĩ, đó có phải là cục bướu không? Làm sao để biết nó có chính xác là bướu không nếu không đến bv ạ? Vì nhà em rất khó khăn không có đủ tiền để đi khám bệnh. (Hoài Thu Trần)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Để biết chính xác bệnh bướu cổ phải được đi khám bác sĩ chuyên khoa và siêu âm tuyến giáp, giá thành của siêu âm tuyến giáp không cao nếu bạn có bảo hiểm sẽ không tốn chi phí.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia
Tập thể y bac sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức thực hiện ca mổ tim hở đầu tiên ở tuyến quận/huyện cách đây vài ngày.

* Ông nội tôi có cục bướu rất to ở cổ nhưng vì lớn tuổi, đi lại từ quê lên bệnh viện lớn không thuận tiện nên gia đình chần chừ và ông cũng sợ chết, không chịu làm phẫu thuật. Giờ gia đình nên làm gì? (Trần Viết Xuân)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bạn nên đi khám, siêu âm và có chẩn đoán chính xác từ bác sĩ chuyên khoa.

* Dạo gần đây, bạn cùng làm chung văn phòng em (27 tuổi), em họ em (29 tuổi) đang làm việc thấy mệt, môi tím tái. Hỏi ra thì bị huyết áp thấp. Em nghe nói căn bệnh này thường xảy ra ở người lớn tuổi trên 50. Vậy có thật là các bạn bị huyết áp thấp hay không? Mức độ nguy hiểm và làm sao để phòng tránh ạ? (Lê Minh Hồng)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Để chẩn đoán huyết áp thấp bạn nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa, bệnh thường gặp ở những người có thể trạng yếu, tình trạng huyết áp thấp rất nguy hiểm nên cần được khám và điều trị thích hợp.

* Thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt hơn thì với người già như 60 tuổi trở nên đã có vấn đề về tim mạch như hở van tim, đau nhức thoái hóa khớp, thưa bác sĩ, gia đình nên có theo dõi và quan sát gì để giúp cụ vẫn cảm thấy khỏe mạnh? Cữ trở trời hay trời thay đổi thời tiết là bà cụ ở nhà lại vào giường nằm liền cả tuần thật mệt mỏi. (Nguyễn Minh Chí)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Triệu chứng bệnh của bà là điển hình của bệnh lý viêm đa khớp dạng thấp, lâu ngày không điều trị dẫn đến thấp tim, tổn thương van tim. Trường hợp của bà phải theo dõi cả hai chuyên khoa tim mạch và cơ xương khớp.

* Hiện nay có những kỹ thuật nào giúp người trẻ chẩn đoán sớm mắc bệnh tim. Phương pháp điều trị như thế nào? (Bích Hà)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Hiện nay, kỹ thuật y học đã cao, để chẩn đoán xác định sớm các bệnh về tim mạch chỉ cần chụp phim phổi, đo điện tim, và siêu âm tim. Từ những cái cơ bản này, nếu phát hiện những bất thường mới làm kỹ thuật chuyên sâu hơn như đo điện tim gắng sức, đo điện tim liên tục trong ngày, chụp CT dựng hình mạch máu, chụp hình mạch máu xóa nền,...

* Thưa bác sĩ, cơ quan em vừa có đợt kiểm tra sức khỏe cho nhân viên, kết quả kiểm tra em thấy tỷ lệ các bạn bị gan nhiễm mỡ và máu nhiễm mỡ rất cao. Bây giờ làm sao để tránh được mấy chứng đó trong khi đa phần giờ tụi em đi làm về toàn ăn ở hàng quán không à. (Huỳnh Lê Duy)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Do tình trạng giới trẻ hiện nay với lối sống tĩnh tại nhiều, ít tập thể dục và chế độ ăn ngày càng đủ chất do đó gây ra tình trạng bệnh trên. Để khắc phục chủ yếu là tiết thực và vận động.

* Em 26 tuổi, đang mang thai nhưng bác sĩ chẩn đoán em bị suy giáp. Xin bác sĩ cho biết bệnh này là gì, có ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi không? Điều trị như thế nào? (Minh Chiến)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Suy giáp tức là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hóc môn tuyến giáp, có thể di truyền từ mẹ sang con, bạn nên được khám bác sĩ chuyên khoa sản và nội tiết, để cung cấp hóc môn tuyến giáp đầy đủ cho bạn.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia
 

* Thưa bác sĩ, năm nay tôi 37 tuổi, hiện nay huyết áp của tôi luôn ở mức cao 140/90. Dù tôi đã giảm ăn muối rất nhiều. Với mức cao như vậy, có phải uống thuốc không? Cám ơn bác sĩ. (Lý Phú An)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Có nhiều nguyên nhân gây huyết áp cao, bạn nên được khám và làm cận lâm sàng để chẩn đoán xác định bệnh, từ đó, bác sĩ mới có chỉ định cho điều trị hay không.

* Tôi 28 tuổi, vừa rồi đi khám tổng quát được bác sĩ chẩn đoán phình giáp đa hạt nhân, bên trong có nang nhỏ, kích thước 17mm. Xin bác sĩ cho biết trường hợp của tôi có cần phải mổ không? (Thanh Thảo)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Đối với những nhân giáp trên 15mm, cần phải được làm sinh thiết tuyến giáp để xác định lành tính hay ác tính. Nếu đây là nhân giáp lành tính, không cần phải mổ chỉ cần đốt nhân giáp bằng sóng cao tầng (RFA). Những nhân nhỏ hơn 10mm có thể theo dõi.

* Người trẻ phải làm gì để phòng ngừa bệnh suy giãn tĩnh mạch hiệu quả? (Đào Bá Tuần)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Yếu tố nguy cơ không thể phòng ngừa liên quan đến di truyền và phụ nữ sau mang thai. Yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa là đứng lâu quá, ngồi lâu quá, bận quần áo chật quá, mang giày cao gót,...

* Tôi làm nghề kinh doanh cà phê nên thường xuyên phải đứng lâu một chỗ. Thời gian gần đây tôi hay bị đau nhức chân, thưởng mình bị xương khớp nên có ra tiệm thuốc mua về uống. Nhưng sau đó bệnh vẫn không khỏi. Tôi đến bệnh viện thì được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch cả hai chân và buộc phải mổ. Xin bác sĩ cho biết, phương pháp điều trị của bệnh này hiện nay như thế nào? Tôi có nhất thiết phải mổ hay chỉ cần uống thuốc là khỏi. (Đào Bá Tuần)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Bị suy tĩnh mạch có hai hệ, suy hệ tĩnh mạch nông và hệ tĩnh mạch sâu. Hai hệ này điều trị khác nhau hoàn toàn. Nếu bệnh nhân chỉ bị suy tĩnh mạch sâu, điều trị là mang vớ áp lực tĩnh mạch, tập thể dục, và uống thuốc. Nhưng nếu bệnh nhân suy tĩnh mạch nông, bắt buộc phải can thiệp. Hình thức can thiệp hiện nay gồm phẫu thuật mở cắt bỏ tĩnh mạch giãn, đốt tĩnh mạch giãn bằng sóng cao tầng (RFA), đốt tĩnh mạch giãn bằng lazer, bơm keo sinh học, chích xơ tĩnh mạch.

* Chồng tôi do hút thuốc lá mà bị ung thư phổi, giờ anh ấy rất tuyệt vọng và cho rằng ung thư là sẽ chết. Anh ấy không hề nghe theo lời khuyên của bác sĩ gì cả, thỉnh thoảng buồn anh ấy vẫn lén hút thuốc để giải toả căng thẳng vì cho rằng đã mắc ung thư rồi có kiêng hút thuốc vẫn không hết bệnh. Xin bác sĩ cho chồng tôi lời khuyên. (Tuyết Trâm)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Tỷ lệ tử vong của ung thư phổi tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, việc chẩn đoán giai đoạn bệnh phụ thuộc vào bác sĩ chuyên khoa, chỉ định phẫu thuật với ung thư phổi từ giai đoạn I đến IIIA, giai đoạn IIIB và IV không còn chỉ định phẫu thuật, phải can thiệp bằng hóa trị, xạ trị.

Tỷ lệ tử vong sau 5 năm đối với giai đoạn IA là 73%, IB là 58%, IIA là 46%, IIB là 36%, IIIA là 24%, IIIB là 9%.

Hút thuốc lá sẽ làm tăng thêm nguy cơ của bệnh. Bác sĩ không khuyến khích.

Giao luu truc tuyen: Nguoi tre voi benh nguoi gia
 

* Tôi bị đau nhức, nặng chân. Tôi đi khám thì bị bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh xương khớp và cho thuốc điều trị. Nhưng sau đó tình trạng không thuyên giảm. Tôi tìm đến bác sĩ khác thì được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch, mặc dù tôi mới 30 tuổi. Xin bác sĩ cho biết, triệu chứng cụ thể của bệnh là gì, tại sao bác sĩ lại chẩn đoán nhầm như vậy? (Ngọc Toàn)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Tình trạng này rất hay gặp ở bệnh nhân đặc biệt là bệnh nhân nữ, máu đi qua khoeo chân kém, gây đau mỏi vùng khớp gối đã điều trị khớp gối rất nhiều nơi nhưng không khỏi, nhưng khám thì lại bị suy tĩnh mạch.

Nên được đi khám bác sĩ chuyên khoa về mạch máu để được khảo sát mình bị tổn thương hệ tĩnh mạch nào và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

* Tôi nghe nói nếu bị suy giãn tĩnh mạch thì không được vận động mạnh, luyện tập thể dục thể thao. Điều này có đúng không? (Lê Khương Minh)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Liên quan đến 2 hệ tĩnh mạch của chân, 2 hệ này điều trị khác nhau hoàn toàn. Nếu bạn bị suy hệ tĩnh mạch nông, càng tập thể dục sẽ càng làm nặng thêm tình trạng của bệnh. Nhưng nếu bạn bị suy tĩnh mạch sâu, thì khuyến khích tập thể dục. Do đó, cần phải được khám và siêu âm tại bác sĩ chuyên khoa, để đưa ra phương hướng điều trị thích hợp.

* Bệnh suy giãn tĩnh mạch nếu không phát hiện sớm và điều trị thì bệnh có nguy hiểm gì không? (Lê Thị Thu Cúc)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Trường hợp nặng nhất của suy tĩnh mạch là hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch. Cục máu đông ở tại chỗ sẽ gây xưng nóng đỏ đau tại vị trí bám thành. Khi cục máu đông trôi theo hệ thống tĩnh mạch về tim sau đó, trôi lên phổi sẽ gây thuyên tắc phổi, khả năng cao gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

* Những dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh u phổi ở đàn ông trung niên nên theo dõi để biết là gì thưa bác sĩ? (Minh Tâm Phạm)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: U phổi nói chung và ung thư phổi nói riêng thường gây ít triệu chứng, khi triệu chứng xuất hiện đã là giai đoạn nặng của bệnh. Do đó, khi xuất hiện bệnh đi khám thì đã ở giai đoạn nặng. Những triệu chứng thường gặp của u phổi là bệnh nhân đau ngực, khó thở, ho ra máu, sụt cân, sốt về chiều,... Để phòng ngừa, nên được đi khám, chụp phim phổi mỗi 3 tháng/lần.

* Bà ngoại em năm nay 70 tuổi, bị thoái hố đốt sống lưng, nhiều gai, kèm theo là có dấu hiệu tim mạch không ổn định, hay hồi hộp, toát mồ hôi, lo ấu. Bác sĩ có lời khuyên gì ạ? (Bùi Ngọc Lan)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Trường hợp bệnh của bà phải đi khám cả hai chuyên khoa cơ xương khớp và khoa tim mạch. Từ đó, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.

* Có phải bị bướu cổ basedow sẽ sinh con không khỏe mạnh? (Nguyễn Nhật My, 32 tuổi, quận Tân Phú)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Basedow là một bệnh lý tự miễn có liên quan đến di truyền, có thể di truyền sang con. Tuy nhiên, vẫn có thể mang thai và sinh con bình thường nhưng vẫn phải khám bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh hóc môn giáp trong quá trình mang thai.

* Tôi 45 tuổi, được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 2. Từ khi biết tôi mắc bệnh, cả gia đình đều xa lánh vì cho rằng sẽ lây bệnh ung thư cho họ. Xin bác sĩ cho biết ung thư phổi có lây giống như lao phổi không? (Văn Luận)

Bác sĩ Nguyễn Kim Anh: Ung thư phổi không lây như bệnh lao. Nếu đã được xác định ung thư phổi giai đoạn 2 vẫn còn có chỉ định phẫu thuật và tỉ lệ sống trên 5 năm là 46%.

Phụ Nữ Online
Ảnh: Phùng Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI