Gián điệp kinh tế - Bài 4: Kỳ án Xue Feng

17/09/2013 - 07:31

PNO - PN - Khi trở thành một nền kinh tế mới nổi hùng mạnh, Trung Quốc (TQ) bắt đầu bảo vệ bí mật kinh tế và chống gián điệp nước ngoài bằng luật lệ riêng gây nhiều tranh cãi. Vụ án nhà địa chất Xue Feng là một ví dụ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Xue Feng sinh ngày 6/2/1965 gần thành phố cổ Tây An, tỉnh Thiểm Tây, TQ. Trong thời gian học khoa địa chất Trường đại học Tây Bắc Tây An cuối thập niên 80, anh là người hướng dẫn và phiên dịch cho du khách ngành địa chất. Số phận đưa đẩy anh gặp nhà địa chất Mỹ David Rowley. Thấy chàng sinh viên người Hoa thông minh, trực tính, nói tiếng Anh lưu loát, Rowley mời Xue Feng học tiến sĩ ở Trường đại học Chicago (Mỹ). Tại đây, Xue Feng nghiên cứu sâu về hiện tượng biến dạng của đá trong điều kiện siêu cao áp. Theo ông Rowley, Xue Feng là một trong số rất ít nhà địa chất có khả năng xác định thành phần khoáng sản trong đá bằng mắt thường.

Gian diep kinh te - Bai 4: Ky an Xue Feng

Nhà địa chất Xue Feng - Ảnh: AP

Bình thường và bất bình thường

Lấy xong bằng tiến sĩ địa chất ở Chicago, năm 1999 Xue Feng làm việc cho Công ty tư vấn năng lượng IHS có trụ sở ở Houston (Mỹ) với tư cách là “trinh sát viên” thu thập dữ liệu dầu mỏ TQ. Nhiệm vụ chính của Xue là đến Bắc Kinh gặp gỡ các nhà địa chất và chuyên gia dầu mỏ TQ để trao đổi thông tin. IHS cung cấp cơ sở dữ liệu ngành năng lượng cho toàn thế giới. Việc làm của Xue lúc đó không gặp trở ngại gì, bản thân Xue cũng không nghĩ rằng mình đang thu thập “thông tin nhạy cảm” của TQ.

Vào thời điểm đó, Chính phủ TQ thoái vốn ở các công ty năng lượng nhằm giúp họ có mặt trên sàn chứng khoán. Việc tái cấu trúc ngành công nghiệp dầu mỏ tạo điều kiện cho IHS thu thập được dữ liệu mới. Năm 1996, CNPC - tập đoàn dầu mỏ lớn nhất TQ - bắt đầu số hóa dữ liệu của hơn 30.000 giếng dầu được coi là “báu vật” của tập đoàn. Xu Xu - một chuyên viên của CNPC được giao nhiệm vụ số hóa nói trên. Ông ta lén lút sao chép dữ liệu các giếng dầu đang hoặc sắp khai thác và nhiều dữ liệu liên quan khác. Dùng nickname để che giấu nhân thân và tiện giao dịch, Xu Xu lên mạng chào bán nguồn dữ liệu này.

Cuối năm 2005, Xue Feng mua được nguồn dữ liệu nói trên, IHS đã trả cho Xu Xu tổng cộng 228.500 USD. Trước đó, nguồn dữ liệu này đã qua tay nhiều trung gian, trong đó có ông Li Yongbo, bạn học cũ của Xue Feng, và một công ty dầu mỏ TQ khác. Với thành tích nói trên, IHS cho lưu hành e-mail nội bộ tán dương công lao của Xue.

Thông thường, loại cơ sở dữ liệu trên chứa những thông tin liên quan đến tiềm năng dầu mỏ của một khu vực nào đó; bao gồm dữ liệu về các giếng dầu, địa chất và địa lý. Chúng cũng có thể liên quan đến kiến tạo địa chất của một vùng nào đó. Tóm lại, đó là những cơ sở dữ liệu không thuộc hàng bí mật nhà nước. Thế nhưng, chính quyền TQ lại không nghĩ như vậy.

Gian diep kinh te - Bai 4: Ky an Xue Feng

Bà Xue Min (trái), em gái ông Xue Feng ngoài cổng tòa án - Ảnh: AP

Nhiều tình tiết gây tranh cãi

Trong khi IHS chỉ đạo bộ phận kinh doanh rao bán hợp pháp nguồn dữ liệu kể trên như bao nhiêu nguồn dữ liệu khác, thì Bắc Kinh lại tìm cách ngăn chặn rò rỉ thông tin, dù lúc bấy giờ chưa được xếp vào danh sách bí mật nhà nước. Năm 2005, Chính phủ TQ bổ nhiệm luật gia Xia Yong, từng tu nghiệp ở Đại học Harvard, làm Trưởng ban Bảo vệ bí mật nhà nước để nghiên cứu và mở rộng “vùng cấm”, trong đó có cơ sở dữ liệu ngành dầu mỏ, kể cả dữ liệu về thời tiết đối với nước ngoài (năm 2006).

Giữa năm 2007, Xue Feng thôi làm ở IHS chuyển sang một công ty tư vấn khác. Tại thời điểm này, Xue đã nhập quốc tịch Mỹ và qua lại Bắc Kinh với sổ thông hành Mỹ. Ngày 20/11/2007, trong lúc chuẩn bị lên máy bay trở về Houston để nghỉ lễ Tạ ơn với vợ con thì Xue bị nhân viên an ninh TQ bắt giữ.

Trong nhiều tháng, chính quyền Bắc Kinh không hề thông báo về việc bắt giữ Xue Feng, một công dân Mỹ, theo như thỏa thuận cấp lãnh sự giữa Mỹ và TQ. Vợ ông Xue, bà Nan Kang và hai con cũng không được thông báo.

Công an TQ “làm việc” với Xue Feng cho đến tháng 2/2008 với lý do tình nghi ăn cắp thông tin dầu mỏ TQ bán cho nước ngoài. Hãng tin AP cho biết, trong một lần gặp đại diện Mỹ, Xue Feng tố cáo mình bị điều tra viên ép cung bằng cách gí đầu thuốc lá đang cháy vào lòng bàn tay. Đến tháng 4/2008, Xue Feng chính thức bị bắt giam và khởi tố về tội thu thập thông tin thuộc bí mật nhà nước. Ngay đối với luật pháp TQ, việc này cũng bất thường.

Hơn hai năm kế tiếp, Xue Feng tiếp tục ngồi tù mà không qua xét xử khiến dư luận nghi ngờ đây là kế hoãn binh để TQ kịp tu chính luật pháp theo hướng quy kết bị cáo họ Xue vào tội gián điệp kinh tế. Phía Mỹ đã nhiều lần yêu cầu TQ thả Xue Feng vì lý do nhân đạo và trục xuất về Mỹ nhưng không được đáp ứng.

Tháng 4/2010, chính quyền Bắc Kinh công bố một dự luật mà theo đó, bí mật kinh doanh của các đại công ty quốc doanh được coi là bí mật nhà nước. Ba tháng sau, Tòa án nhân dân Trung cấp số 1 Bắc Kinh mới xét xử Xue Feng và ba công dân TQ liên quan đến vụ án. Ngày 5/7 Xue Feng bị kết án tám năm tù và phạt tiền 200.000 nhân dân tệ (khoảng 30.000 USD) về tội “xâm phạm an ninh quốc gia”. Một mức án mà luật sư bào chữa của Xue cho là “quá nặng”.

Hiện Xue Feng vẫn trong tù, sẽ được trả tự do ngày 3/2/2016, tức ba ngày trước sinh nhật lần thứ 51 của mình. Xue Feng từng kháng án nhưng bất thành. Vụ án thậm chí được đề cập trong cuộc đàm đạo giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhân chuyến viếng thăm chính thức Mỹ tháng 1/2011, nhưng không có gì thay đổi.

Điều khó hiểu là Công ty IHS không hề bị chính quyền Bắc Kinh yêu cầu gỡ bỏ một phần dữ liệu mà TQ sử dụng để gán tội gián điệp kinh tế cho Xue. Tuy nhiên, sau sự cố Xue Feng, IHS đã xem xét lại kế hoạch thu thập thông tin về các sản phẩm của TQ.

 TRỌNG NGHĨA 

Bài 5: Vồ Hụt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI