Giải Kovalevskaia vinh danh nhà khoa học của môi trường

07/03/2023 - 05:58

PNO - Nghiên cứu khoa học có rất nhiều lĩnh vực hay, nhưng với giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Thắng, môi trường là lĩnh vực gắn bó mật thiết và luôn được ưu tiên lựa chọn.

Chọn hướng đi mang giá trị thực tiễn

6g chiều, trời mùa đông sập tối. Trong căn phòng nhỏ giản dị, nằm trong khuôn viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Thắng cất vội tập tài liệu để bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi. Bà là người đoạt giải thưởng Kovalevskaia (hạng mục cá nhân) dành cho nhà khoa học nữ năm nay với nhiều đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Vừa làm công tác khoa học, vừa là giảng viên giảng dạy bộ môn công nghiệp hữu cơ - hóa dầu (Viện Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội), giáo sư Thắng còn là “chủ nhân” của hàng loạt đề tài nghiên cứu, định hướng nghiên cứu có giá trị và khả năng ứng dụng cao. 

Điểm chung ở hầu hết các công trình của giáo sư Lê Minh Thắng là đều xoay quanh việc xử lý các loại khí thải, góp phần bảo vệ môi trường. Bà chia sẻ, môi trường đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người, nhất là một đất nước đang phát triển như Việt Nam, còn sử dụng nhiều sản phẩm có công nghệ xưa cũ, vốn đầu tư thấp. Khí thải từ các động cơ cũ kỹ, từ các nhà máy sản xuất đang ngày càng gia tăng… khiến những người làm khoa học như bà không khỏi đau đáu. “Khoa học luôn có rất nhiều vấn đề hay, nhưng mình luôn ưu tiên lựa chọn lĩnh vực mà mình quan tâm nhất và lại có khả năng ứng dụng hiệu quả vào cuộc sống” - nhà khoa học trải lòng.

Một trong những công trình nổi bật có thể kể đến là “Tìm kiếm xúc tác mới hiệu quả để xử lý khí thải xe máy” do giáo sư Lê Minh Thắng làm chủ nhiệm đề tài. Trên thị trường, bộ xử lý khí thải xe không thiếu, nhưng đều được sản xuất từ các kim loại quý nên giá thành rất cao. Sản phẩm không phù hợp để áp dụng với các dòng xe máy thông thường và các xe đã sử dụng lâu năm.

“Để giảm giá thành sản phẩm, cũng như đặt trong bối cảnh các kim loại quý ngày càng khan hiếm, chúng tôi đã nghĩ tại sao không thể thay thế bằng một vật liệu “bình dân” hơn mà vẫn mang lại hiệu quả tương đương? Từ đó, tôi và nhóm nghiên cứu đã tìm ra bộ xúc tác từ hỗn hợp ô xít kim loại chuyển tiếp với giá thành rẻ hơn nhiều” - nữ giáo sư chia sẻ. Sản phẩm của giáo sư và nhóm nghiên cứu đã được lắp đặt thử nghiệm trên xe Vespa cũ tại thị trường Việt Nam và kết quả là không chỉ bảo đảm tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về khí thải xe máy mà bộ xúc tác còn có khả năng xử lý tốt ở nhiệt độ thấp hơn so với kim loại quý. 

Giáo sư Lê Minh Thắng với công việc nghiên cứu hằng ngày
Giáo sư Lê Minh Thắng với công việc nghiên cứu hằng ngày

Giáo sư Lê Minh Thắng cũng là chủ nhiệm của đề tài “Nghiên cứu phát triển công nghệ hấp phụ - xúc tác xử lý các hợp chất chứa nhân thơm, các hợp chất hữu cơ độc hại khó phân hủy trong khí thải của quá trình nhiệt phân nhựa, cao su phế thải”. Với nghiên cứu này, các xúc tác hỗn hợp ô xít kim loại chuyển tiếp đã được ứng dụng vào các nhà máy nhiệt phân cao su phế thải, nhà máy sản xuất polyester không no để xử lý các hợp chất thơm khí bay hơi.

Kết quả nghiên cứu ứng dụng tại nhà máy xử lý chất thải Tân Minh (khu công nghiệp Hải Dương) cho thấy, sản phẩm đã làm giảm mùi của khí thải, giá thành hợp lý, độ bền và hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng xung quanh. 

Đau đáu tìm "đầu ra" cho sản phẩm

Giáo sư Lê Minh Thắng cho biết, mỗi công trình, nghe thì đơn giản nhưng là cả một quá trình tìm tòi, nghiên cứu không mệt mỏi, tốn không ít thời gian của những người nghiên cứu và sự tham gia hỗ trợ của nhiều thế hệ sinh viên. Cũng có lúc nghiên cứu trở nên bế tắc, thí nghiệm thất bại, nhưng bà luôn tin: cứ đi thì sẽ tìm ra hướng. Và “Nhiều khi kết quả nghiên cứu đến một cách tình cờ, dựa vào sự quan sát tinh ý của mình để dừng lại và tìm được chìa khóa giải bài toán. Ví dụ như sinh viên làm nhầm một thí nghiệm, sau khi làm xong lại thấy xúc tác có kết quả tốt. Đấy lại là manh mối để tìm hướng đi hiệu quả hơn”.

Dù đã sở hữu nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, chứng minh được hiệu quả trong thực tiễn, song giáo sư Thắng vẫn luôn trăn trở làm sao để thương mại hóa, đưa được công nghệ của mình ra thị trường một cách rộng rãi. “Chúng tôi chỉ là những người làm khoa học đơn thuần nên có phần bỡ ngỡ trước những chuyện của thị trường. Ngoài ra, còn có một số vấn đề kỹ thuật liên quan tới việc chuyển đổi sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ lên công nghiệp” - bà nói. 

Làm khoa học vốn dĩ đã là con đường vất vả nhưng với nữ giới thì còn vất vả hơn khi phải giữ cân bằng giữa công việc và gia đình. “Điều này đòi hỏi mình luôn phải có một kế hoạch khoa học, rõ ràng, việc nọ cấy vào việc kia. Làm việc sao cho mất ít thời gian nhất, ngay cả việc gia đình. Đó là lý do mình dạy cho con cách tự học, tự lập để có thể giải quyết vấn đề mà không phải lúc nào cũng cần có bố mẹ ở cạnh bên” - nữ giáo sư tâm sự và cho rằng mình may mắn khi có người chồng luôn hết mực ủng hộ cho công việc của vợ để bà có thể tự do theo đuổi đam mê.

Ít ai biết, dù khối lượng công việc chuyên môn luôn “đầy ắp”, giáo sư Thắng còn là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Trường đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam. Từ quá trình phát triển của bản thân, thấy rõ từng điểm mạnh, yếu của nữ giới khi tham gia làm khoa học, bà đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên tiếp bước. Chi hội Nữ trí thức của Trường đại học Bách khoa đã tổ chức nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học cho hội viên nữ; chuỗi bài giảng đại chúng về khoa học và công nghệ cho các em học sinh, sinh viên; các hoạt động trải nghiệm stem cho nữ học sinh phổ thông…

Nữ giáo sư nhấn mạnh: “Nữ giới có khả năng phát triển nghề nghiệp không kém gì ai cả, ngay cả trong những công việc mà mọi người nghĩ phù hợp hơn với nam giới”. Bà cũng hy vọng, trong tương lai, các nhà khoa học nữ sẽ được tạo điều kiện để làm công việc mình mong muốn, có sự động viên, chia sẻ cả về chính sách, cơ sở vật chất cũng như tinh thần. 

Trao giải Kovalevskaia cho nhóm cán bộ nữ Trường đại học Dược Hà Nội

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, giải thưởng Kovalevskaia 2022 cũng sẽ được trao trong dịp này.

Bên cạnh giải thưởng cá nhân dành cho giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Thắng, giải tập thể năm nay trao cho nhóm cán bộ nữ thuộc bộ môn hóa dược - công nghệ hóa dược, Trường đại học Dược Hà Nội. Trong 5 năm gần đây, tập thể nữ này đã và đang chủ trì 4 đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia và 1 đề tài tương đương cấp bộ; chủ trì và hoàn thành 12 đề tài cấp cơ sở; thiết kế và tổng hợp được hơn 450 hợp chất mới dựa trên mục tiêu phân tử trong đó có rất nhiều chất có tiềm năng. Nhóm nghiên cứu cũng đạt được 16 bằng sáng chế được Hàn Quốc công nhận bản quyền và 1 bằng sáng chế đang trong quá trình xét cấp bản quyền tại Việt Nam.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học của tập thể nữ bộ môn hóa dược tập trung vào 2 lĩnh vực cơ bản gồm nghiên cứu tìm kiếm các chất mới có hoạt tính sinh học tiềm năng để phát triển thành thuốc và nghiên cứu phát triển các phương pháp tổng hợp, phân tích chất chuẩn, tạp chuẩn ứng dụng trong kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng thuốc. Trong đó, nhiều chất mới có hướng ứng dụng trong điều trị ung thư, tiểu đường, sa sút trí tuệ… 

Sinh năm 1975, giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Thắng từng là sinh viên của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Với thành tích xuất sắc, sau khi ra trường, cô sinh viên ngành hóa dầu đã lựa chọn ở lại trường để gắn bó với công việc giảng dạy, nghiên cứu. Cô Thắng từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường đại học Ghent (Bỉ) và trở thành nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009.

Năm 2019, cô được công nhận chức danh giáo sư. Bên cạnh nhiều thành tích nổi bật trong nước, năm 2021, giáo sư, tiến sĩ Lê Minh Thắng còn là 1 trong 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam vinh dự đoạt giải Sáng tạo xuất sắc - giải thưởng Sáng tạo châu Á của quỹ toàn cầu Hitachi với công trình “Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước”.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI