Hai nhà khoa học nữ đạt giải Kovalevskaia: Chọn lựa sự hài hòa giữa gia đình và sự nghiệp

05/04/2022 - 09:24

PNO - Hai nhà khoa học nữ được vinh danh giải thưởng Kovalevskaia 2021 đã trải lòng về đam mê nghiên cứu khoa học cũng như cách tổ chức cuộc sống để hài hòa giữa sự nghiệp và gia đình.

Là hai nhà khoa học nữ được vinh danh giải thưởng Kovalevskaia 2021, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) và giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Thủy, giảng viên cao cấp Khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ… đã trải lòng về đam mê nghiên cứu khoa học cũng như cách tổ chức cuộc sống để hài hòa giữa sự nghiệp và gia đình. 

Nhìn đâu cũng thấy đề tài nghiên cứu

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (thứ ba từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu của mình tại phòng thí nghiệm - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai (thứ ba từ phải sang) cùng nhóm nghiên cứu của mình tại phòng thí nghiệm - Ảnh nhân vật cung cấp

Đạt được nhiều thành công trong nghiên cứu khoa học (NCKH), cho ra đời các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe chiết xuất từ cây thuốc của Việt Nam, giáo sư - tiến sĩ (GS-TS) Nguyễn Thị Thanh Mai còn khiến mọi người nể trọng ở vai trò nhà quản lý đại học, người phụ nữ biết vun vén 
gia đình. 

Người phụ nữ 48 tuổi, quê Quảng Ngãi này nhen nhóm tình yêu đối với khoa học khi còn thơ bé. Cô nhớ lại trong những câu chuyện của bà, của mẹ, mình luôn khác biệt với bạn bè. Cô bé được mọi người khen là có óc quan sát và biết phân tích, sáng tạo khi đứng trước mọi vấn đề. Không chỉ vậy, cô bé còn say sưa tìm hiểu cây cỏ trong vườn nhà và tự phân loại, đặt cho những cây cỏ đó các tên gọi riêng dựa trên đặc tính, hình dáng, màu sắc của chúng. Đó như là dấu hiệu đầu tiên của nhà hóa học chuyên nghiên cứu về dược liệu sau này. 

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1996, cô Nguyễn Thị Thanh Mai sang Nhật làm nghiên cứu sinh. Do học về lĩnh vực hóa dược hoàn toàn mới nên trong sáu tháng đầu, cô Mai gần như chỉ dành thời gian để tập tành, làm quen với thực nghiệm. Tuy vậy, nhờ đã có chuyên môn hóa học và sự đam mê tìm tòi về thảo dược, ngay sau đó cô Mai đã tự phân lập xác định được mười hợp chất từ dược liệu mà trên thế giới chưa có.

Đây là thành công đầu tiên trên sự nghiệp NCKH của cô. Luận án tiến sĩ về chủ đề tìm kiếm các hoạt chất có tác dụng hỗ trợ hạ a-xít uric máu, trong đó cơ chế và mô hình thử tác dụng sinh học cũng do chính cô đề xuất chứ không phải gợi ý từ giáo sư.

Khi từ Nhật trở về, công việc của cô Mai gặp trở ngại do khoa và trường không có trang thiết bị cho nghiên cứu. Cô lại mới sinh con, hai con còn quá bé. Cô Mai đã từng bước khắc phục bằng cách tham gia những đề tài nhỏ từ Đại học Quốc gia TPHCM, từ đó xây dựng được phòng thí nghiệm. Đến nay, nhóm của cô thực hiện được rất nhiều đề tài NCKH các cấp.

“Tôi nung nấu giấc mơ đưa những sản phẩm hỗ trợ sức khỏe được nhóm của mình chiết xuất từ các thảo dược Việt Nam tới tay người tiêu dùng không chỉ trong nước mà trên thế giới”, đôi mắt nữ giáo sư ánh lên sự kỳ vọng.

Cô Mai luôn nhìn sự việc dưới con mắt của một nhà khoa học. Trong một lần cùng đồng nghiệp lên Đắk Lắk tìm dược liệu mới, cô Mai tình cờ tới tham quan trại nuôi ong. Qua câu chuyện của người dân địa phương, cô biết được họ làm theo cách dân gian lấy chất từ con ong chữa bệnh khớp.

Trở về, cô cùng cả nhóm chế ra thiết bị chiết xuất được nọc ong, nhưng vẫn chỉ lấy được số lượng rất ít. Sau đó, mọi người đặt mua được ở nước ngoài thiết bị lấy nọc ong chuyên nghiệp hơn.

Với nghiên cứu về các sản phẩm từ loài ong nuôi ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của cô Mai đã đạt được giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2019. Chỉ từ chuyến du lịch mà tình cờ nhóm của cô Mai đã có được đề tài nghiên cứu mang ý nghĩa ứng dụng lớn lao.

Tới nay, nhóm của GS Nguyễn Thị Thanh Mai đã nộp đơn đăng ký hai sáng chế, hoàn thành ba sản phẩm là: hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa, viêm loét dạ dày và chống viêm khớp.

Nhóm cũng đang phát triển các sản phẩm kích thích mọc tóc, sáng da, hạ mỡ máu, chống còi xương. Công trình nghiên cứu mà cô Mai tâm đắc nhất là phát hiện ra hơn 20 hoạt chất mới trên thế giới chưa có từ củ ngải bún hỗ trợ điều trị ung thư tụy và đường tiêu hóa. Tiếp đến là chiết xuất hoạt chất hỗ trợ điều trị viêm khớp từ cây cà dây leo.

Ở trường, nữ GS không chỉ NCKH mà còn làm quản lý, giảng dạy. Đối với công tác quản lý, cô huấn luyện cho bộ phận văn phòng làm việc chuyên nghiệp, nhờ vậy bản thân mới có thời gian phát triển dự án cho các khóa đào tạo. 

Khi được hỏi với say mê NCKH như vậy, cô dành thời gian nào cho tổ ấm của mình. Cô Mai cười: “Say mê công việc nhưng tôi chỉ làm tám tiếng một ngày. Tôi biết phân định giới hạn để mọi thứ không chồng lấp”.

Trước mắt tôi lúc này, cô không chỉ là một nhà khoa học mà còn là một người mẹ, người vợ. Người mẹ rất tự hào về hai con và bật mí rằng cậu út cũng có năng khiếu và đam mê hóa học như bố mẹ. Nhà khoa học nữ cũng cảm thấy mình rất may mắn khi có được người bạn đời cũng là đồng nghiệp làm cùng khoa. Nhờ thế, vợ chồng dễ dàng choàng gánh và hiểu nhau hơn. 

Gia đình cô Mai vẫn giữ nền nếp ăn cơm tối chung mỗi ngày. Trong bữa cơm, vợ chồng con cái chia sẻ về mọi thứ trong cuộc sống và sau đó cùng nhau xem một bộ phim hoặc chơi các trò chơi gia đình… 

“Nhà khoa học chân đất” đau đáu với bữa ăn của nông dân

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Thủy
Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Thủy

“Ở đâu tôi cũng có tình yêu với hoa và rau trái, với thiên nhiên... Tôi mong muốn tất cả nguyên liệu mà tôi nhìn thấy rất đẹp kia sẽ tồn tại lâu hơn…”, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Thủy chia sẻ. 

Cô được mệnh danh là “nhà khoa học chân đất” như cách gọi của nhiều bà con nông dân tại miền Tây Nam bộ. Cô sinh ra tại Ban Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) do công tác của cha mẹ thời đó. Khi cô 17 tuổi thì gia đình trở về quê cha ở xã Long Điền (H. Chợ Mới, tỉnh An Giang). Trong trí nhớ của cô là những vườn cà phê bạt ngàn, là những nhánh hoa cà phê trắng đẹp, và sau đó ngập tràn quả cà phê mọng chín đỏ trên cây. Khi về An Giang, sắc thái lại khác hơn, sông nước mênh mông, cây trái đa dạng và cả những cánh đồng lúa trĩu nặng vào mùa…  

Thời điểm đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, ngành chế biến và bảo quản thực phẩm còn khá mới mẻ tại nước ta. Trong ánh mắt của cô gái trẻ này, tất cả các loại thực phẩm khi mới thu hoạch đều tươi ngon nhưng rồi chúng cũng sẽ đi dần đến giai đoạn hư hỏng... Nhìn thấy điều đó, cô bắt đầu trăn trở làm sao có thể giữ chúng được lâu hơn khi mà người dân vẫn chưa đủ ăn.

Sau khi tốt nghiệp ngành chế biến tại Trường đại học Cần Thơ năm 1984, cô bắt đầu bước chân vào ngành giáo dục, mang trọng trách truyền đạt các kiến thức chuyên môn của ngành nghề mà mình được đào tạo. Cô chọn đi vào lĩnh vực dinh dưỡng thực phẩm và kỹ thuật chế biến rau quả... Đây cũng chính là hai lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu mà cô đeo đuổi ngót 38 năm nay.

GS Thủy dành nhiều tâm huyết để nâng cao giá trị các loại nông sản sau thu hoạch và giúp người dân được sử dụng các sản phẩm ngon, sạch, an toàn.  Cô kể, sinh viên của cô phần lớn xuất thân từ gia đình nông dân. Các bạn rất năng động, học giỏi, chăm ngoan và nắm bắt kiến thức nhanh. Các bạn mong muốn thực hiện các nghiên cứu liên quan đến nguồn nguyên liệu nông sản ở vùng quê của mình. Đó là thành tố quan trọng nhất để góp phần phát triển quê hương.

Vì thế, cô thường nhắc nhở sinh viên, nông sản ở vùng quê sau khi thu hoạch thường khó bảo quản, dễ bị hư hỏng ở điều kiện nhiệt độ bình thường và làm thay đổi các giá trị chất lượng bên trong, tổn thất sau thu hoạch rất cao. Điều này là giảm thu nhập của mỗi gia đình và cả vùng nguyên liệu. Các giá trị tăng thêm của các sản phẩm nông nghiệp chỉ có khi chúng được chuyển sang dạng sản phẩm chế biến với chất lượng cao và khả năng bảo quản lâu dài.

Và, không biết tự bao giờ, sinh viên đã ngày càng chủ động hơn trong NCKH, xây dựng nhóm nghiên cứu và tự đề xuất ý tưởng.  

Đam mê học ngoại ngữ từ bé, GS Thủy là cô bé “nhà quê” biết cả tiếng Pháp và tiếng Anh. Khi học tiến sĩ, cô lần đầu đặt chân đến Vương quốc Bỉ). Tại đây, tất cả các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị rất hiện đại. Ban đầu, cô gặp khó khăn. Là phụ nữ, để thực hiện tất cả công việc này cần nỗ lực gấp bội. Nhưng như cô tâm sự, gia đình chính là động lực để cô làm việc hăng say bất kể thời gian để hoàn thành chương trình tiến sĩ sớm nhất và quay về tổ ấm nhanh nhất.

GS-TS Nguyễn Minh Thủy đã thực hiện 108 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc gia có uy tín (ISSN), 52 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế (ISI, SCOPUS, ISSN)… Đồng thời, cô cũng đã xuất bản nhiều sách và giáo trình, nhiều công nghệ có thể chuyển giao sản xuất ở quy mô pilot, nhỏ và vừa (về ngũ cốc, bắp, gạo, khoai lang, dâu tằm, trái cây nhiệt đới, nước uống thảo dược, công nghệ lên men, kẹo bánh, nước ép, si-rô, thạch trái cây…). 

Thanh Huyền - Từ Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI