Giai điệu trẻ và bài học giao hưởng vỡ lòng

26/08/2013 - 23:10

PNO - PNO - Chương trình Giai điệu trẻ số tháng 8 được tổ chức sớm hơn bốn ngày so với thông lệ, và được xem như phần mở rộng của Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2013.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) cho biết: Với mong muốn các bạn trẻ có cơ hội thưởng thức tài năng của hai nghệ sĩ đến từ nước Đức là nhạc trưởng Christian Schumann và đặc biệt là nghệ sĩ piano Hinrich Alpers, HBSO đã chủ động bàn bạc để dời chương trình này sớm hơn thường lệ.

Nhờ đó, khán giả trẻ tối 25/8 đã có một buổi thưởng thức âm nhạc đầy chất lượng, và hơn thế, dung nạp cho mình ít nhiều kiến thức căn bản quý báu về nghệ thuật giao hưởng.

Mở đầu chương trình, gây bất ngờ cho khán giả khi nhạc trưởng lại là một nam sinh viên tên Vũ. Anh đã tham dự lớp master class về chỉ huy được tổ chức trước đó vào hai ngày 23-24/8 tại Nhạc viện TP.HCM và rạp Thanh Vân. Nhạc trưởng trẻ này đã chững chạc, tự tin đứng trên sân khấu giới thiệu sơ lược về cấu trúc dàn nhạc, sau đó chỉ huy bộ đồng và gõ trình bày bản Fanfare for the common man của nhà soạn nhạc người Mỹ Aaron Copland.

Giai dieu tre va bai hoc giao huong vo long
"Nhạc trưởng tập sự” đang giới thiệu tác phẩm

Tác phẩm này đã được trình diễn trong đêm bế mạc Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2013 vào tối 22/8. Tên gọi tác phẩm - Khúc kèn lệnh cho một người bình thường - cũng chính là dụng ý của những người thực hiện chương trình: đem âm nhạc hàn lâm đến với đại chúng.

Ấn tượng kế tiếp là phần trình tấu trác tuyệt của nghệ sĩ dương cầm Hinrich Alpers với tác phẩm Moonlight Sonata (Xô-nát Ánh trăng) của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Ludwig van Beethoven. Trước phần trình diễn này, Alpers còn giảng giải chi tiết, cặn kẽ về tác phẩm, từ câu chuyện tên gọi của tác phẩm, so sánh sự khác nhau giữa sonata và fantasia (khúc phóng túng), đến tính chất đặc biệt của bản Xô-nát Ánh trăng.

Giai dieu tre va bai hoc giao huong vo long
Nghệ sĩ dương cầm Hinrich Alpers

Phần lớn thời lượng còn lại của chương trình do Christian Schumann dẫn dắt. Vị nhạc trưởng 30 tuổi này chọn trích đoạn Bản giao hưởng số 4, cung Si giáng trưởng, opus 60 cũng của Beethoven và Vũ khúc Hungary số 1 của nhà soạn nhạc người Đức Johannes Brahms để tiếp tục việc cung cấp kiến thức âm nhạc cổ điển căn bản cho khán giả trẻ.

Thế nào là giọng trưởng, giọng thứ? Chủ đề đã được phát triển như thế nào và làm sao để nhận dạng?… Bằng những nốt nhạc dương cầm thực họa, bằng việc chỉ huy dàn nhạc chơi những đoạn ngắn, bằng những so sánh dí dỏm, bằng việc phân tích tính cách cá nhân và hoàn cảnh sáng tác của Beethoven (qua phần dịch lại lưu loát, đầy đủ của MC Nguyệt Sa), Christian Schumann đã khiến những khán giả trẻ người Việt của anh lắng nghe say sưa, chăm chú.

Giai dieu tre va bai hoc giao huong vo long
Nhạc trưởng trẻ, diễn giả hài hước Christian Schumann

Một chương trình có vẻ nặng tính chuyên môn, học thuật tưởng khô cứng, nặng nề nhưng đã được các diễn giả chuyển tải thật nhẹ nhàng và hấp dẫn. Từ chương trình chỉ gói gọn trong một tiếng đồng hồ của những ngày đầu, đêm qua, Giai điệu trẻ đã kéo dài suốt hai tiếng (không giải lao) nhưng chỉ lác đác vài bạn trẻ ra về sớm.

Tất nhiên, những kiến thức thu được sau đêm diễn khó lòng được ghi nhớ ngay vào đầu, song ít nhiều, đã thôi thúc trí tò mò, khám phá, muốn tìm hiểu thêm nhạc cổ điển của các bạn trẻ. Có thể nói, đó là cách làm đúng của đêm diễn này và cũng là của hướng đi mà Giai điệu trẻ đã lựa chọn từ ngày đầu tổ chức đến nay: đem nhạc cổ điển đến gần hơn với khán giả trẻ.

Thật tiếc, khán phòng đêm 25/8 đã không chật kín người xem như các chương trình Giai điệu trẻ trước đó. Một thành viên ban tổ chức lý giải: Đối tượng khán giả mà Giai điệu trẻ nhắm đến là các bạn trẻ, chủ yếu là sinh viên. Thời điểm này, đa phần các bạn sinh viên đang về quê nghỉ hè. Thực tế, chương trình Giai điệu trẻ hai năm trước cũng gặp tình trạng tương tự trong những tháng hè.

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI