"Ghét bếp", "Nghiện nhà" và những gương mặt đàn bà trong đại dịch

11/02/2021 - 06:00

PNO - Năm 2020, một trong những trào lưu tự phát đình đám nhất có lẽ là “Yêu bếp”, “Nghiện nhà”, hay “Ghét bếp, không nghiện nhà”. Cả hai “trường phái” cùng chọn đất diễn là những hội nhóm trên mạng xã hội, đều thu hút sự quan tâm của cộng đồng.

Đến cuối năm, mỗi nhóm đã có 1,4 triệu thành viên, ngày ngày rộn ràng chia sẻ. Dường như, giữa dịch bệnh, khi nhan sắc được giấu sau làn khẩu trang, hay “lặn” vào bên trong những ngôi nhà riêng thời giãn cách - thì vẻ đẹp nữ công lại càng được “phô bày” mạnh mẽ hơn bao giờ. Ở đó, tình yêu hay nỗi ghét bếp, cũng đều có thể trở thành một câu chuyện để mang ra lạm bàn.

Yêu và nghiện những điều đẹp đẽ

Hình như, với hầu hết mọi người, căn bếp luôn là một sự cứu rỗi thần thánh. Có lúc, nó còn trở thành lựa chọn cuối cùng khi người ta không còn sức lực để có thể làm được việc gì khác. Họ ùa vào bếp, ngửi mùi bánh nướng bồng bềnh giữa không gian ấm sực chỉ vỏn vẹn 10m2; rồi hạnh phúc nhận ra rằng mình đang sống. Mà là một cuộc sống nhiều tận hưởng. Còn nhớ, Mikage trong quyển Kitchen của Yoshimoto Banana đã yêu bếp đến mức chỉ có thể ngủ ngon khi nằm vùi trong bếp. Không chỉ là nơi khởi đầu sự sống với những món ăn ngon, nóng hổi, phảng phất hơi ấm của những người có thói quen chăm sóc người khác, bếp còn là nơi để Mikage bấu víu, hòng đẩy lùi sự cô độc của mình, khi những người thân lần lượt rời xa cô. Mikage yêu bếp. Bạn yêu bếp. Tôi yêu bếp. Còn lại ta và bếp, dẫu sao vẫn còn hơn riêng mình ta giữa thế gian này.

Khi đại dịch COVID-19 bao trùm một năm 2020 nhiều mỏi mệt, bếp và nhà dường như lại trở thành một không gian đặc biệt để kết dính, thanh lọc, thậm chí để dựa dẫm, đầy trìu mến. 

Những ngày đầu tháng Tư của “năm Cô Vít thứ nhất”, lệnh giãn cách xã hội được ban hành, hàng quán đồng loạt đóng cửa, người ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải duy trì sự sống bằng cách nổi lửa căn bếp nhà mình. Có thể từ thẳm sâu trong ký ức, có thể từ một cơn thèm muốn bất ngờ, những món ăn ngon được nhớ đến, được tan chảy trên bếp rồi được dọn ra, trên những chiếc tô, chiếc đĩa bằng gốm đẹp đẽ. Sự bắt mắt, ngon lành đó kích thích họ phải ghi lại, làm đầy thẻ nhớ của mình, và không ngần ngại chia sẻ nó lên mạng xã hội. Hết người này đến người khác. Cứ thế, nhóm ngập tràn hình ảnh những món ăn ngon, những bữa cơm gia đình trong thời kỳ đặc biệt.

Có một cô gái nọ, chưa bao giờ làm bếp, chỉ sau vài tuần dịch bệnh đã học làm bánh, chăm chút từng chiếc ảnh, rồi đăng lên nhóm với câu chuyện bếp núc “vỡ lòng” của mình. Nhiều người khoe những góc nhà bình an với những tấm đệm ngồi, những gối tựa êm ái vừa được thay mới. Và trên bàn trà, bên cạnh mẻ bánh vừa được lấy ra từ lò nướng thơm lừng, là những quyển sách dạy về thiền định. Có anh kiến trúc sư sau khi tạm ngừng các công trình vì chủ đầu tư gặp khó khăn trong mùa dịch, bắt đầu gom những mớ gỗ thừa để đóng cho vợ mình một cái ghế thư giãn nho nhỏ ngoài vườn. 

Phần vì buồn chán, muốn giết thời gian rảnh rỗi ở nhà, phần vì tiết kiệm trước tình hình kinh tế suy giảm nghiêm trọng, dần dà việc nấu nướng, yêu bếp, nghiện nhà, trở thành một trào lưu rầm rộ trên mạng xã hội, để con người ta tự dìu nhau đi qua mùa đại dịch ảm đạm. 

Sự lấp lánh trở thành... tội đồ

Thế nhưng, rất đột ngột, cũng trong thời điểm giãn cách xã hội, trào lưu tưởng chừng đẹp đẽ và tràn ngập năng lượng tích cực này nhanh chóng tạo ra một làn sóng đối trọng với chính nó. Nhóm Ghét bếp - không nghiện nhà xuất hiện và thu hút một lực lượng ủng hộ siêu khổng lồ: gần một triệu thành viên đăng ký tham gia chỉ trong vòng hai tuần ra mắt. 

Ghét bếp - không nghiện nhà còn cho thấy sức hút khủng khiếp của nó bởi việc “ăn theo” của ít nhất hàng chục hội nhóm khác với cái tên y hệt “phiên bản gốc”. Điểm chung của các hội nhóm này là đều tập hợp tất cả khoảnh khắc "thảm họa” nấu nướng, hay vụng về trong việc bếp núc và dọn dẹp nhà cửa, đến từ các thành viên trên khắp mọi miền đất nước. 

Thoạt đầu, ai nghe qua cũng có thể hiểu, nhóm Ghét bếp - không nghiện nhà được lập ra là để “chơi khăm” Yêu bếp - nghiện nhà, bằng cách bày biện những hình ảnh trái ngược với cuộc sống lấp lánh đẹp đẽ kia. Nhưng không, nó dường như chính là không gian của một phần sự thật khác. Bởi, những người có đủ điều kiện đăng ảnh nhà đẹp với những món ăn ngon mỗi ngày, chỉ là một nhóm những người may mắn hiếm hoi trong xã hội.

Ngay trong tầng lớp trung lưu, phần lớn người ta vẫn đi làm từ tám giờ sáng đến tám giờ tối, nhưng không về ngay sau khi tan sở. Nhiều người chỉ về nhà lúc 11 giờ đêm, và ngủ. Nhịp sinh hoạt đó có thể do công việc, hoàn cảnh, lối sống… Nhưng chung quy, việc tự tay làm những bữa ăn đẹp đẽ, đặt để trong những góc nhà lung linh vẫn là chuyện không mấy phổ biến.

Hình ảnh “yêu bếp, nghiện nhà” có vẻ đẹp đẽ, lấp lánh, nhưng nó vẫn có gì đó xa lạ với một nhóm người khác - cũng đông đảo không kém trong xã hội. Họ tự nhận mình “ghét bếp, không nghiện nhà”. Nếu không phải trong bối cảnh đặc biệt của đại dịch, có lẽ người ta - nhất là những người phụ nữ - sẽ không dễ dàng để thừa nhận rằng mình hoàn toàn… không yêu bếp.

Những “thảm họa bếp núc” được quy tụ rầm rộ trên nhóm Ghét bếp - không nghiện nhà
Những “thảm họa bếp núc” được quy tụ rầm rộ trên nhóm Ghét bếp - không nghiện nhà

Ghét- không nghiện, đâu có nghĩa là ghét và không nghiện

Ghét bếp - không nghiện nhà như một cái phao cứu sinh được ném ra cho đám đông đang chới với trong sự khác biệt của chính mình. Họ tìm thấy nhau ở một điểm chung là sự không hoàn hảo. Với những lượt chia sẻ liên tục, nhóm này “nhấn chìm” các thành viên trong những hình ảnh hài hước hạng nặng.

Ở đó, “khổ chủ” bao gồm những người có khả năng siêu phàm là biến những thứ ăn được thành những thứ... không ăn được. Món ăn nào vào tay họ cũng sẽ thành "kẻ đồng lõa của bóng đêm" (vì bị cháy đen). Có món ăn được trịnh trọng đem khoe để các thành viên “hại não” không biết nó là cá hay thịt. Có chị khoe hình một nam nhi trong nhà luộc thịt phải dùng điện thoại để bấm giờ, có anh khoe người yêu vô tư rửa rau bằng bàn chải, hấp trứng sống bằng lò vi sóng, nấu riêu cua còn nguyên cả vỏ... 

Rồi đến nhà cửa. Chị em thoải mái chia sẻ hình ảnh con cái… lẫn lộn với đống áo quần, đồ chơi bừa bộn theo một cách vô cùng… độc đáo. Có cả hình ảnh đứa trẻ “ngố tàu” sau khi được bố cắt cho một quả đầu vô tiền khoáng hậu. Hay vườn rau bị băm nát sau một màn vừa tưới vừa giẫm của một ông chồng. Các “sản phẩm lỗi”, những hình ảnh hậu trường trung thực mà trước đây người ta chỉ dám âm thầm lưu trong điện thoại cá nhân. Nay, chúng được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, với sự "chiêm ngưỡng" của hàng triệu con mắt và tiếng cười tự trào đồng cảm được lây lan. 

Những tai nạn bếp núc, thảm họa nhà cửa đã nhanh chóng lấy lại thăng bằng cho chính những con người cô đơn (và có thể còn tự ti) trước đó. Để người ta thấy rằng, rốt cuộc, mình cũng chỉ là một con người hoàn toàn bình thường, không phải thánh nhân. Không phải mệt mỏi tán tụng ai. Không phải gồng lên cho bằng ai. Cũng chẳng phải che đậy cuộc sống thật của chính mình trước cuộc sống nhuộm màu cầu vồng của bất kỳ ai. Nghĩ vậy và vui vẻ chọn cho mình cái cách khiến mình dễ thở hơn, thật thà hơn, bớt áp lực hơn, an toàn hơn, hạnh phúc hơn. 
Và khi tiếng cười châm biếm cùng sự lạc quan về cuộc sống thật của chính mình được nâng lên, người ta còn nhận ra tuy “ghét bếp”, nhưng rõ ràng những khổ chủ nọ vẫn đang lăn vào bếp, vẫn sẵn sàng “chiến đấu” với nó, vẫn đặt sự ấm cúng của những bữa cơm chung lên hàng đầu. Và những người chồng, người vợ vụng về đuểnh đoảng, trong khả năng hạn hẹp của mình, vẫn cố gắng chuẩn bị món ăn một cách “tươm tất chỉn chu” theo cách của riêng họ.

Ở đó, có anh được vợ nhờ mua gạo nếp thì mua nhầm gạo tẻ, xách về trứng vịt dù vợ dặn trứng gà, hay hí hửng khoe bịch lá dứa khi vợ “đặt hàng” nắm lá thơm. Cả “combo tồ” đó của người đàn ông cũng không bị săm soi, mà chỉ thấy đáng yêu quá cái sự “cần cù bù thông minh” của người chồng trong lĩnh vực bếp núc. Và trong nụ cười tự trào của người vợ khi đem chia sẻ “thảm họa” mang tên ông chồng trên nhóm, sao mà lấp lánh yêu thương.

“Yêu bếp” hay “ghét bếp”, “nghiện nhà” hay “không nghiện nhà”, cuối cùng cũng trở thành một chất liệu cá nhân mà mỗi người luôn có, để chia sẻ. Câu chuyện xoay quanh cái bếp thì luôn đa dạng, luôn có người yêu - người ghét, người khéo - người vụng. Nhưng, chuyện kể về nó thì chỉ có cái nhìn một chiều, bởi, người ta cần nhắc về căn bếp một cách ân cần, đẹp đẽ.

Người ta sẽ kể về tài nấu nướng đỉnh cao, về khả năng thu vén, bày biện nhà cửa xuất sắc, về những đứa trẻ tinh tươm, những người đàn bà nội tướng đảm đang và những người đàn ông chuẩn “soái ca” của họ. Mạng xã hội hay tất cả diễn đàn công khai liên quan đến giới nữ thường chỉ bày ra những hình ảnh “chuẩn không cần chỉnh” đó. Phụ nữ giỏi bếp núc là chuyện đương nhiên, còn ghét bếp núc thì luôn phải… giấu tiệt. Cho đến khi, dịch bệnh phủ xuống, gương mặt nhan sắc che lại sau làn khẩu trang, cũng là lúc, người ta tự nhiên bày tỏ ra những ngóc ngách thật nhất trong đời sống riêng tư của mình.

Để giải trí, để chia sẻ, thậm chí có cả niềm tự hào ngấm ngầm lẫn trong cái tự trào của người đàn bà đã không còn cần danh hiệu chuẩn đảm đang, hạnh phúc nữa. Người ta chọn sống thật, để thoải mái tận hưởng sự sống chân phương mà COVID-19 đang nhắc nhở về sự mong manh của nó. 

Diễn biến đó chân thật và tự nhiên như một đêm mệt rũ vì “deadline”, người ta dẹp hết mọi thứ để đi xuống bếp, bật đèn vàng, rưới vào không gian ấy một ít âm thanh yêu thích.

Rồi túc tắc úp một bát mì… 

Hồng Hạnh

 
TIN MỚI

news_is_not_ads=