Gập ghềnh giấc mơ đại học của cô học trò nhỏ

02/08/2023 - 06:09

PNO - Bà không có tiền cho cháu học thêm. Vậy mà suốt 9 năm qua, năm nào Hân cũng đạt thành tích học tập nổi bật.

Tháng Bảy, mưa rả rích. Con hẻm sâu nhèm nhẹp nước khiến căn nhà 16m2 cũng dậy mùi ẩm ướt. Trương Phạm Gia Hân - học sinh lớp Chín - vẫn miệt mài bên chồng sách vở chuẩn bị cho năm học mới đầu cấp với nhiều đổi thay. Thỉnh thoảng cô trò nhỏ lại ngó ra cửa sổ, mắt đượm buồn.

Dù gia cảnh rất khó khăn nhưng Gia Hân vẫn đang nỗ lực học tập hằng ngày 
Dù gia cảnh rất khó khăn nhưng Gia Hân vẫn đang nỗ lực học tập hằng ngày 

Trong căn nhà nhỏ, thứ quý giá nhất có lẽ là những tấm giấy khen được treo kín vách. Chỉ vào chúng, bà Lê Thị Xuân Hương - 65 tuổi, bà ngoại của Hân - nhoẻn miệng cười tự hào về cháu mình: “Nó học giỏi lắm. Tôi phải cố gắng sống để đi làm kiếm tiền lo cho nó ăn học đến nơi đến chốn”.

Rồi ngay sau hạnh phúc ngắn ngủi, những vết nhăn nơi trán bà bỗng xếp lại khi bà nhắc đến cha mẹ Gia Hân. Bà lắc đầu và nhắc đến 2 chữ “phận số” khi nói về hoàn cảnh mình phải đeo mang ở tuổi xế chiều: “Nhà có 2 đứa con. Nghiệt ngã là cả hai sau khi lập gia đình đều đứt gánh giữa đường. Mẹ của Gia Hân là con út. Từ ngày chia tay chồng, nó nói với tôi là đi làm ăn xa, thỉnh thoảng về thăm con, dúi cho tôi một ít tiền lo cho cháu rồi lại đi. Một thời gian sau, nó nói đã lập gia đình mới nhưng nghe đâu hoàn cảnh cũng rất khó khăn nên để cháu lại cho tôi chăm sóc rồi đi biền biệt tới nay”.

Không chỉ nuôi cháu, bà Hương còn phải chăm sóc người chồng liệt nửa người từ nhiều năm nay. Bà kể, hồi Hân chưa có khả năng tự chăm sóc mình, mỗi khi đi làm, bà phải đưa bé sang nhà hàng xóm nhờ người ta trông nom giúp.

Nên, ngoài sự bảo bọc của ông bà, Gia Hân còn may mắn lớn lên trong tình yêu thương của những người hàng xóm. “Cháu mình thì mình bỏ sao đành. Tôi đi làm tạp vụ lương tháng 5 triệu đồng, đó cũng là nguồn thu nhập duy nhất hằng tháng cho cháu đi học, chi tiêu trong gia đình và cả tiền thuốc thang cho ông ngoại cháu” - bà Hương nghẹn lòng.

Trong ký ức của cô học trò nhỏ không có hình ảnh của cha mẹ, bởi khi em vừa chập chững biết đi thì chỉ thấy có ông bà ngoại cận kề. Nhưng không để ông bà thêm nặng lòng, Hân ít khi hỏi han hay buồn phiền nghịch cảnh, mà luôn lạc quan, mạnh mẽ với mong muốn sớm đỡ đần ông bà ngoại.

Hằng ngày, cứ tan trường là Hân về nhà ngay để phụ bà ngoại những việc lặt vặt, cơm nước. Thời gian còn lại, Hân dành để đọc, nghiền ngẫm các bài tập đã học và tìm tòi, nâng cao kiến thức mới. Bà Hương cho biết, việc học hành, Hân tự mày mò chứ bà không có tiền cho cháu học thêm. Bài vở gì chưa hiểu, Hân hỏi bạn bè hoặc hôm sau đến tiết học nhờ thầy, cô giảng dạy thêm. 

Vậy mà suốt 9 năm qua, năm nào Hân cũng đạt thành tích học tập nổi bật. Kỳ thi tuyển sinh đầu cấp vừa rồi, em cũng đạt điểm cao. 

Phấn khởi với những kết quả sau thời gian nỗ lực của mình, Hân bộc bạch: “Ước mơ lớn nhất của em là sẽ được học lên đại học. Sau khi học xong cấp III, em dự định sẽ đi làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học và giúp bà ngoại vơi bớt gánh nặng”. 

Cũng chỉ là một ước mơ bình thường như bao ước mơ của các bạn trẻ, nhưng sẽ rất gập ghềnh khi bà ngoại của Gia Hân ngày càng già yếu và theo thời gian bệnh của ông ngoại em sẽ ngày càng nặng. 

Tú Ngân

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu