F1 uống Molnupiravir để "chặn đầu COVID-19" coi chừng tiền mất bệnh mang

17/03/2022 - 09:33

PNO - Thuốc Molnupiravir hay bất kỳ loại thuốc kháng virus nào cũng không được uống phòng ngừa COVID-19, nhất là đối với F1, bởi thuốc không có tác dụng phòng ngừa. Bên cạnh đó, uống thuốc ở giai đoạn này, không những phí tiền mà còn có nguy cơ tổn thương gan, thận…

Sau vài ngày mắc COVID-19, chị P.T.L.T. (23 tuổi, ở TPHCM) cảm thấy khó thở, mệt mỏi nên ra tiệm mua một hộp Molnupiravir 400mg, 20 viên, giá 375.000 đồng về uống. Theo chị T., người bán hướng dẫn mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên, uống sau khi ăn, nhân viên nhà thuốc cũng không quên dặn dò chị uống 5 ngày liên tục.

Do chị T. bị đau bao tử mạn tính, vừa uống Molnupiravir vào, chị cảm thấy khó chịu, buồn nôn. “Tôi ráng uống thêm 1 viên buổi chiều, đã ăn uống xong nhưng vẫn rất đau bao tử. Các cơn đau cứ quặn thắt, không chịu nổi, tôi ngưng uống", chị T. nói.

Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, và tuyệt đối không bỏ ngang liệu trình
Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không bỏ ngang liệu trình

Là F0 không bị vấn đề về hô hấp, nhưng chị N.K.D. (37 tuổi) vẫn quyết định mua thuốc Molunupiravir 200mg uống… “chặn đầu”. Chị D. nói: “Tôi bị dương tính không triệu chứng, nhưng tôi lo không uống thuốc sẽ nặng hơn nên tôi mua thuốc kháng virus liều nhẹ uống dự phòng”.

Về vấn đề này, bác sĩ Võ Thanh Hùng – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức cho biết: “Thuốc Molnupiravir dù 400mg hay 200mg, một khi bệnh nhân đã uống thì phải uống đúng, đủ liều. Lộ trình của Molnupiravir là 5 ngày uống, không nên chỉ uống 1, 2 ngày rồi bỏ ngang khi thấy các triệu chứng COVID-19 đã giảm. 

F1 uống thuốc Molnupiravir để chặn đầu, coi chừng tiền mất tật mang
F1 uống thuốc Molnupiravir để "chặn đầu", coi chừng tiền mất tật mang

Theo bác sĩ Hùng, với nhóm thuốc kháng sinh, bỏ ngang liệu trình khiến người bệnh có nguy cơ bị lờn thuốc. Một khi bị tái bệnh, virus hay vi khuẩn mới sẽ kháng thuốc, dẫn đến các triệu chứng nặng hơn và rất khó điều trị. Ngoài ra, người bệnh phải uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ cả về thời gian, cách thức sử dụng thuốc thì mới phát huy hiệu quả tối đa, cũng như tránh các ảnh hưởng khác.

Với thuốc Molnupiravira, hiện nay được chỉ định liệu trình 5 ngày, mỗi ngày 2 viên vào buổi sáng và chiều, các F0 phải được bác sĩ thăm khám, chỉ định dùng thuốc. Đặc biệt, thuốc cần được uống trước khi ăn, uống đúng liều và tuyệt đối không chia sẻ thuốc này với các bệnh nhân khác, nhất là với phụ nữ đang mang thai. Trẻ em dưới 18 tuổi không được sử dụng.

Ngược lại, người bệnh F0 khi chưa có triệu chứng, triệu chứng nhẹ, không nên sử dụng Molnupiravir hay bất cứ thuốc kháng viêm nào để dự phòng. Các loại thuốc này thải rất mạnh qua gan, thận, nếu lạm dụng thuốc sẽ gây ảnh hưởng lớn, nguy cơ hư gan, thận rất cao.

Chính vì sự nguy hiểm của việc bỏ ngang hay lạm dụng thuốc kháng virus Molnupiravir, ngoài việc tự giác uống thuốc của bệnh nhân, bác sĩ Hùng lưu ý người nhà bệnh nhân nên cùng giám sát, nhắc nhở người bệnh nếu F0 phải uống thuốc kháng virus.

“Ngay tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, đối với bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện, chúng tôi cũng rất cân nhắc khi chỉ định Molnupiravir cho F0. Trường hợp F0 phải uống thuốc này, nhân viên bệnh viện cũng phát thuốc theo từng cử chứ không cấp thuốc 1 lượt theo liệu trình. Tức là, cứ đến giờ uống thuốc, người bệnh sẽ được thăm khám sơ lược, sau đó điều dưỡng mới đưa thuốc cho F0. Bệnh nhân ký nhận và uống ngay trước sự giám sát của nhân viên y tế để tránh trường hợp người bệnh “để dành” hay “chút nữa tôi uống” rồi quên luôn”, bác sĩ Hùng nói thêm.

Do Molnupiravir là thuốc kháng sinh, nên có thể vài liều đầu tiên sau uống, bệnh nhân cảm thấy hơi mệt, khó chịu, buồn nôn vì “thuốc vật”, nhưng sau đó cơ thể sẽ dần quen nên đừng vội vàng bỏ ngang thuốc. Với bệnh nhân bị đau bao tử, hay mắc bệnh nền khác, hãy nói với bác sĩ để có hướng xử lý tốt hơn.

Ngoài ra, thuốc Molnupiravir hay bất kỳ loại thuốc kháng virus nào cũng không được uống phòng ngừa COVID-19, nhất là đối với F1, bởi thuốc không có tác dụng phòng ngừa, kể cả khi F1 đang trong giai đoạn ủ bệnh. Uống thuốc ở giai đoạn này, không những phí tiền mà còn có nguy cơ tổn thương gan, thận,…

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI