Băn khoăn về đề xuất cho nhà thuốc tự do bán Molnupiravir

10/03/2022 - 06:15

PNO - Lo ngại tình trạng quá tải khiến người dân không thể tiếp cận thuốc Molnupiravir (điều trị COVID-19), Bộ Y tế đề xuất cho phép các nhà thuốc tự kê toa và bán thuốc này. Tuy nhiên, các chuyên gia về y tế lo ngại, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Giúp F0 tiếp cận thuốc sớm nhưng…

Mới đây, Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho phép các hiệu thuốc kê đơn Molnupiravir - thuốc kháng virus SARS-CoV-2.

Theo lý giải của Bộ Y tế, số bệnh nhân COVID-19 ngày càng tăng cao, trong đó chủ yếu là các ca bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình, được điều trị và cách ly tại nhà. Việc mua thuốc điều trị COVID-19 lâu nay phải do bác sĩ, y sĩ kê đơn dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống, cán bộ y tế và khiến bệnh nhân chậm được tiếp cận với thuốc trong khi thuốc này được chỉ định cho các ca bệnh mức độ nhẹ, trung bình, được khuyến cáo sử dụng trong vòng năm ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng hoặc có kết quả dương tính. Việc cho phép người phụ trách chuyên môn ở các nhà thuốc, quầy thuốc kê đơn nhằm đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc điều trị COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tăng cao.

Theo chuyên gia việc giúp người nhiễm COVID-19 tiếp cận sớm với thuốc điều trị là cần thiết. Song phải được giám sát về sự an toàn và tính hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi  (trong ảnh: Người dân mua thuốc Molnupiravir bán theo toa tại một hiệu thuốc của Hà Nội)
Theo chuyên gia việc giúp người nhiễm COVID-19 tiếp cận sớm với thuốc điều trị là cần thiết. Song phải được giám sát về sự an toàn và tính hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi (trong ảnh: Người dân mua thuốc Molnupiravir bán theo toa tại một hiệu thuốc của Hà Nội)

Dù vậy, Bộ Y tế cũng nhìn nhận, đề xuất này cũng có mặt hạn chế bởi Molnupiravir là thuốc mới, cần phải có sự giám sát sự an toàn, tính hiệu quả khi đưa ra sử dụng rộng rãi. Việc cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc kê đơn có thể chưa được kiểm soát chặt chẽ và thận trọng dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không đúng mục đích, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. 

Để giải quyết hạn chế này, Bộ Y tế quy định, người mua thuốc phải có xác nhận F0 từ cơ sở y tế hoặc có tự quay về kết quả test nhanh COVID-19. Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký một bản cam kết, trong đó có các thông tin về người bệnh, ngày test, kết quả test, việc sử dụng thuốc theo mẫu kèm một bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của người bệnh. Trước 17g hằng ngày, các cơ sở bán lẻ là nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện việc bán thuốc, tổng hợp, báo cáo kết quả kinh doanh thuốc điều trị COVID-19 về cơ quan quản lý y tế địa phương. 

“Đề xuất này chỉ áp dụng đối với thuốc kháng vi-rút điều trị COVID-19 dùng uống tại các địa bàn có số ca mắc COVID-19 tăng cao, hệ thống cơ sở y tế quá tải, không thể thực hiện hiệu quả việc kê đơn, bán thuốc theo đơn cho người bệnh theo quy định” - Bộ Y tế nêu. 

Lo sử dụng tràn lan, hậu quả khó lường

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - băn khoăn Molnupiravir là loại thuốc mới, hiện chưa được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới và vẫn đang trong quá trình kiểm soát chặt chẽ tại Việt Nam. Theo các nghiên cứu, Molnupiravir có thể mang lại nhiều nguy cơ nếu không được sử dụng đúng liều lượng và đối tượng. Cụ thể, thuốc không được sử dụng trong thời kỳ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi. Ngoài ra, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. 

Sở Y tế TP.Hà Nội yêu cầu các nhà thuốc phải bán thuốc Molnupiravir theo đơn
Sở Y tế TP.Hà Nội yêu cầu các nhà thuốc phải bán thuốc Molnupiravir theo đơn

“Việc để các nhà thuốc kê đơn Molnupiravir còn tạo ra một tiền lệ xấu. Trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải như hiện nay, ai sẽ là người giám sát các hiệu thuốc để thực hiện nghiêm vấn đề này” - tiến sĩ Nguyễn Huy Nga đặt vấn đề.

Theo ông, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề kháng kháng sinh mà nguyên nhân là do người dân có thể mua các loại kháng sinh một cách tùy tiện tại các hiệu thuốc mà không cần có toa của bác sĩ. Bởi vậy, với loại thuốc đặc trị và được cấp phép có điều kiện như Molnupiravir, nếu để các hiệu thuốc kê đơn, sẽ xảy ra tình trạng sử dụng tràn lan và hậu quả rất khó lường. Báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ ra, tại Anh, Mỹ, Nhật và một số nước phê duyệt thuốc Molnupiravir sử dụng khẩn cấp, thuốc này chỉ do bác sĩ, y tá đã đăng ký thực hành nâng cao, trợ lý bác sĩ đã được cấp bằng và cấp phép kê đơn theo luật. 

Về ý kiến cho rằng, Việt Nam đang tiến tới xem COVID-19 là căn bệnh thông thường, cần đơn giản hóa các thủ tục, có thể chủ động điều trị như khi mắc phải cảm cúm, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga khẳng định, đây là quan điểm sai lầm. Theo ông, hiện tại, Việt Nam vẫn chưa thể xem COVID-19 như một bệnh lưu hành bởi tỷ lệ mắc COVID-19 chưa ổn định, có sự khác biệt giữa các địa phương, tỷ lệ tử vong còn cao. Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và các biến thể này có thể gây tái nhiễm khiến tỷ lệ mắc tại các quần thể chưa có tính ổn định. 

“Ngay cả khi COVID-19 được xem là bệnh lưu hành thì việc quản lý, điều trị cũng không thể tùy tiện bởi đây là một loại bệnh truyền nhiễm, cũng giống như bệnh sởi, bạch hầu, người mắc cần phải được điều trị tại các khoa riêng biệt, tránh lây truyền cho người xung quanh” - ông nhấn mạnh.

Mặc dù cho rằng, việc để hiệu thuốc kê đơn Molnupiravir sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận thuốc, nhưng bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ các thông tin đã được Bộ Y tế cũng như các chuyên gia hướng dẫn khi sử dụng thuốc Molnupiravir. Ông đề nghị, các hiệu thuốc phải có bảng mẫu để các bệnh nhân kê khai thông tin, từ đó kê đơn một cách có kiểm soát. 

Bán tràn lan Molnupiravir 

Sở Y tế TP.Hà Nội vừa yêu cầu các nhà thuốc phải bán thuốc Molnupiravir theo đơn. Theo đó, các nhà thuốc chỉ bán thuốc có hoạt chất Molnupiravir cho người mắc COVID-19 có đơn thuốc đúng quy định, tư vấn nguy cơ và lợi ích cho bệnh nhân khi bán thuốc và cập nhật ngay dữ liệu xuất nhập vào hệ thống dược quốc gia. 

Đây là động thái nhằm kiểm soát, tránh việc các đơn vị lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và đẩy giá thuốc tăng cao, đồng thời đảm bảo việc sử dụng thuốc đúng đối tượng và liều lượng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều hiệu thuốc ở TP.Hà Nội, dù không có đơn thuốc của bác sĩ cũng như giấy xác nhận F0, người ta vẫn có thể mua thuốc Molnupiravir một cách dễ dàng. 

Tại một hiệu thuốc ở Q.Bắc Từ Liêm, nhân viên bán hàng cho biết, giá Molnupiravir là 350.000 đồng/hộp 400mg, bán lẻ 18.000 đồng/viên. Giá này chênh lệch 5.500 đồng/viên so với giá công bố. Người bán hàng cũng không hỏi thêm thông tin gì như độ tuổi, triệu chứng của F0 cần sử dụng thuốc. 

Tương tự, trên các “chợ thuốc online”, nhiều người rao bán “thanh lý” Molnupiravir. Một người bán hàng cho hay, sẵn có hàng ngàn hộp Molnupiravir 400mg tại Hà Nội với mức giá chỉ hơn 230.000 đồng/hộp. Người mua chỉ cần cho địa chỉ để giao dịch chứ không cần giấy tờ gì.

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Văn Đán, phụ trách Khoa Nội tổng hợp (hiện điều trị bệnh nhân COVID-19), Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - lưu ý trên 80% bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Do đó, khi mắc COVID-19, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng mục đích. Nếu bệnh nhân không có triệu chứng thì không nên sử dụng thuốc, không nên cho rằng, uống thuốc trước có thể phòng bệnh bởi thuốc có thể có những tác dụng phụ có hại cho sức khỏe. 

Minh Quang 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI