Đừng cậy trẻ khỏe mà tắm đêm

06/01/2021 - 06:25

PNO - Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa lạnh lại nghe những cái chết liên quan đến việc tắm đêm, trong đó phần nhiều là người trẻ.

 

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có  không ít trường hợp đột quỵ trong và sau khi tắm
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có không ít trường hợp đột quỵ trong và sau khi tắm

Nhiều chuyên gia y tế nhận định, có thể người trẻ chủ quan, cậy mình trẻ khỏe nên vẫn giữ thói quen sinh hoạt hằng ngày, thường bỏ qua những cảnh báo sức khỏe. 
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tắm đêm vốn đã không có lợi cho sức khỏe và càng có hại nếu tắm vào mùa lạnh. Mùa lạnh, nhiệt độ môi trường, cơ thể hạ thấp, cộng thêm độ ẩm cao, độ nhạy của hệ thống mạch máu không theo kịp sự thay đổi của nhiệt độ, nên sẽ co thắt không đều. Khi tắm lạnh, tắm đêm, mạch máu co lại khiến việc lưu thông máu bị cản trở và có thể dẫn đến đột quỵ… 

Nguy hiểm nhất là tắm đêm xong vào phòng lạnh thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe càng tăng. Hay nhiều người uống rượu bia xong về nhà tắm đêm, làm hệ thống mạch máu co không đúng, không điều hòa được. Ngoài ra, việc uống rượu, bia cũng gây ảnh hưởng giãn mạch, tăng huyết áp dẫn đến tai biến mạch máu não. 

Một điều đáng nói là nhiều người lo sợ tắm đêm lạnh, bị đột quỵ nên chọn cách tắm nước nóng với suy nghĩ cơ thể sẽ không bị lạnh. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai. Các chuyên gia y tế phân tích: khi tắm nước nóng sẽ làm cho các mạch máu giãn nở, và khi tắm xong bước ra ngoài không khí lạnh, hoặc vào phòng máy lạnh ngay thì mạch máu bị co lại đột ngột, cũng dễ dẫn đến đột quỵ. Với những người tắm gội đầu ban đêm vào mùa lạnh thì càng nguy hiểm hơn. Tắm xong ra hong tóc trước quạt cho khô tóc, việc này dễ khiến bạn bị cảm lạnh, đau đầu, và đối diện với nguy cơ đột quỵ theo nguyên lý đã phân tích ở trên. Thậm chí, ngay cả tắm ban ngày vào mùa lạnh, mà tắm không đúng cách, hoặc cơ thể không khỏe, có bệnh lý nền thì cũng có thể gặp nguy hiểm.  

Tắm vào mùa lạnh, nhất là tắm đêm, đã cướp đi sinh mạng của không ít người. 

Để giữ sức khỏe trong mùa lạnh, lời khuyên của các bác sĩ là không nên tắm quá khuya, nên tắm trước 9 giờ tối, tốt nhất là tắm vào lúc chiều, nhất là các cụ già, người lớn tuổi. Đặc biệt, khi đi lạnh về không nên tắm nếu quá khuya, chỉ cần lau người bằng nước ấm rồi đi ngủ. Qua hôm sau tắm thì cũng tắm bằng nước ấm. Lưu ý, khi thức dậy vào mỗi sáng, không nên bước xuống giường ngay, mà cần cử động, mát-xa để cơ thể thích ứng. Vì buổi sáng huyết áp thường tăng, việc bật dậy đột ngột có thể khiến huyết áp tăng đột ngột và gây đột quỵ. 

Cách tắm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ Nguyễn Thị Sơn là tắm nước ấm vừa phải, không lạnh và không nóng quá. Bắt đầu thấm nước từ hai bàn chân rồi dần lên trên để cơ thể làm quen, thích nghi với nhiệt độ. Vì khi co mạch thì thường co mạch từ ngoại vi rồi đẩy về trung ương, nên tắm từ chân lên cơ thể sẽ dễ thích nghi, không bị xung đột khí hậu. Tắm xong, không nên ra ngoài trời gió lạnh hay vào phòng máy lạnh ngay. Vì việc này ngoài nguy cơ đột quỵ, còn làm cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, sổ mũi, ho sốt…

Ngay cả thanh niên khỏe mạnh vẫn không được chủ quan. Bởi có những người không theo dõi kỹ sức khỏe, không biết mình có bệnh lý nền. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, hầu hết những trường hợp tắm đêm bị đột quỵ đều có bệnh lý nền, vấn đề sức khỏe. Bệnh lý nền không chỉ là đái tháo đường, tăng huyết áp… như nhiều người nghĩ, mà có bệnh lý nền không có dấu hiệu, triệu chứng nên không thể biết được nếu không đi khám, xét nghiệm như mỡ máu cao. Mỡ máu cao là tác nhân gây ra đột quỵ, do đó việc tắm đêm, tắm lạnh với người có bệnh lý nền này có nguy cơ đột quỵ cao hơn. 

Do vậy, để bảo vệ bản thân có thể vượt qua những ngày lạnh an toàn, nhất là người dân ở miền Bắc, chịu đợt rét đậm, rét hại, cần tự bảo vệ mình, không chỉ hạn chế tắm đêm, mà tắm ban ngày khi nhiệt độ quá chênh lệch cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sức khỏe. 

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Giám đốc Phòng khám Đại học Y Dược 1, người từng chứng kiến bệnh nhân hen suyễn, COPD (phổi tắc nghẽn mạn tính) không qua khỏi khi lên cơn cấp, cho biết: “Trời lạnh cũng là một yếu tố gây đột quỵ. Bởi, thời tiết lạnh khiến mạch máu bị co lại nên dễ dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, xuất huyết não. Ngoài ra, nếu có các bệnh lý như suyễn, COPD mà tắm đêm thì rất nguy hiểm. Vì lạnh cũng kích thích hệ thần kinh phó giao cảm, đường dẫn khí bị co thắt, tăng tiết đàm, làm tắc nghẽn đường thở, bệnh nhân lên cơn hen tử vong nếu cấp cứu không kịp. Do vậy, vào mùa đông thì số người bị đột quỵ, vào cơn cấp suyễn, COPD có xu hướng tăng lên”. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI