Cứu người đột tử cách nào khi 7 phút đã mất mạng?

02/01/2021 - 06:51

PNO - Nhiều người hay nhầm lẫn giữa đột quỵ và đột tử, thậm chí còn hiểu sai hai bệnh lý trên là “trúng gió”.

 

Các bác sĩ sử dụng sóng tần số radio để triệt tiêu ổ rối loạn nhịp tim
Các bác sĩ sử dụng sóng tần số radio để triệt tiêu ổ rối loạn nhịp tim

Đột tử: 7 phút... đủ để lấy mạng người

Bác sĩ Phạm Quang Huy - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai - cảnh báo: Đột tử khác đột quỵ. Đột tử là do tim đột ngột ngừng đập khiến nạn nhân tử vong nhanh chóng. Nguyên nhân đột tử đa phần liên quan đến rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hoặc một số bệnh tim tiềm ẩn như bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn nở… Thậm chí, ngay cả ở người chưa ghi nhận mắc bệnh mạn tính trước đó. Đột tử có thể xảy ra lúc đang làm việc hoặc trong khi ngủ. 

Trong khi đột quỵ chính là tai biến mạch máu não (gồm nhồi máu não và xuất huyết não). Đây là tình trạng não bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết. 

Người bị đột quỵ là những bệnh nhân mắc tiểu đường, mỡ máu xấu, cao huyết áp, xơ vữa mạch máu... Kể từ lúc xảy ra đột quỵ, người bệnh vẫn còn thời gian vàng dưới 6 giờ để cứu sống, đặc biệt trong 3 giờ đầu có thể coi là “thời gian kim cương” có thể phục hồi hoàn toàn. Nếu sau 6 giờ, việc điều trị tái thông mạch máu sẽ kém hiệu quả hơn.

Cũng theo bác sĩ Huy, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân còn trẻ tuổi bị đột tử trong giấc ngủ. Đáng chú ý, nếu trước đây nạn nhân đột tử rơi vào nhóm tuổi trung niên, người già thì hiện nay, số người đột tử là công nhân trong độ tuổi còn trẻ lại khá cao.

“Với những ca đột tử này, khả năng cứu sống gần như bằng không. Bởi con người chỉ cần ngưng tim, ngưng thở trong vòng 7 phút đã chết não. Trong khi thời gian đưa bệnh nhân bắt đầu đột tử tới khi vào bệnh viện lại kéo khá dài. Vì vậy, khả năng cấp cứu để cứu sống là rất thấp. Ngay cả những bệnh nhân đang nằm trong bệnh viện đột ngột bị đột tử cũng khó cứu sống. 

Hơn nữa, những ca đột tử không thể chở bệnh nhân bằng xe gắn máy, trong khi phương tiện cấp cứu lại không có sẵn. Ở Đồng Nai, hiện chưa có trung tâm cấp cứu 115. Nếu có trung tâm này, bệnh nhân ở bất cứ nơi đâu mà bị bệnh, cần được cấp cứu kịp thời, xe cấp cứu ở nơi gần nhất sẽ hỗ trợ thì may ra mới cứu được bệnh nhân.

Cứu người đột tử cách nào?

Khi phát hiện bệnh nhân lên cơn đột tử, người thân cũng khó cấp cứu cho họ vì diễn tiến quá nhanh. Tuy nhiên, cơ chế gây ra đột tử là ngưng tim ngưng thở, do đó cách sơ cứu hiệu quả lúc đó là hà hơi thổi ngạt (hô hấp nhân tạo).

“Đó là cách sơ cấp cứu ban đầu, sau đó vẫn phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Đa số các trường hợp này là do nguyên nhân bệnh tim mạch. Vì vậy, bệnh nhân cần được đi khám và điều trị thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm hạn chế tình trạng đột tử có thể xảy đến bất cứ lúc nào” – bác sĩ Huy khuyên

Theo bác sĩ Huy, những ca tử vong nhanh chóng do đột tử thường "dính" bệnh lý về tim mạch. Trong đó, nhồi máu cơ tim và loạn nhịp là 2 nguyên nhân chiếm đa số; nhưng nhiều người lại nghĩ là “trúng gió”. Số bệnh nhân bị đột tử do loạn nhịp chiếm tỷ lệ cao hơn nhồi máu cơ tim. 

Hiện nay y học phát triển nên số người tử vong do đột tử ít hơn nhiều so với đột quỵ. Dù là bệnh nguy hiểm, gây tử vong ngay nhưng có thể tầm soát và chữa trị. Người bệnh có thể tầm soát bằng đo điện tim; nếu kết quả này không rõ ràng thì đo điện sinh lý. Nếu bệnh nhân bị nhịp nhanh sẽ được đốt điện sinh lý; nhịp chậm sẽ đặt máy tạo nhịp.

Trước đây, những bệnh nhân loạn nhịp sẽ sử dụng thuốc. Hiện y học đã dò được những ổ loạn nhịp trong tim và sẽ đốt đi để điều trị. Các bệnh viện sẽ sử dụng máy DSA (chụp mạch số hóa xóa nền) đa năng và bổ sung 1 số phần cứng như: máy đốt, máy dò và phần mềm. Từ đó, bác sĩ sẽ dò tìm được những đoạn gây ra chứng loạn nhịp cho bệnh nhân và triệt tiêu. Tuy nhiên, phương pháp trên chỉ dùng cho những bệnh nhân mới phát hiện bệnh, còn không phải sử dụng thuốc duy trì.

“Bác sĩ phải có kiến thức chuyên sâu về hình ảnh học, điện sinh lý tim để tìm ra nơi phát sinh loạn nhịp. Điều quan trọng hơn nữa là bác sĩ phải đốt trúng, an toàn cho bệnh nhân. Bởi đốt xa nơi phát sinh loạn nhịp sẽ không hiệu quả. Còn khi đốt trúng đường dẫn truyền chính thức cũng khiến bị đứt dây này và bệnh nhân phải đặt máy tạo nhịp”, bác sĩ Huy chia sẻ.

Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai
Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai

 

Trong rối loạn nhịp có rối loạn nhịp nhanh và nhịp chậm. Trong đó, rối loạn nhịp chậm, các bác sĩ sẽ đặt máy phá rung tự động; máy tạo nhịp 1 buồng, 2 buồng; máy CRT điều trị suy tim.

Còn đối với rối loạn nhịp nhanh, những ca gây nguy hiểm đến tính mạng cần được giải quyết ngay tại chỗ bằng sốc điện, tạo nhịp tần số… Sau đó, các bác sĩ sẽ khảo sát điện sinh lý để tìm nguyên nhân loạn nhịp.

Nếu do những ổ bất thường, gây rối loạn nhịp nhanh ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân sẽ được triệt tiêu bằng sóng radio. Kỹ thuật này sẽ dò được nơi phát sinh ra rối loạn nhịp nhanh. Từ đó, các bác sĩ sẽ sử dụng sóng tần số radio để triệt tiêu ổ rối này và bệnh nhân sẽ khỏi vĩnh viễn. Đây là  kỹ thuật cao và là bước tiến tiếp theo trong lĩnh vực can thiệp tim mạch.

Bác sĩ Huy cho hay, kỹ thuật này giúp bệnh nhân trải qua can thiệp nhẹ nhàng, ít tốn kém hơn can thiệp mạch vành. Tuy nhiên, kỹ thuật này khá phức tạp. Việc dò tìm nơi phát sinh ra loạn nhịp rất khó. Các bác sĩ phải sử dụng kỹ thuật điện sinh lý, điện cực, bản đồ điện học để dò ra nơi phát sinh loại nhịp rồi đốt.

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI