Đừng bắt trẻ con chăm sóc người già bị rối loạn tâm thần

06/08/2017 - 05:30

PNO - Chăm sóc người cao tuổi bị sa sút trí tuệ đòi hỏi phải đúng cách. Đôi khi, những việc làm cảm tính, được mọi người cho là đúng đắn lại làm hại cho chính người cao tuổi lẫn người thân trong gia đình.

“Mẹ ơi, con không muốn ngủ với bà”

Muốn con cháu phải gần gũi, chia sẻ với ông bà, vợ chồng anh P.Đ.V. - ngụ tại Q.2, TP.HCM - đặt áp lực quá lớn lên đứa con thơ khiến mối quan hệ giữa cháu và bà nội trở thành xung đột. Cuối năm ngoái, bố anh V. bệnh nặng, qua đời.

Dung bat tre con cham soc nguoi gia bi roi loan tam than
 

Thương mẹ già cô đơn thui thủi, anh thuyết phục vợ đưa cả gia đình về sống chung với mẹ. Sau một thời gian ở chung, mọi người cảm nhận mẹ anh V. vui buồn thất thường, lúc thì lầm lì ngồi thẫn thờ trước bàn thờ của chồng, lúc lại cáu giận vô cớ. Tình trạng của cụ bà ngày càng trầm trọng. Thế là hai vợ chồng anh V. quyết định cho bé B. - 8 tuổi - xuống ở chung phòng với bà nội. 

Được khoảng một tuần, bé B. nói với mẹ rằng không muốn ngủ chung với bà mà muốn ngủ với ba mẹ. Vợ chồng anh V. cố gắng thuyết phục con: “Nhà chật, mẹ lại mới sinh em bé nên ba giao cho con nhiệm vụ quan trọng nhất là ở cùng để bảo vệ bà. Nhỡ đêm hôm bà bị ốm hay cần gì thì con gọi ba mẹ”.

Thằng bé lại lủi thủi ôm gối về phòng bà nội. Khoảng một giờ đêm, cả nhà đang ngủ say bỗng giật mình vì tiếng chân chạy, rồi tiếng đập cửa phòng rầm rầm. Anh V. vừa mở cửa phòng đã thấy con trai chạy ào vào núp sau lưng mình, đằng sau là bà nội đang đuổi tới.

“Thằng bé nức nở, hỏi gì cũng không nói. Mẹ tôi thì kích động chửi bới nhưng không hiểu bà chửi ai và đang cáu giận chuyện gì; bà còn cầm dép ném bố con tôi. Sau này, bé kể ban đêm bà không ngủ, đi khắp phòng nói chuyện lầm bầm một mình, bật đèn sáng trưng; bé sợ quá, nhân lúc bà không để ý, lén mở cửa chạy xuống phòng ba mẹ, bị bà phát hiện nên đuổi theo” - anh V. kể.

Dung bat tre con cham soc nguoi gia bi roi loan tam than
Một cụ bà đang được khám do sa sút trí tuệ tuổi già - Ảnh: Thanh Huyền


Bác sĩ (BS) Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM - cho rằng, việc cho cháu ngủ chung để trông ông bà thoạt nghe có vẻ rất ý nghĩa và đúng đắn nhưng đây là một sai lầm khủng khiếp.

“Khi về già, bộ não cũng như các bộ phận khác trên cơ thể sẽ lão hóa, hệ thống thần kinh trung ương của người già dần dần sẽ có những bất ổn, từ đó dẫn tới lệch lạc về hành vi. Chăm sóc người cao tuổi phải là trách nhiệm của người lớn, không thể giao cho một đứa trẻ. Trẻ con không thể nào thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ được với các hành vi bất thường của ông bà mình, dẫn tới ám ảnh, thậm chí rơi vào trạng thái stress, nặng hơn nữa là bị rối loạn tâm lý tâm thần” - BS Thắng nói.

Thấy bất thường nên đưa đi khám

Nhiều người con không hiểu rằng cha mẹ già có các hành động kích động, hoang tưởng, lệch lạc là do bị bệnh. Họ lại nghĩ đó là điều tế nhị, phải “đóng cửa bảo nhau”, âm thầm chịu đựng thay vì đưa cha mẹ mình đi khám để được điều trị.

BS Thắng kể, có cụ bà tên N.T.D. - 80 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM - không dám ăn cơm do con cái nấu vì nghi ngờ con cái bỏ thuốc độc để ám hại, lấy tiền của. Ban đêm đi ngủ, cụ D. lấy giấy chêm các khe cửa để đánh dấu, đề phòng có người mở cửa. Cụ còn đem hết chén bát đi giấu, có lúc dọn cơm, cả nhà tìm không ra cái chén.

Anh T. - con trai của cụ D. - ban đầu không hiểu, tưởng cụ ghét bỏ nên mới cư xử ác nghiệt với mình. Con cái không dám hé răng nửa lời, nghĩ mẹ già nên mới thế, cho tới ngày, bà D. đột nhiên khóa cổng, đuổi hết con cái ra đường, gia đình phải nhờ họ hàng sang khuyên bảo, đưa mẹ đi khám. Bà D. được BS chẩn đoán bị loạn thần tuổi già. Sau khi uống thuốc, bà đã bình thường trở lại.

Dung bat tre con cham soc nguoi gia bi roi loan tam than
 

Theo BS Thắng, bên cạnh việc điều trị, các thành viên trong gia đình cần chăm sóc người cao tuổi bị rối loạn tâm thần đúng cách và có kiến thức. Không nên giao nhiệm vụ trông ông/bà cho trẻ con, hoặc giành hết việc nhà của ông/bà.

Cần khuyến khích người cao tuổi tập dưỡng sinh, thăm thú bạn bè, đi du lịch, giao cho ông bà công việc vừa sức để họ không có cảm giác mình bị thừa thãi và cần khuyến khích họ đọc sách báo, xem ti vi để làm chậm quá trình lão hóa của não bộ. 

Thanh Huyền

Mỗi tháng, BV Tâm thần TP.HCM tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp người cao tuổi đến khám do có các biểu hiện rối loạn tâm thần. Cụ thể, trong tháng 7/2017, BV này khám cho 1.689 trường hợp ở độ tuổi từ 65-94.

Các bệnh lý rối loạn tâm lý tâm thần ở người già thường gặp là Alzheimer (sa sút trí tuệ dẫn tới mất trí nhớ từ từ, không phục hồi) và loạn thần tuổi già. Tỷ lệ người ở độ tuổi từ 60-65 bị mắc Alzheimer là 5%, ở độ tuổi 70 là 10% và từ 80 tuổi trở lên là 70%.

Nếu như sa sút trí tuệ ở người cao tuổi điển hình bởi các dấu hiệu mất trí nhớ, lú lẫn thì loạn thần tuổi già lại có các biểu hiện đặc trưng như: sợ người khác ám hại, hoang tưởng, thậm chí kích động, đập phá, ghen tuông, cất giấu đồ… Khi thấy cha/mẹ hay ông/bà có các biểu hiện bất ổn về tâm lý, mọi người nên đưa đi khám. 

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI