Đưa thiền định vào trường học: Phương pháp mới cho học sinh hay gây rối

28/10/2016 - 06:00

PNO - Những HS thường gây rối sẽ được đưa đến phòng dành riêng cho thiền định để trò chuyện với người hướng dẫn và học cách kiểm soát cảm xúc bằng hơi thở.

Trước giờ học sáng 15 phút, tại Trường tiểu học St John The Baptist ở Brighton (Anh), một tiếng chuông vang lên, mọi người im lặng. Ba mươi học sinh (HS) mới năm, sáu tuổi cùng nhắm mắt, đặt một tay lên ngực, hít thở thật chậm. Giáo viên hướng dẫn nói nhẹ nhàng: “Các em đang nghĩ về điều gì, hãy tập trung vào nó!” và “Bây giờ các em hãy gạt qua những suy nghĩ đó, tập trung vào hít thở”. Bọn trẻ gật đầu đáp ứng.

Đó là cảnh giáo viên của trường đang hướng dẫn HS cách thư giãn, suy nghĩ và hiểu về mình nhiều hơn, giúp trẻ giữ bình tĩnh, hạn chế những cảm xúc tiêu cực. Nghe có vẻ trừu tượng nhưng các HS cấp I vẫn làm theo được, thông qua các động tác yoga đơn giản, tập trung lắng nghe, hít thở sâu.

Dua thien dinh vao truong hoc: Phuong phap moi cho hoc sinh hay gay roi
Ảnh minh họa

Những buổi học như thế này trước đây chỉ có ở trường dân lập, nhưng nay đã được đưa vào trường công lập (bậc tiểu học và trung học). Theo dự án Thiền định trong trường học tại Anh, có 1.350 giáo viên được tập huấn về kỹ thuật thiền định trong năm nay, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Trên toàn quốc, hiện có hơn 4.000 giáo viên đủ điều kiện giảng dạy thiền định.

Yêu cầu một đứa trẻ đang giận dữ, buồn bã hay căng thẳng ngồi yên và tập trung tâm trí là không dễ. Trường tiểu học Robert W. Coleman ở Baltimore, Maryland (Mỹ) đưa thiền đến với HS còn là để thay thế hình phạt với những trẻ phạm lỗi. Chương trình mang tên Holistic Me, áp dụng sau giờ học cho trẻ từ mầm non đến lớp 5, kéo dài ba giờ (từ 14g30-17g30) gồm: yoga, bài tập hít thở và các hoạt động mang màu sắc thiền tập.

Những HS thường gây rối sẽ được đưa đến phòng dành riêng cho thiền định để trò chuyện với người hướng dẫn và học cách kiểm soát cảm xúc bằng hơi thở. Năm học 2013-2014, trường có bốn HS bị đuổi học. Sau một năm thực hiện chương trình, không hề có em nào bị đuổi. “Khi có mâu thuẫn, các em đã biết dùng lời nói thay vì đánh nhau như trước. Các em cũng khép mình vào kỷ luật hơn. Đó là những tín hiệu khả quan” - cô Carlillian Thompson, hiệu trưởng trường cho biết.

Tuy không ít trường học đã áp dụng phương pháp này nhưng vẫn cần thêm những nghiên cứu, đánh giá hiệu quả cũng như mặt trái của nó.

Nguyễn Khanh (Theo The Guardian, Newsweek, The Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI