Đưa sách về quê, đưa trẻ đến miền tri thức

05/01/2022 - 06:12

PNO - Nhiều cuốn sách được thực hiện với lợi nhuận dành tặng cho Quỹ Sách và cuộc sống. Ngày càng có thêm nhiều tổ chức/cá nhân thiện nguyện cùng tham gia hoạt động góp sách cho trẻ em vùng sâu vùng xa.

Trở về một đứa trẻ của tác giả Nguyễn Đinh Khoa (Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong liên kết với Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam ấn hành) là tựa sách đầu tiên, khởi động dự án Sách và cuộc sống. Theo đó, dự kiến mỗi tháng đơn vị sẽ phát hành từ một đến hai tựa sách. Các tác phẩm thuộc dự án này là sách viết về những người trẻ, của các tác giả trẻ cùng với sách kỹ năng sống được viết bởi các tu sĩ, phật tử. Toàn bộ lợi nhuận từ sách sẽ được Mây Thong Dong góp vào quỹ xây dựng tủ sách, thư viện ở vùng sâu vùng xa.

“Tôi nhớ lúc mình còn nhỏ, thư viện trường làng rất thiếu sách báo, nên cảm giác thèm chữ cứ thường trực trong lòng. Thực hiện dự án Sách và Cuộc sống cũng là mong muốn từ lâu của tôi, đưa sách hay, sách mới đến với trẻ nhỏ vùng thôn quê - những nơi thiếu sách và cần sách” - anh Lưu Đình Long - Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông Mây Thong Dong - chia sẻ. Sau Trở về một đứa trẻ, đơn vị cũng vừa phát hành tập tản văn Ở bên này thương nhớ của Lê Hoài Việt, giảng viên Trường đại học Mở TP.HCM. Trong tháng 1/2022, tập truyện ngắn Hỗn kỳ đài của nhà văn trẻ Tống Phước Bảo cũng sẽ được ra mắt.

Books for a better future là dự án tặng sách cho trẻ em  Hà Giang của Quỹ Loan - ẢNH: LOAN-STIFTUNG.DE
Books for a better future là dự án tặng sách cho trẻ em Hà Giang của Quỹ Loan - ẢNH: LOAN-STIFTUNG.DE

Cuối năm 2021, chị Vũ Yến - Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - cùng với Quỹ Loan (Loan Stiftung, quỹ thiện nguyện của nhà văn người Đức gốc Việt Isabelle Muller) góp sách tặng trẻ em Hà Giang. Dự án nhanh chóng lan tỏa, nhận được sự đóng góp và chia sẻ của bạn đọc trong cả nước. Hiện 500 tựa sách đã được trao tặng thư viện Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) tiểu học Nàn Xỉn (H.Xín Mần, Hà Giang). Đợt sách thứ hai sẽ được trao tặng vào tháng 4/2022 cho Trường PTDTBT tiểu học Chế Là - ngôi trường Quỹ Loan hỗ trợ xây dựng thư viện, nhà bán trú. Chị Vũ Yến cho biết, mong muốn ban đầu của dự án chỉ là 1.000 cuốn sách cho trẻ em vùng cao, nhưng đến thời điểm hiện tại, cùng với sự đồng hành của Quỹ Loan, dự án Books for a better future (Sách cho một tương lai tốt đẹp hơn) sẽ tiếp tục được phát triển. Mỗi ngôi trường Quỹ Loan hỗ trợ sẽ có một thư viện mini, số sách được trao tặng dự kiến tối thiểu là 500 tựa. Hai đợt trao tặng trong năm 2022 sẽ vào tháng Tư và tháng Tám, nhân dịp khánh thành các trường tiểu học mới tại Hà Giang.

Từ năm 2019 đến nay, nhóm từ thiện Fly To Sky đã tổ chức được 28 tủ sách cho thanh thiếu niên, thiếu nhi vùng sâu vùng xa. Tủ sách mới nhất mang tên Tủ sách Bồ câu trắng vừa được đặt tại Trung tâm Hoạt động Thanh niên trên địa bàn TP.Pleiku (Gia Lai) vào cuối tháng 12/2021. Toàn bộ sách tặng cũng như kinh phí mua sách mới đều từ đóng góp của bạn đọc, mạnh thường quân trong cả nước. Quỹ Jean-Marc Probst vì Hoàng tử bé tài trợ 2.000 bản sách Hoàng tử bé dành tặng cho các trường THPT tỉnh Lâm Đồng…

Bằng nhiều phương thức, sách hay đã đến với trẻ em vùng sâu vùng xa với sự tham gia của các cá nhân/đơn vị/tổ chức thiện nguyện. Dù dự án quy mô lớn hay chỉ là nỗ lực của các nhóm/cá nhân, hoạt động trao tặng sách về những miền quê cũng đều vô cùng ý nghĩa. Sự quan tâm và tiếp sức của người lớn, xây dựng những tủ sách nhưng một cách gián tiếp chính là xây dựng tâm hồn cho những đứa trẻ. “Sách đưa chúng ta vào những thế giới rộng lớn và truyền cảm hứng, ước mơ. Sách cũng có thể thay đổi một cuộc sống và do đó, ảnh hưởng tích cực đến thế hệ mai sau” - thông điệp mà cũng là kỳ vọng từ những người sáng lập và thực hiện các hoạt động thiện nguyện của Quỹ Loan dành cho hoạt động tặng sách đến trẻ em vùng cao.

Trong khuôn khổ ngày hội Văn hóa đọc 2021 với chủ đề Hành trình tri thức, bừng sáng tương lai (Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức, diễn ra từ ngày 27/12/2021 đến ngày 5/1/2022), hầu hết các chương trình giao lưu, chia sẻ đều hướng về đối tượng thanh thiếu niên, bạn đọc nhỏ tuổi. Chương trình giao lưu Gõ cửa thế giới đọc của trẻ gửi gắm thông điệp: “Trẻ em giống như những mầm non nên cần nuôi dưỡng tâm hồn và khơi nguồn tri thức cho trẻ từ sớm”. Tiến sĩ Lê Thị Mai Liên ví sách giống như “nguồn thức ăn bổ dưỡng cho tâm trí” khi chia sẻ kinh nghiệm, cách thức đọc sách hiệu quả cho phụ huynh và trẻ nhỏ.

“Sách giống như một chìa khóa mở cửa tri thức, mở cửa tâm hồn. Việc đọc sách có thể giúp thay đổi tư duy của trẻ, một đứa trẻ nhút nhát, sợ hãi, mặc cảm thua kém có thể tự tin được đọc nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn, học hỏi được nhiều điều ý nghĩa từ những câu chuyện. Sách như một người thầy âm thầm dạy bảo, là điểm tựa an ủi và cũng có thể giúp thanh thiếu niên mạnh mẽ, trưởng thành” - anh Lưu Đình Long bày tỏ.

Trao tặng sách hay, sách mới chính là trao vào tay trẻ em nghèo một miền tri thức rộng lớn, quý báu. Hành trình đưa sách về vùng sâu vùng xa cũng như việc vận động đưa tiết đọc sách vào trường học đã được thực hiện, thí điểm và lan tỏa trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng vẫn chưa thể nói là đã phủ rộng đến từng địa phương, những nơi còn nghèo khó, thiếu thốn, thiếu sách và thiết bị điện tử hỗ trợ cho việc học và đọc sách. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - dùng từ “chiến lược” để nói về việc vận động xã hội đóng góp in sách hay hằng năm dành tặng cho thiếu nhi, đặc biệt là trẻ nhỏ vùng sâu vùng xa. Và đây cũng không thể là chiến lược riêng của hội nghề nghiệp hay tổ chức/nhóm/cá nhân, mà cần được xem là “chiến lược cần thiết của Nhà nước”. Xây dựng được thói quen đọc sách cho một đứa trẻ cần vai trò của cha mẹ, gia đình và nhà trường. Nhưng xây dựng được thói quen đọc sách cho một thế hệ, cần đến sự định hướng, góp sức, truyền cảm hứng từ cộng đồng và sự quan tâm của toàn xã hội. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI