Đưa phiên tòa đến trường học, răn đe học sinh trước vấn nạn bạo lực học đường

09/11/2022 - 09:31

PNO - Nhiều trường học tại TPHCM tổ chức các phiên tòa giả định về bạo lực học đường, sử dụng mạng xã hội... mang lại hiệu quả tích cực trong giáo dục học sinh, thay đổi quan điểm của phụ huynh.

Thay đổi nhận thức của phụ huynh

"Khi có bạo lực học đường, phụ huynh thường đổ lỗi cho nhà trường mà ít khi nhìn thấy trách nhiệm của mình ở trong đó..." - cô Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh) chia sẻ đến phụ huynh tại phiên tòa giả định xét xử vụ án về tội "Cố ý gây thương tích" vừa diễn ra tại trường. 

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Phi Hùng và Trương Thanh Tuấn cùng là học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến, được xếp ở cùng phòng nội trú với 4 học sinh khác là Khoa, Tuấn, Đăng, Bảo. Tối ngày 5/12/2021 khi Hùng đi chơi về phòng thấy các bạn cùng phòng đang học bài, do đèn học của Hùng bị hư nên Hùng yêu cầu Tuấn cho mình mượn đèn để học. Lúc này Tuấn cũng đang học bài nên không cho Tuấn mượn. 

Phiên tòa giả định về bạo lực học đường tại Trường THCS Thanh Đa thu hút đông đảo phụ huynh tham gia
Phiên tòa giả định về bạo lực học đường tại Trường THCS Thanh Đa giúp thay đổi quan điểm của phụ huynh

Thấy vậy Hùng đã liên tiếp chửi mắng Tuấn, sau đó lên giường nằm chơi game trên điện thoại. Khoảng 30 phút sau, Hùng yêu cầu Tuấn ngừng học bài để bóp chân cho mình vì cho rằng buổi chiều khi đá bóng cùng nhau Tuấn đã va chạm vào chân của Hùng, làm chân Tuấn bị đau. Tuấn trả lời là đang học bài để mai kiểm tra thì Hùng tiến lại, lớn tiếng quát "Hôm nay dám chống tao à". Thấy Tuấn không nói gì, Hùng dùng tay trái gạt đèn học của Tuấn rơi xuống đất, dùng tay phải tát vào sau gáy Tuấn, co chân đá vào sườn trái của Tuấn 3 cái...

Kết quả giám định cho thấy Tuấn bị gãy 2 xương sườn trái số 3, 4, tỷ lệ thương tật 17%. Sau khi sự việc xảy ra gia đình Hùng đã bồi thường cho gia đình Tuấn 15 triệu đồng tiền chữa trị. Xét tính chất và mức độ phạm tội của bị cáo là nguy hiểm và nghiêm trọng, Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyễn Phi Hùng phạm tội "Cố ý gây thương tích" và xử phạt 9 tháng tù.

Tại phiên tòa, mẹ của Hùng nghẹn ngào: "Mẹ xin lỗi con, mẹ có lỗi khi đã không dành nhiều thời gian quan tâm đến con, không chỉ bảo con cách cư xử đúng mực... Giá như mẹ dành thời gian quan tâm đến con nhiều hơn thì mẹ con mình đã không phải đứng ở đây ngày hôm nay".

Chăm chú theo dõi phiên tòa giả định, anh Vũ Phong - phụ huynh Trường THCS Thanh Đa vô cùng ấn tượng với cách thức giáo dục học sinh thông qua phiên toà giả định. "Từ phiên tòa này tôi càng nghiệm ra rằng hành vi bạo lực của học sinh trước hết là từ môi trường giáo dục của gia đình mà mỗi người làm cha mẹ đều phải có trách nhiệm. Để đẩy lùi bạo lực học đường thì mỗi gia đình cần quan tâm, trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn đến con em mình, cùng với nhà trường để chăm lo giáo dục các em, tránh những cái kết đau lòng".

Cô Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa nhìn nhận vấn nạn bạo lực học đường đang ngày càng trở nên nhức nhối khi học sinh hiện nay có điều kiện tiếp cận với mạng xã hội, ảnh hưởng nhiều thông tin xấu độc. Nhiều em chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của gia đình dễ dàng bị các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ... 

"Giáo dục học sinh thông qua phiên tòa giả định là cách giáo dục trực quan, hiệu quả nhất để học sinh hiểu rõ về pháp luật, về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến bạo lực học đường để các em ý thức hơn về hành vi của mình. Qua hình thức này phụ huynh cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, cùng với nhà trường giáo dục con em tránh xa bạo lực học đường chứ không phải là "khoán trắng" cho nhà trường và đổi lỗi hết cho nhà trường khi có bạo lực học đường xảy ra...", cô Ân nhấn mạnh.

Tác động mạnh đến học sinh

Mỗi năm học, Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1) tổ chức từ 2-3 phiên tòa giả định về bạo lực học đường, sử dụng mạng xã hội, giáo dục giới tính. Cô Trần Thị Thơm - Phó hiệu trưởng nhà trường đánh giá, với nội dung sinh động, xuất phát từ chính những tình huống đời thật, các phiên tòa giả định đã tác động sâu sắc đến nhận thức của học sinh, mang lại giá trị tích cực trong giáo dục. 

"Không còn là những bài học giáo dục pháp luật mang tính giáo điều, khô khan, các phiên tòa giả định tình huống được xây dựng gắn liền với thực tế, phù hợp với lứa tuổi học sinh, mang đến không khí pháp luật sống động trong nhà trường. Ví dụ, khi giáo dục học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn thì phiên tòa xây dựng tình huống học sinh sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng, sử dụng ngôn từ bạo lực hoặc xúc phạm người khác, đi cùng hình phạt cụ thể, mang tính răn đe cao. Từ đó các em dễ dàng nhận thức sâu sắc về các hành vi vi phạm pháp luật..."- cô Thơm chia sẻ.

Học sinh Trường THCS Lữ Gia đặt câu hỏi cho luật sư sau phiên tòa giả định
Học sinh Trường THCS Lữ Gia đặt câu hỏi cho luật sư sau phiên tòa giả định

Tương tự, hình thức giáo dục pháp luật học sinh qua phiên tòa giả định cũng được Trường THCS Lữ Gia (quận 11) áp dụng, nhận được phản hồi tích cực từ phía học sinh, giáo viên. Cô Nguyễn Thúy Ái - Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, giáo dục pháp luật học sinh nếu chỉ bằng các tình huống chung chung, dẫn chứng các điều khoản luật thì học sinh sẽ rất khó nhớ, nhàm chán, thậm chí còn cho rằng "không có thật".

Tuy nhiên, qua phiên tòa giả định với tình huống giả định gắn với lứa tuổi, gần với đời thực, được xây dựng như một phiên tòa thật sự với các khung hình phạt đong đếm được, học sinh như chạm vào sự thật mà các em chưa bao giờ chứng kiến, giúp các em nhận thực rõ về hành vi, hậu quả và trách nhiệm phải đối mặt với khi thực hiện các hành vi liên quan đến bạo lực học đường, sử dụng mạng xã hội, tàng trữ ma túy... 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI