Cách nào để giảm bạo lực học đường?

03/06/2022 - 06:41

PNO - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 1/6 về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường. Một trong những nội dung quan trọng là vấn đề phòng, chống bạo lực học đường. Thực tế, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhưng bạo lực học đường vẫn diễn ra thường xuyên hơn.

Xử lý nhanh mâu thuẫn trong “2 giờ vàng”

Số liệu thống kê giai đoạn trước COVID-19 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh (HS) đánh nhau. Trung bình, cứ 5.200 HS lại có một vụ đánh nhau, cứ hơn 11.000 HS có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ chín trường có một trường có HS đánh nhau. Hậu quả của các vụ việc đánh nhau là gây thương tích cho cơ thể. Còn hành vi quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.

Môn giáo dục công dân cần thực sự tác động được vào suy nghĩ, tâm tư tình cảm của học sinh (trong ảnh: Một tiết ôn tập môn giáo dục công dân của học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM) - ẢNH: TRẦN HUY
Môn giáo dục công dân cần thực sự tác động được vào suy nghĩ, tâm tư tình cảm của học sinh (trong ảnh: Một tiết ôn tập môn giáo dục công dân của học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TPHCM) - Ảnh: Trần Huy

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho rằng con số 1.600 vụ HS đánh nhau trong một năm nói lên tình trạng bạo lực học đường đang rất đáng lo ngại. Thực tế, đa số vụ HS đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt ở lứa tuổi đang muốn khẳng định mình. Đôi khi chỉ từ một tranh cãi lời qua tiếng lại, các em thiếu kiềm chế dẫn đến xô xát… 

Nhìn nhận về việc “leo thang” của bạo lực học đường, ông Trần Đức Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.Hải Phòng) - nói: “Nhiều trường coi nhiệm vụ dạy chuyên môn là số một mà quên củng cố nền nếp ý thức cho HS, đó cũng là nguyên nhân khiến bạo lực học đường mãi không có điểm dừng”. Khi thấy HS có mâu thuẫn, nhiều trường chủ quan, nghĩ chuyện nhỏ nên không giải quyết, sau đó HS mới hẹn ra nơi khác đánh nhau và hậu quả là khôn lường. Do đó, nếu nhận biết và có hướng giải quyết kịp thời sẽ ngăn chặn được nhiều vụ việc phát sinh theo hướng phức tạp.

Tại Trường THPT Lê Quý Đôn, giáo viên có thể tận dụng “cán bộ nằm vùng” là những cán bộ lớp, phát hiện mâu thuẫn. Khi phát hiện thì xử lý càng sớm càng tốt. “Với trường tôi, khi HS có mâu thuẫn, tôi lập tức gọi lên phòng nói chuyện, tách HS ra và yêu cầu viết tường trình để nhận định tình hình. Sau đó, có thể mời cả giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh trên tinh thần cha mẹ phải bình  tĩnh. Tất nhiên, phụ huynh được lắng nghe, thậm chí nhà trường nhận mọi trách nhiệm và xin lỗi vì để xảy ra việc đánh nhau trong trường... Khi HS mâu thuẫn, nhà trường phải biết “cầm cương” trong “2 giờ vàng” đầu tiên, xử lý nhanh thì mới không dẫn đến việc HS hẹn đánh nhau bên ngoài”, vị hiệu trưởng nhấn mạnh.

Dạy làm người một cách thực chất hơn

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP. Hà Nội - “giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ HS thì phụ huynh cần nhớ nguyên tắc là nhìn đứa trẻ nào cũng là con em mình mới giải quyết được triệt để. Vì có thể cháu A và cháu B chỉ mâu thuẫn nhỏ trong nhà trường nhưng phụ huynh cháu A kéo người đến trường đánh cháu B và phụ huynh cháu B lại kéo người đánh lại thì lúc này sự việc vô cùng phức tạp...”. Khi người lớn không xử lý được vấn đề thì trẻ nhỏ cũng không rút ra được bài học gì cho mình.

Để ngăn chặn bạo lực học đường, ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng, vai trò của gia đình và nhà trường hết sức quan trọng. Gia đình phải quan tâm sâu sát đến con em mình, đặc biệt là lứa tuổi cuối cấp II - đầu cấp III, là tuổi “nhỏ thì không còn nhỏ, nhưng lớn cũng chưa phải là lớn”. Cha mẹ làm bạn với con, tâm sự và thấu hiểu những bức xúc của con, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ trẻ đang gặp phải, để từ đó kịp thời trao đổi, đưa ra giải pháp giúp con khắc phục. 

Đối với nhà trường, một số nơi vẫn còn tình trạng “nặng về dạy chữ nghĩa, nhẹ về dạy làm người”, môn giáo dục công dân đa phần còn hình thức mà chưa thực sự tác động được vào suy nghĩ, tâm tư tình cảm của HS. Theo ông Ngai, thay vì dạy suông là “phải nhường nhịn”, “không được đánh nhau”, thì có thể cho các em thảo luận về các vụ bạo lực học đường cụ thể vừa xảy ra tại trường A, trường B. Trong quá trình trao đổi, các em tự có sự nhìn nhận về nguyên nhân, hậu quả của vụ việc, từ đó rút ra được bài học và cách ứng xử cho chính mình.

Hoặc có thể tăng cường các hoạt động ngoại khóa để các em có sự gắn kết, chia sẻ với nhau; tổ chức cho HS tham gia các chương trình từ thiện để các em thấy mình may mắn hơn các số phận bất hạnh, và từ đó dần hình thành ý thức sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn... Theo ông Trần Đức Ngọc, nhà trường có thể tạo ra nhiều sân chơi, chương trình trải nghiệm trong đó có thể mời chuyên gia hay đơn giản là mời phụ huynh đang công tác tại các cơ quan, mời cựu HS thành đạt về trường trò chuyện với HS, thông qua đó có thể định hướng hành vi tích cực cho các em. 

 Đại Minh - Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI