Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi): “Nóng” quy định cấm, mơ hồ quỹ điện ảnh

23/02/2022 - 20:11

PNO - Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết trong các điều cấm của Dự thảo Luật Điện ảnh, nhiều cụm từ, định nghĩa không rõ gây khó cho các nhà làm phim.

Các đại biểu, khách mời, các nhà làm phim có mặt tại Hội nghị Góp ý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ở TPHCM đều nhận định dự thảo hiện tại đã có nhiều thay đổi lớn so với các dự thảo trước. Tuy nhiên, cần phải cụ thể hơn nữa tại một số điều, điểm để dễ dàng cho công tác quản lý và việc sáng tạo của các nhà làm phim.

Quy định cấm là... cấm cái gì?

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh là một trong những khách mời của Hội nghị. Khi được mời phát biểu, đạo diễn Nhật Linh cho biết ngoài một số góp ý nhỏ, trọng tâm anh muốn nói đến Điều 9 – Những nội dung cấm và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Anh cho rằng nội dung của Điều 9 đang gây khó khăn cho các nhà làm phim, trong đó có cả anh khi làm nghề.

“Khi đọc dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), tôi có cảm giác nội dung về quản lý, kiểm soát được đẩy mạnh hơn trong khi các quy định lại không cụ thể, khó để người làm phim biết phải hành động thế nào.

Ví dụ, tôi rất muốn làm một bộ phim về Bạch Đằng giang. Chắc chắn, việc sản xuất phim này sẽ rất tốn tiền nhưng mỗi lần gặp nhà đầu tư, điều họ lo sợ hơn là không chắc rằng phim sẽ được duyệt hay không. Nhìn vào Luật Điện ảnh đang có quy định không được làm phim gây thù hằn, kích động chiến tranh nhưng rõ ràng bộ phim tôi muốn làm là phim chiến tranh. Luật đang tạo ra sự lo lắng, sợ hãi cho người làm phim thay vì giúp người làm phim sáng tạo”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết.

Nam đạo diễn khẳng định nhiều nhà làm phim đã từng kiến nghị, mong muốn Luật Điện ảnh bớt những điều cấm vì chỉ bớt các điều cấm hoặc rõ ràng hơn các điều cấm mới có thể giúp điện ảnh được... cởi trói.

Hình ảnh trong phim Vị của đạo diễn Lê Bảo, bộ phim bị Cục Điện ảnh cấm phát hành.
Hình ảnh trong phim Vị của đạo diễn Lê Bảo, bộ phim bị Cục Điện ảnh cấm phát hành.

Theo PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông cho rằng hiện tại, trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nhiều từ ngữ, quy định không rõ. Ông cũng lấy ví dụ về Điều 9 để phân tích.

“Ở mục h, i, k, l – các mục này quy định là đúng, là cần thiết nhưng nội dung quy định đang chung chung. Xưa nay, bao nhiêu năm rồi, chúng ta vẫn gặp lúng túng trong thực hiện bởi vì Luật không rõ ràng. Tôi đã làm Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim Quốc gia nhiều năm, tôi cảm thấy những quy định chung chung gây khó khăn cho nhà quản lý, đến nay còn không rõ ràng thì thời gian tới sẽ khó khăn hơn nữa”, PGS.TS Trần Luân Kim nói.

Trong phần ý kiến của mình, PGS.TS Trần Luân Kim dẫn cụ thể về nội dung mục k – Vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên và mục l – Vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới, định kiến giới, phân biệt đối xử về giới. Ông cho rằng nếu đưa ra những quy định mang nội dung mơ hồ như trên thì khó để các nhà làm phim, nhà quản lý thực hiện bởi không rõ như thế nào là xâm phạm quyền và lợi ích của trẻ em, và như thế nào là vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới?

Phải chú trọng Quỹ điện ảnh

Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết nếu mạnh dạn làm một khảo sát về hiệu quả của các phim do nhà nước đầu tư thì gần như số phim mang lại hiệu quả rất hiếm. Ở nhiều quốc gia, các phim sử dụng ngân sách nhà nước đều làm được nhiệm vụ quảng bá văn hoá, đất nước đó hoặc tạo tiếng vang cho nền điện ảnh quốc gia đó trên trường quốc tế nhưng với Việt Nam, chưa có phim đạt được hiệu quả này.

“Nếu 10 năm trước, phim thực hiện bằng nguồn ngân sách của nhà nước có thể bán vé và tham dự một số liên hoan phim quốc tế thì 10 năm trở lại, không có phim chất lượng. Những phim Việt gần đây có thể đi dự liên hoan phim đều do các Quỹ điện ảnh của Pháp, Đức hoặc một số Quỹ của các nước Đông Nam Á như Phillippines, Thái Lan... đầu tư”, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.

Đạo diễn Phan Đăng Di và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tại Hội nghị.
Đạo diễn Phan Đăng Di (trái) và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tại Hội nghị.

Nam đạo diễn cho rằng trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tính đến ngày 18/2, nội dung về Quỹ điện ảnh chưa được chú trọng và đặt đúng vai trò. Anh cho rằng việc đưa Quỹ điện ảnh ra khỏi dự thảo là quyết định không chính xác, sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ về sau mà có thể ở thời điểm hiện tại, các nhà làm luật chưa thể nhìn nhận, đánh giá chuẩn xác.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD cho rằng quỹ đầu tư điện ảnh cần mở rộng việc thành lập các quỹ đầu tư tư nhân.

“Hiện tại, chúng ta đang nói nhiều về quỹ đầu tư điện ảnh của nhà nước, riêng tôi thấy, quỹ đầu tư tư nhân cũng cần được chú trọng. Vì chúng ta làm Luật Điện ảnh không chỉ cho một vài năm mà rất nhiều năm sắp tới, tôi cho rằng nên cho thành lập quỹ đầu tư điện ảnh tư nhân và mức thuế phải được ưu đãi. Ví như thuế đầu tư bất động sản hay chứng khoán chỉ cần nộp 1% trên tổng doanh thu thì điện ảnh cũng cần được ưu đãi như thế. Với điện ảnh, nếu công ty hoặc cá nhân đầu tư thu nhập cao, họ cần đóng từ 25-35% thuế dựa trên tổng thu nhập. Nếu thuế quá cao, tôi nghĩ rằng không nhiều cá nhân, đơn vị đầu tư vào điện ảnh”, bà Ngô Thị Bích Hạnh nói.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI