Dự án lấn biển Cần Giờ có thể tác động xấu tới sinh quyển, Bộ trưởng Bộ TN-MT nói gì?

09/11/2020 - 13:22

PNO - Sáng 9/11, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời những băn khoăn liên quan đến dự án lấp biển Cần Giờ, gây nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua.

Rừng ngập mặn Cần Giờ đang suy giảm về chất lượng.
Rừng ngập mặn Cần Giờ đang suy giảm về chất lượng

Tại buổi chất vấn sáng 6/11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nêu cho biết vừa qua, tại TPHCM có một nhà đầu tư thực hiện dự án khá lớn là “lấp biển Cần Giờ”. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và cử tri hết sức băn khoăn là dự án này sẽ tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn Cần Giờ cũng là rừng phòng hộ của Cần Giờ. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ trưởng BộTài nguyên và Môi trường (TN-MT) đưa ra biện pháp để dự án vừa thúc đẩy kinh tế của TPHCM và của khu vực, vừa bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Sáng nay, 9/11, trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ TN-MT chia sẻ, Cần Giờ được xem là một biểu tượng, là lá phổi của TPHCM với 31.000ha rừng dự trữ sinh quyển, trong đó, 20.000ha là do công sức lao động của những Thanh niên xung phong TPHCM, phục hồi lại từ 11.000ha còn lại sau chiến tranh năm 1979. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chia sẻ, nhiều chuyên gia lo ngại dự án Cần Giờ tác động sống tới khu dự trữ sinh quyển
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa chia sẻ, nhiều chuyên gia lo ngại dự án Cần Giờ tác động xấu tới khu dự trữ sinh quyển

Theo đó, Cần Giờ phân ra 3 vùng gồm: vùng lõi, vùng đệm, vùng lân cận và bán lân cận. Tuy nhiên, dự án nằm ở vùng bán lân cận nên không nằm trong khu vực UNESCO quản lý mà thực hiện đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định.Về dự án được nhắc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thêm, dự án được phê duyệt từ năm 2003 với diện tích lấn biển khoảng 600ha nhưng hiện đã nâng lên hơn 2.800ha, trong đó có phần diện tích trên bờ. Bộ đã làm việc với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) về dự án này.

“Như vậy, về pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam là phù hợp”, Bộ trưởng Hà khẳng định.

Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng đánh giá, chủ đầu tư đã mời các chuyên gia, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường: "Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã đánh giá được tác động trong khu vực của đô thị, bao gồm nước sạch, không khí, chất thải, tác động của đô thị lên môi trường tự nhiên.

Với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, sinh quyển, chúng tôi đã tham vấn với các tổ chức bảo tồn thế giới, đặc biệt là tổ chức về đất ngập nước và xác định dự án phải đảm bảo hệ sinh thái không thay đổi. Đây là khu vực giao thoa nước ngọt và nước mặn, là nước lợ và nước này phải lên xuống thay đổi theo triều, phải giữ được. Bảo vệ rừng ngập mặn phải theo tiêu chí để đảm bảo cân bằng sinh thái".

Bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định, dự án Cần Giờ thực hiện đúng quy định của pháp luật
Bộ trưởng Bộ TN-MT khẳng định, dự án Cần Giờ thực hiện đúng quy định của pháp luật

Bộ trưởng Hà cũng đặt vấn đề, có một yếu tố hiện nay dự án chưa đề cập đầy đủ, đó là lấy vật liệu ở đâu để san lấp? 

“Hiện nay, chủ đầu tư đưa ra phương án lấy vật liệu tại chỗ. Cùng với việc để duy trì hệ sinh thái nước mặt, nước ngọt thì tạo ra một cái hồ rất lớn để bổ sung nước biển và nước ngọt ở khu vực ngay giữa trung tâm đô thị. Với việc lấy vật liệu tại đây san lấp ra bên ngoài, nếu làm được, chúng tôi cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng nói thêm. 

Bày tỏ quan điểm ủng hộ với dự án Cần Giờ, Bộ trưởng Hà kỳ vọng, nếu thành công thì đây là “một dự án về kinh tế dựa trên sinh thái tự nhiên hoàn hảo”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI