Dự án "Em bé Việt Nam": Nhìn vào mắt những đứa trẻ mà sống

04/08/2021 - 14:07

PNO - Ban đầu, họa sĩ Lê Huy làm bức tượng Em bé Điện Biên để ghi nhớ những ngày tháng khó khăn này. Nhưng rồi, thấy tác phẩm của mình có thể mang lại một điều gì đó ý nghĩa cho cộng đồng trong mùa COVID-19, anh phát triển nó lên thành dự án, để ủng hộ mua máy thở, thiết bị y tế, chung tay cùng TP.HCM chống dịch.

Bức tượng riêng tư, lưu dấu khoảnh khắc

Lê Huy làm bức tượng Em bé Điện Biên (chất liệu bột đá ép, cao 14,5cm, nặng 900g) vào một ngày cuối tháng Năm, khi bắt gặp hình ảnh những em bé với bộ đồ bảo hộ thùng thình trong khu cách ly tại tỉnh Điện Biên. Dưới nắng hè đổ lửa, hình ảnh đó khiến anh vừa thương vừa cảm động. Anh nghĩ đến những đứa con của mình, và tạo hình em bé cầm gấu bông trong tay, như muốn gửi gắm một người bạn, mong các em thấy lúc nào cũng như có gia đình ở bên, để ôm, để ngủ và cả để khóc... 

Là chủ một xưởng nghệ thuật chuyên làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhiều người bạn tưởng Lê Huy bán bức tượng nên hỏi mua. “Lúc đó, tôi nghĩ nếu chỉ trao đổi bán - mua đơn thuần, tôi tự cảm thấy có điều gì đó bất hợp lý trong thời điểm dịch bệnh thế này. Thế là, từ một bức tượng ngẫu hứng, làm để chơi, tôi nảy ra ý tưởng phát triển thành dự án Em bé Việt Nam để ủng hộ TP.HCM chống dịch. Tôi thích cách cộng đồng cùng chung tay, ủng hộ mỗi người một chút, cộng lại để tạo nên những điều tốt đẹp”, anh nói.

Những bức tượng Em bé Việt Nam có màu trắng, với ngụ ý tượng trưng cho ngành y tế
Những bức tượng Em bé Việt Nam có màu trắng, với ngụ ý tượng trưng cho ngành y tế

Thế là anh bắt tay ngay vào thực hiện dự án của mình, dự định ban đầu làm 100 bức tượng, kêu gọi mọi người ủng hộ bằng cách chuyển khoản số tiền 680.000 đồng mỗi bức tượng vào số tài khoản của SOHA và Quỹ Sống để mua máy thở và thiết bị y tế, tiếp sức tuyến đầu chống dịch. Sau đó, gửi anh sao kê ngân hàng để chứng thực, khi nào Hà Nội “giãn” dịch, anh sẽ gửi tượng tới tận nơi cho mọi người. Lê Huy nói, điều anh hạnh phúc nhất là hành động nhỏ của mình lan tỏa được những điều tích cực trong cộng đồng.

Lê Huy không ngờ ý tưởng của anh lại nhận được sự ủng hộ lớn như vậy. Có những người yêu thương, chuyển nhiều hơn số tiền 680.000 đồng. Chỉ sau vài tiếng đăng Facebook, 100 bức tượng đã có chủ. Đồng thời, số tiền tự động chuyển tới hai địa chỉ kia vẫn không ngừng tăng lên. Anh phải làm thêm hơn 30 bức tượng để “đáp lại tấm lòng của mọi người dành cho miền Nam”. Thống kê sơ bộ, với hơn 130 bức tượng đó, anh và “cộng đồng nhỏ” của mình đã tạo ra được khoản tiền 100 triệu đồng để mua máy thở và thiết bị y tế.

Tuy nhiên, hiệu ứng Em bé Điện Biên vẫn chưa ngừng lại. Nhiều người vẫn yêu thích nó và vẫn muốn ủng hộ chống dịch. Trong khi đó, tài chính có hạn, trong khả năng cho phép, anh đã dốc tiền bạc, sức lực để làm hơn 130 bức tượng nên không đủ nguồn lực để làm tiếp. 

“Tôi thật sự mong muốn dự án có thể đi tiếp và cùng mọi người lan tỏa thêm nữa. Năm 2021 là năm hết sức đặc biệt, tôi rất muốn làm ra 2021 bức tượng để đánh dấu một năm khó khăn nhưng đoàn kết và yêu thương nhau, một giai đoạn chúng ta không thể nào quên”, Lê Huy bộc bạch.

Suy nghĩ mãi, cuối cùng anh vừa chia sẻ giai đoạn hai của dự án. Xưởng tiếp tục góp sức và nhận 50% số tiền để trang trải chi phí sản xuất và vận hành tối thiểu; 50% còn lại tiếp tục ủng hộ quỹ.

Hoạ sĩ Lê Huy
Hoạ sĩ Lê Huy

Những “em bé Việt Nam dũng cảm nhất cuộc đời”

Lê Huy nói, khi dịch COVID-19 lan nhanh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, TP.HCM... trở thành vùng dịch lớn, chúng ta đều hiểu rằng, những em bé phải đi cách ly không còn là thiểu số của Điện Biên nữa. 

“Sẽ có những “em bé Hà Nội”, “em bé Sài Gòn”... hay em bé ở bất kỳ đâu trên đất nước mình. Rồi cả những em bé trở thành F0, hay những em bé được sinh ra trong khu cách ly, những em bé lúc lỉu trên những chuyến xe hồi hương tránh dịch của bố mẹ... Trẻ em thời nay cũng dũng cảm, kiên cường như trẻ em thời chiến vậy”, Lê Huy nói.

Anh đặt tên bức tượng là Em bé Điện Biên với ý tưởng mượn một địa danh lịch sử hào hùng làm biểu tượng cho đoàn kết và mạnh mẽ, để cùng vượt qua giai đoạn này. “Và Em bé Điện Biên cũng chính là những Em bé Việt Nam. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Ở phía ngoài vỏ đựng, tôi thiết kế hình một ngôi sao hy vọng, với ngụ ý mong đại dịch sớm qua”, Lê Huy chia sẻ. 

Có người hỏi Lê Huy, sao không làm tượng các y, bác sĩ - một trong những lực lượng tuyến đầu không quản đêm ngày hiện nay? Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có câu: “Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống”. Là người thích trẻ con và hay quan sát trẻ con, anh nhận thấy, trẻ con là biểu tượng điển hình mà người lớn nhìn vào và suy nghĩ, người lớn nhìn trẻ con để có động lực mà sống và vượt qua khó khăn. Nhìn có vẻ yếu ớt, mong manh nhưng các em chính là “những chú lính chì dũng cảm nhất cuộc đời”. 

Đậu Dung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI