Giá cả tăng cao, nguy cơ lạm phát toàn cầu

17/11/2021 - 10:27

PNO - Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn vì thiếu nhân lực khiến cuộc khủng hoảng giá cả tiêu dùng sau đại dịch càng thêm trầm trọng.

Giá lương thực tăng phi mã

Đầu tháng 11, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết, giá lương thực toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong hơn một thập niên sau khi tăng hơn 30% trong vòng một năm qua. Các số liệu cho thấy giá dầu thực vật đạt mức cao kỷ lục sau khi tăng gần 10% trong tháng Mười. Sự gián đoạn nguồn cung cấp, giá hàng hóa cao, nhiều nhà máy đóng cửa… đang góp phần đẩy giá lên cao. Đồng thời, giá ngũ cốc đã tăng hơn 22%. Lúa mì là một trong những nhân tố chính góp phần vào sự gia tăng này, với mức tăng giá gần 40% trong 12 tháng qua sau khi các nhà xuất khẩu lớn - như Canada, Nga và Mỹ - có vụ mùa thu hoạch kém.

Peter Batt - một chuyên gia kinh doanh nông nghiệp tại Trường Kinh doanh Curtin (Úc) - giải thích: “Trong trường hợp của ngũ cốc, chính biến đổi khí hậu đang khiến sản lượng sụt giảm”. Đối với mặt hàng dầu cọ, giá được đẩy lên cao sau khi sản lượng từ Malaysia “giảm xuống” do tình trạng thiếu lao động nhập cư vì COVID-19. Tình trạng thiếu lao động cũng góp phần tăng chi phí sản xuất và vận chuyển thực phẩm đến nhiều nơi trên thế giới. Việc gián đoạn vận chuyển đẩy giá sữa lên cao, với giá thành của các sản phẩm sữa tăng gần 16% so với năm ngoái. Giáo sư Brigit Busicchia từ Đại học Macquarie (Úc) cảnh báo giá cả lương thực leo thang có tác động đặc biệt đến các quốc gia dựa vào nhập khẩu lương thực, điển hình như Ai Cập hoặc các nước Trung Đông khác.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá thành xuất xưởng của hàng hóa đã tăng với tốc độ kỷ lục vào tháng Mười, và ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng bắt đầu cảm thấy lao đao. Chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng đã tăng lần lượt 13,5% và 1,5% trong tháng Mười so với một năm trước. Lạm phát gia tăng ở nền kinh tế thứ hai thế giới cũng gây ra những lo ngại trên toàn cầu. Theo Ken Cheung - Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á của Ngân hàng Mizuho - với vai trò công xưởng của thế giới và tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề giá cả tại Trung Quốc đang “thúc đẩy áp lực gia tăng lên lạm phát toàn thế giới”.
 

Các “ngân hàng” thực phẩm tại Mỹ đang gặp khó khăn do nhu cầu cần hỗ trợ từ các gia đình tăng trong bối cảnh giá thực phẩm leo thang, chuỗi cung ứng toàn cầu trục trặc - ẢNH: AP
Các “ngân hàng” thực phẩm tại Mỹ đang gặp khó khăn do nhu cầu cần hỗ trợ từ các gia đình tăng trong bối cảnh giá thực phẩm leo thang, chuỗi cung ứng toàn cầu trục trặc - Ảnh: AP

Giá nhiên liệu khó hạ nhiệt trước quý III/2022

Giá năng lượng tăng vọt trong quý III/2021 và dự báo sẽ tiếp tục tăng vào năm 2022 càng làm tăng áp lực lạm phát toàn cầu. Nhiều khả năng cán cân tăng trưởng kinh tế sẽ chuyển từ các nước nhập khẩu năng lượng sang các nước xuất khẩu năng lượng. Báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng giá năng lượng vào năm 2021 sẽ cao hơn 80% so với năm 2020 và vẫn duy trì ở mức cao cho đến giữa năm 2022.

Ayhan Kose - Giám đốc nhóm nghiên cứu báo cáo triển vọng của WB - cho biết: “Giá năng lượng tăng cao gây ra rủi ro đáng kể trong ngắn hạn đối với lạm phát toàn cầu và cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng ở các nước nhập khẩu năng lượng nếu duy trì trong dài hạn”.

Năm 2021, giá một số loại nhiên liệu đã tăng đến mức chưa từng thấy kể từ năm 2011. Ví dụ, giá khí đốt tự nhiên và giá than đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và nhu cầu điện tăng do các nền kinh tế tái mở cửa. Tại Mỹ, theo số liệu của Hiệp hội Ô tô Mỹ, tính đến ngày 11/9, giá xăng tăng vọt lên mức cao nhất trong bảy năm qua, đạt mức trung bình trên toàn quốc là 3,42 USD/gallon (0,9 USD/lít), cao hơn 1,31 USD/lít so với một năm trước. Tại châu Âu, Chính phủ Hungary cho biết sẽ áp dụng trần giá xăng và dầu diesel trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, thực hiện trong trong ba tháng và sau đó sẽ được xem xét lại.

Hàn Quốc hôm 12/11 cũng tạm thời giảm thuế nhiên liệu nhằm giảm bớt tác động của giá dầu tăng cao đối với lạm phát tiêu dùng và đời sống của người dân nước này. Các quan chức chính phủ cho biết, việc giảm 20% thuế đối với xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng (LPG) sẽ được duy trì trong sáu tháng cho đến cuối tháng 4/2022. Dự kiến, giá dầu có thể sẽ tiếp tục tăng nếu nhu cầu nhiên liệu tăng lên trong bối cảnh nhiều quốc gia tìm cách khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, giữa lúc hạn chế về nguồn cung vẫn duy trì, phần lớn là do quyết định của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ chậm lại một khi các nút thắt nguồn cung được khơi thông, người dân quay lại với thói quen tiêu dùng lúc trước đại dịch. Khi đó, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho du lịch, giải trí và các dịch vụ khác thay vì cho ô tô, đồ nội thất, thiết bị điện tử… như hiện nay. Điều này sẽ giúp giảm áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện tại, chuỗi lạm phát đã kéo dài lâu hơn nhiều so với dự kiến của hầu hết các nhà chuyên gia. Các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo nghiên cứu vào đầu tháng 11 rằng: “Tình trạng lạm phát có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn” nhưng tin vui là họ có thêm một dòng trong báo cáo “có thể dần trở nên tốt hơn”. 

Tấn Vĩ (theo AP, USA Today, CNN, WB)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI