Đồng Nai căng thẳng vì bệnh nhân COVID-19 trở nặng tăng

23/11/2021 - 06:04

PNO - Số ca F0 trong cộng đồng tăng liên tục những ngày gần đây là tình trạng mà Đồng Nai đang phải đối mặt. Cùng với đó, số nhân lực điều trị bệnh được tăng cường trước đây, nay đã rút về gây nên tình trạng quá tải cho y tế cơ sở.

Khổ vì bệnh nền

Số liệu của Trung tâm Chỉ huy điều hành phòng, chống dịch COVID-19 Đồng Nai cho thấy, ngày 18/11 có 204 ca F0 cộng đồng, ngày hôm sau đã tăng lên 311 ca. Các ổ dịch trong cộng đồng có nguồn lây đa phần liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất và người về từ vùng có dịch, tạo thành nhiều ổ dịch lây nhiễm thứ phát rải rác. Hầu hết 11 huyện, thành phố đều ghi nhận ca mắc mới.

Bác sĩ Lâm Hùng Hạnh, Trưởng khu Điều trị hồi sức tích cực COVID-19, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất Đồng Nai, cho biết số ca mắc mới tăng kéo theo bệnh nặng cũng tăng từ khi “mở cửa” trở lại. Hiện tại, khoa có 110 bệnh nhân, có đến một nửa là bệnh nhân nặng, phải thở oxy dòng cao như HFNC hay thở máy bằng đặt nội khí quản. Các ca nặng phần lớn “rớt” vào những người có bệnh nền không tiêm vắc xin ngừa COVID-19. 

Các cơ sở y tế tại Đồng Nai đều trong tình trạng quá tải, thiếu nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19
Các cơ sở y tế tại Đồng Nai đều trong tình trạng quá tải, thiếu nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19

Chị Nguyễn Thị T., sinh năm 1978, ngụ tại xã Cẩm Đường, H.Long Thành, đã nhập viện do biến chứng tăng đường huyết và mắc COVID-19. Dù đã tiêm hai mũi vắc xin nhưng biến chứng tiểu đường nặng nên ngay từ lúc nhập viện, chị T. đã hôn mê. Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực để bù dịch, kiểm soát đường huyết, cân bằng toan kiềm và đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy. Giờ, tình trạng bệnh nhân vẫn còn nặng. 

Mắc bệnh lao phổi nhiều năm nay, bệnh nhân Ngô Văn N., 45 tuổi, ngụ tại xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom, cũng được đưa vào viện cấp cứu. Bệnh nền kèm theo COVID-19 khiến anh N. cũng dần rơi vào tình trạng nặng. Ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp, bác sĩ đã cho thở oxy dòng cao HFNC nhưng vẫn diễn tiến nặng, phải đặt ống nội khí quản và thở máy đa chức năng.

Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như: chạy thận nhân tạo, huyết áp, tiểu đường… mắc thêm COVID-19 mà chưa được tiêm ngừa thường chuyển nặng nhanh. “Khi có bệnh nền lại nhiễm COVID-19, bệnh nhân chuyển nặng rất nhanh dù nhập viện sớm. Đa số các ca nặng là do không được tiêm ngừa hoặc bệnh nền nhiều nên phổi tổn thương nặng khi mắc COVID-19. Khi đó, việc chữa trị càng phức tạp hơn”, bác sĩ Hạnh nhận định.

9 bác sĩ gánh hơn 100 bệnh nhân nặng 

Trong đợt cao điểm, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai được sự hỗ trợ về nhân lực từ Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện K Trung ương với 170 y, bác sĩ, kỹ thuật viên nhưng giờ chỉ còn 43 người. Do vậy, lực lượng y, bác sĩ của bệnh viện vẫn là chính. “Ca kíp vẫn như trước nhưng số lượng công việc nhiều hơn gấp đôi. Nếu trước đây, mỗi tua trực có khoảng 20 bác sĩ thì giờ chỉ còn 9 bác sĩ gánh hơn 100 bệnh nhân nặng. Chúng tôi rất căng thẳng khi số ca nặng tăng cao và quá tải. Các bệnh viện dã chiến, khoa cấp cứu của nhiều nơi đang phải đối mặt với tình trạng ca dương tính nặng mà không có nơi để chuyển đi”, bác sĩ Hạnh lo lắng. 

Từ ngày 19/8, BVĐK khu vực Long Thành đã thành lập đơn vị điều trị COVID-19 tầng hai và tầng ba với 250 giường bệnh. Lúc cao điểm, bệnh viện chữa trị cho 180 bệnh nhân với nhân lực phục vụ lên đến 85 người bao gồm cả hai đoàn hỗ trợ của tỉnh Hưng Yên và Nghệ An. Nhưng giờ cả khu này, số lượng nhân lực chỉ còn phân nửa. Đã ba tháng từ khi BVĐK khu vực Long Thành lập khu điều trị COVID-19, bác sĩ Phan Duy Hà, Phó trưởng đơn vị điều trị COVID-19, và nhiều đồng nghiệp ở đây chưa một lần về nhà. Ngay cả khi vợ sinh con đầu lòng vào một tháng trước, anh cũng không thể về. 

Trong khi đó, 80 ca mắc COVID-19 đang điều trị tại đây có đến một nửa là bệnh nặng và hầu hết ở tầng điều trị thứ ba. “Lúc có đoàn hỗ trợ, lượng công việc đỡ hơn rất nhiều. Nhưng giờ, chúng tôi làm việc gần như gấp 3 - 4 lần, mỗi bác sĩ theo dõi trung bình 20 bệnh nhân trong ca trực. Suốt nhiều tháng liền ăn ở, ngủ nghỉ trong bệnh viện, tôi đã thực sự mệt mỏi”, bác sĩ Hà tâm sự. Trước tình hình này, bệnh viện đã báo cáo và xin hỗ trợ từ Sở Y tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Hai, Giám đốc BVĐK khu vực Long Thành, nói: “Hiện, chúng tôi chỉ còn 15 bác sĩ và 30 điều dưỡng, kỹ thuật viên phục vụ cho gần 100 bệnh nhân COVID-19 ở tầng hai và ba. Khi chia ca kíp thì mỗi ca chỉ có hai - ba bác sĩ nên không thể kham nổi nếu tình trạng này kéo dài”.

Mới đây, Sở Y tế Đồng Nai đã họp với các bệnh viện để tìm “lối ra” cho công tác điều trị COVID-19. Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế, cho hay sở đang phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương để tăng cường đào tạo các ê-kíp hồi sức gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… tại các bệnh viện, trung tâm y tế để bổ sung nhân lực cho các khu bệnh nặng tầng ba ở các bệnh viện như: BVĐK Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất và các BVĐK khu vực: Long Thành, Long Khánh và Định Quán. Trong đó, BVĐK khu vực Long Thành sẽ chuyển thành nơi điều trị COVID-19, chỉ dành một khu để khám bệnh. Các cơ sở y tế khác cũng phải chủ động triển khai các khu riêng để điều trị cho bệnh nhân tầng hai. 

Trong ngày 19/11, Đồng Nai có 11 ca tử vong. Trong số hơn 12.000 ca đang điều trị, có đến 45 ca thở máy xâm lấn; thở oxy dòng cao như CPAP (thở áp lực dương tính liên tục qua đường mũi) là 19 ca, thở HFNC (liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi) là 54 ca và thở oxy 223 ca; có triệu chứng trung bình 1.159 ca (9,52%), không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ 10.677 ca (chiếm 87,68%).]

Gia Huy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI