Doanh nghiệp Nhật đánh giá Việt Nam là thị trường mục tiêu lớn thứ 2 sau Trung Quốc

15/04/2021 - 17:59

PNO - Đó là chia sẻ của ông Shinji Hirai – Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) trong buổi họp báo về việc mở gian hàng tại ngày hội Việt Nam Nhật Bản (Japan Vietnam Festival) tổ chức ngày 15/4 ở TPHCM.

Cụ thể, theo ông Shinji, kết quả khảo sát của JETRO năm 2020 cho thấy các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vẫn mong muốn mở rộng đầu tư ra nước ngoài; tuy nhiên, mức độ sẵn sàng mở rộng các cơ sở hiện có ở nước ngoài của các DN ở mức thấp kỷ lục trong năm 2020, do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Các DN Nhật có xu hướng phân tán, đa dạng hóa các điểm đến để phát triển kinh doanh ở nước ngoài nhằm giảm thiểu rủi ro. Đáng lưu ý, trong các nước mà họ hướng tới thì Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai sau Trung Quốc mà các DN đánh giá là thị trường mục tiêu lớn. Sau đó mới đến là Hoa Kỳ, Đài Loan...

Rất nhiều sản phẩm là nông sản, thực phẩm đồ gia dụng… của Nhật Bản được bán trong một trung tâm thương mại Nhật tại TPHCM
Rất nhiều sản phẩm là nông sản, thực phẩm đồ gia dụng… của Nhật Bản được bán trong một trung tâm thương mại Nhật tại TPHCM. Ảnh: Quốc Thái

 “Nếu như cuộc khảo sát cách đây 10 năm, giữa Việt Nam và Trung Quốc, đa phần nhà đầu tư Nhật sẽ chọn Trung Quốc. Nhưng giờ thì khác, số lượng nhà đầu tư Nhật chọn Việt Nam tăng rất nhiều. Tỷ lệ các vấn đề gặp phải trong kinh doanh nhìn chung đang giảm, được thể hiện qua việc các DN Nhật Bản ngày càng mở rộng kinh doanh sang Việt Nam. Đối với DN Nhật Bản, Việt Nam là điểm đến rất được quan tâm và yêu thích”, ông Shinji Hirai cho biết.

Một điểm mới là trước đây, Việt Nam đóng vai trò nhà máy, nhà sản xuất cho DN Nhật Bản, nhưng dần dà Việt Nam trở thành thị trường có sức tiêu thụ, sức mua lớn. Số DN Nhật mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam từ con số 40% giảm còn 20% và DN chuyển sang xuất khẩu hàng Nhật, mở dịch vụ... Từ vị trí thứ 6 (năm 2019), Việt Nam vượt lên vị trí thứ 5 (năm 2020) là thị trường lớn mà DN Nhật Bản xuất khẩu nông lâm, thủy sản, thực phẩm… chỉ sau Hoa Kỳ, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan.

“Việt Nam vẫn đóng vị thế quan trọng và được quan tâm đối với các DN Nhật Bản, điều này không hề thay đổi so với trước đây, chỉ thay đổi trong cơ cấu và tỷ lệ phần trăm hạng mục đầu tư. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng, trên thế giới có xu hướng cơ cấu chuỗi cung ứng. Mặc dù là thị trường được DN Nhật Bản rất kỳ vọng, song so với Trung Quốc và Thái Lan, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam còn nhiều bất cập cần được cải thiện thêm”, ông Shinji Hirai nhấn mạnh.

Đặc biệt, DN Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường TPHCM. Tính từ năm 2018 đến 2019, TPHCM là nơi có nhiều DN Nhật Bản đầu tư nhất so với các tỉnh, thành khác. Lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm, giải quyết nhanh gọn những quan tâm, trăn trở của DN Nhật Bản. Để thu hút đầu tư của DN Nhật Bản nhiều hơn nữa, DN cũng kỳ vọng TPHCM giải quyết cơ sở hạ tầng và để trở thành khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển tốt, TPHCM cần kết nối tốt với các tỉnh, thành lân cận. Hiện đã có nhiều DN Nhật Bản mở rộng đầu tư không chỉ tại TP.HCM mà vươn đến các tỉnh lân cận, như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Long An..., chứng tỏ việc kết nối TPHCM với các tỉnh, thành rất quan trọng.

Thực phẩm, hàng tiêu dùng... của Nhật dù có giá cao nhưng luôn được người tiêu dùng yêu thích vì tiêu chuẩn chất lượng cao. Ảnh: Quốc Thái
Thực phẩm, hàng tiêu dùng... của Nhật dù có giá cao nhưng luôn được người tiêu dùng yêu thích vì tiêu chuẩn chất lượng cao. Ảnh: Quốc Thái

Với dự án Japan Mall đang được triển khai, các DN Nhật Bản phát triển các kênh bán hàng ở nước ngoài cho các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày, mỹ phẩm... thông qua các trang thương mại điện tử và các nhà bán lẻ, trong đó có Việt Nam. Tại “Japan Vietnam Festival” lần này (vào ngày 17 và 18 tại công viên 23 tháng 9, TPHCM), có hơn 50 DN Nhật Bản với hơn 80 sản phẩm Nhật được giới thiệu ở các gian hàng và có 7 đơn vị trang thương mại điện tử, nhà bán lẻ tham gia, gồm: Family Mart, Hachi Hachi, Kamereo...

Theo khảo sát, đánh giá của JETRO, do tác động của dịch COVID-19, sức mua các sản phẩm dùng tại nhà tăng cao; trong đó, kem, gia vị rắc cơm, đậu lên men, giấm táo, miếng đắp mắt thư giãn được người tiêu dùng và các trang thương mại điện tử, nhà bán lẻ đánh giá cao.

Năm nay, JETRO sử dụng nền tảng trực tuyến “Japan Street” với hơn 500 nhà cung cấp Nhật Bản để thúc đẩy mở rộng, phân phối thương mại các sản phẩm Nhật Bản vào Việt Nam. Đồng thời, với nền tảng “J-Bridge” (cầu nối đổi mới Nhật Bản) sẽ kết nối các công ty khởi nghiệp nước ngoài và các DN Nhật Bản.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI