Doanh nghiệp bất động sản đang xoay sở ra sao giữa dịch COVID-19?

01/07/2021 - 10:32

PNO - Dịch COVID-19 bùng phát trở lại buộc nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, gặp gỡ. Các hình thức quảng bá, giao dịch trực tuyến đang được giới kinh doanh bất động sản đẩy mạnh, nhưng hiệu quả vẫn rất hạn chế…

Số hóa mạnh mẽ 

Theo ông Nguyễn Minh Khang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đầu tư LDG - đại dịch COVID-19 khiến ngành bất động sản (BĐS) bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu như trong các đợt giãn cách xã hội trước, việc giao dịch nhà, đất ở các dự án vẫn tương đối ổn định thì năm nay, thị trường chững lại rõ rệt do nhiều nguyên nhân: tâm lý đề phòng và tích trữ tài chính đối phó dịch của người dân; giãn cách xã hội khiến việc đầu tư không hiệu quả, giao dịch chậm do tính thanh khoản không cao. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải học cách tự thích nghi, sẵn sàng ứng phó với tình huống đại dịch kéo dài hoặc tái bùng phát lại bất cứ lúc nào.

Nhân viên Công ty Bất động sản Thắng Lợi đang tư vấn từ xa cho khách hàng, đây là cách tiếp cận khách được nhiều công ty bất động sản áp dụng trong thời gian dịch bệnh
Nhân viên Công ty Bất động sản Thắng Lợi đang tư vấn từ xa cho khách hàng, đây là cách tiếp cận khách được nhiều công ty bất động sản áp dụng trong thời gian dịch bệnh

Ông Nguyễn Minh Khang cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp BĐS đã cho thấy sự linh hoạt ứng biến, thích nghi. Ngay trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên của TPHCM, các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức quảng bá, giao dịch trực tuyến, như livestream để tư vấn và cung cấp thông tin sản phẩm, họp trực tuyến với nhân viên và khách hàng, sử dụng công nghệ nhà mẫu thực tế ảo giúp khách hàng có thể “tham quan” dự án tại nhà và chốt mua hàng qua các ứng dụng mạng xã hội, trả kết quả hồ sơ qua đường bưu điện và thư điện tử (email)… Những hình thức giao dịch này tuy chưa đạt hiệu quả tốt như giao dịch trực tiếp nhưng đang ngày một tốt hơn.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Quyền - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn BĐS Thắng Lợi - nhận định, trong bốn lần bùng phát dịch, đợt bùng phát thứ tư này là nghiêm trọng nhất, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, ngay từ đợt giãn cách đầu tiên, công ty đã chuyển từ hình thức giao dịch offline sang online.

Hiện nhân viên công ty đã khá thuần thục các hình thức giao dịch như livestream, cập nhật tiến độ dự án thông qua hình ảnh, video hoặc sử dụng các nền tảng digital để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Công ty cũng áp dụng triệt để hình thức quản lý từ xa đối với hoạt động xây dựng, tổ chức cho công nhân làm việc, ăn ở tại chỗ, kiểm soát toàn diện tiến độ thi công. 

“Hiện chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ số vào vận hành và quản lý nhân sự, giúp tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả cao hơn. Dịch COVID-19 mang đến nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhưng cũng là đòn bẩy giúp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số” - ông Nguyễn Thanh Quyền nhìn nhận. 

Cần hỗ trợ để thị trường bất động sản sớm hồi phục 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng - chuyên gia BĐS - cho rằng, dù các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế, các hoạt động giao dịch đều chậm lại, thị trường cũng trầm lắng hơn. Ở Việt Nam, lĩnh vực BĐS có sức ảnh hưởng khá lớn đến nhiều ngành nghề khác, như sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, giải quyết việc làm. BĐS không phải là mặt hàng thiết yếu, nhưng nó cần được hỗ trợ để hồi sinh, từ đó kéo nhiều ngành nghề khác phục hồi theo. Các khoản hỗ trợ có thể gồm hỗ trợ vay vốn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhanh chóng tháo gỡ các khúc mắc trong cấp phép đầu tư… 

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - nhận định, BĐS là ngành dịch vụ, nhưng hiểu theo nghĩa rộng thì nó bao gồm cả quy hoạch, thiết kế, thi công, vật liệu xây dựng… kéo rất nhiều ngành khác đi theo, giải quyết công ăn việc làm cho xã hội. Nếu nhìn ở góc độ như vậy thì BĐS chiếm 11 - 12% GDP của Việt Nam. Dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần có chính sách để lĩnh vực BĐS phát triển lành mạnh, đóng góp vào tăng trưởng, không làm xáo trộn kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính và đó là một bài toán không hề đơn giản. 

Cũng theo tiến sĩ Võ Trí Thành, hiện có rất nhiều nhân tố đang ảnh hưởng đến thị trường BĐS như lệch pha cung cầu, hạ tầng, chuyển đổi đất đai, sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Trong các đợt dịch COVID-19 trước, BĐS đã được xếp trong nhóm cần nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước vì nó liên quan đến các chính sách tiền tệ, tín dụng. Trong đợt dịch bệnh này, Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi các văn bản pháp lý để tháo gỡ các ách tắc cho các dự án BĐS đồng thời có các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn về tiền tệ, tài khóa.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - chia sẻ thêm, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp BĐS không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin hỗ trợ cơ chế để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư xây dựng nhằm tăng sức chống chịu và vượt qua đại dịch COVID-19.

Cụ thể, hiệp hội mong muốn Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM sớm tham mưu UBND TPHCM ban hành văn bản hướng dẫn trình tự thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở tại TPHCM; Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM sớm tham mưu UBND TPHCM ban hành văn bản quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập, đồng thời đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ ách tắc về việc công nhận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại là chủ đầu tư nếu họ đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 5, Điều 1, Nghị định 30/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở vẫn không được công nhận là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại dù việc chuyển nhượng quyền sử dụng các thửa đất này đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2020. 

Bích Trần

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI