Doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu hụt hơi do khó tiếp cận nguồn vốn

18/08/2022 - 14:23

PNO - Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) về tình hình thị trường bất động sản hiện nay.

Theo HoREA, thị trường bất động sản tiếp tục tình trạng lệch pha cung cầu, rất thiếu nguồn cung dự án, nhà ở, nhất là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân. 

Nguồn cung nhà ở giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Nếu so sánh với năm 2017 là năm thị trường bất động sản TPHCM có nguồn cung cao nhất với 42.991 căn nhà thì nguồn cung năm 2018 chỉ bằng 65,8%, năm 2019 chỉ bằng 53,6%, năm 2020 chỉ bằng 39,2%, năm 2021 chỉ bằng 33,6% so với năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế TPHCM phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, có nhiều lĩnh vực tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch, chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản là tăng trưởng âm, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó nguồn cung nhà ở cũng chỉ bằng 44% so với năm 2017.

Năm 2020, nhà ở bình dân chỉ chiếm 1%, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân (0%); ngược lại năm 2020, nhà cao cấp chiếm 42,1%; năm 2021 nhà cao cấp chiếm 74% và trong 6 tháng đầu năm 2022 nhà ở cao cấp chiếm áp đảo đến 80,1%, còn lại là nhà ở trung cấp.

Lệch pha cung cầu
Lệch pha cung cầu khiến thị trường xuất hiện nhà liền thổ trên 500 tỷ đồng

Tình trạng lệch pha cung cầu đi đôi với lệch pha phân khúc thị trường, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp kéo theo giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây; đã xuất hiện nhà liền thổ giá trên 500 tỷ đồng, căn hộ siêu sang trên 100 tỷ đồng và các đợt “sốt ảo” giá đất nền, đất nông nghiệp không có lợi cho sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.

Tất cả các vấn đề trên khiến thị trường bất động sản có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng; doanh nghiệp bất động sản có dấu hiệu “hụt hơi”, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu (quý I và tháng 7/2022, doanh nghiệp bất động sản không phát hành được trái phiếu); nhà đầu tư thứ cấp đang khó khăn vì thị trường thứ cấp cũng đang “trầm lắng”; người có nhu cầu thật khó tạo lập được nhà ở hơn trước đây.

Do đó, Hiệp hội xin kiến nghị trước hết là tập trung thực hiện chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu. 

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét có kết luận dứt điểm các dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc đất công, hoặc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoặc do di dời cơ sở sản xuất ô nhiễm đã bị dừng triển khai từ năm 2017 đến nay do phải thực hiện công tác rà soát pháp lý. Trong đó TPHCM có 64 dự án, theo hướng thực hiện chủ trương “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực” và các doanh nghiệp có liên quan phải nộp nghĩa vụ tài chính, kể cả nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, để dự án được tiếp tục triển khai thực hiện góp phần phát triển kinh tế và tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và sản phẩm nhà ở cho thị trường bất động sản.

Ngoài ra, HoREA kiến nghị tại thời điểm hiện nay, chưa nên quy định sở hữu căn hộ nhà chung cư có thời hạn (50 năm, 70 năm) để phù hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư đi đôi với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài, để không gây biến động trên thị trường bất động sản và trong xã hội.

Ngọc Bích

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI