Thủ tục nhà ở xã hội kéo dài, TPHCM xin thêm thời gian sử dụng gói vay 15.000 tỷ đồng

03/08/2022 - 14:29

PNO - Đó là kiến nghị của UBND TPHCM liên quan đến công tác phát triển đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập và di dời nhà tạm trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.

Theo báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TPHCM cho biết, theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, TP dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở xã hội (tương đương khoảng 35.000 căn hộ). Giai đoạn 2026-2030, TP dự kiến phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (tương đương khoảng 58.000 căn hộ).

Tuy nhiên, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn kéo dài, chính sách đầu tư chưa thật sự thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ các chủ đầu tư vay thực hiện dự án nhà ở xã hội, cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội vay mua nhà chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật để hoàn trả cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khi bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% để xây dựng nhà ở xã hội.

Dự án nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM triển khai gần 4 năm chưa xong
Dự án nhà ở xã hội Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM triển khai xây dựng gần 4 năm vẫn chưa xong để bàn giao cho người dân.

Do đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn việc xác định, phân bổ và hoàn trả các chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và ch phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong trường hợp bàn giao lại cho Nhà nước quỹ đất ở 20% đề xây dựng nhà ở xã hội.

Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân người lao động có thu nhập thấp.

Điển hình hóa thiết kế nhà ở xã hội được thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng để triển khai xây dựng hàng loạt, góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục đầu tư và giá thành căn hộ.

Cho phép TP quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha đến dưới 10 ha. Bố trí vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014, để cho các doanh nghiệp vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, hiện nay, khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, quy hoạch, nhà ở, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, quản lý, sử dụng tài sản công, đấu thầu… Thủ tục thực hiện phải qua nhiều cơ quan, đơn vị dẫn đến thời gian triển khai thực hiện dự án kéo dải. 

Do đó, kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình được vay theo Nghị quyết số 11/NQ- CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ đến hết năm 2025.

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI