"Dở khóc dở cười" khi người dân rủ nhau lên Sài Gòn khám bệnh trái tuyến

12/01/2021 - 06:24

PNO - Sau 10 ngày triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thông tuyến tỉnh, các bệnh viện tại TPHCM ghi nhận nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười".

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định từ ngày 1/1/2021, người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước sẽ được chi trả 100% quyền lợi của thẻ bảo hiểm khi điều trị nội trú.

Trước thời điểm này, mức chi trả của bảo hiểm khi điều trị nội trú trái tuyến là 60% quyền lợi của thẻ bảo hiểm y tế. Thế nhưng, các bệnh viện tại TPHCM đã gặp nhiều tình huống người bệnh vẫn hiểu chưa đúng về quy định mới.

Rủ nhau đi "thành phố" vì… khám không tốn tiền

Nhiều người bệnh hiểu lầm bảo hiểm y tế chi trả 100% tiền khám, chữa bệnh thông tuyến tỉnh
Nhiều người bệnh hiểu lầm bảo hiểm y tế chi trả 100% tiền khám, chữa bệnh thông tuyến tỉnh

7g sáng, người bệnh đang chờ tới lượt vào khám ở khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đông hẳn lên. Nhìn chằm chằm lên ô bản điện tử theo dõi số thự tự, bà T.K.L. (58 tuổi, quê ở tận An Giang) đứng lên ngồi xuống không yên.

Bà nói: “Còn lâu quá! Tôi đi xe từ quê lên đây lúc 11g đêm, đến nơi cũng gần sáng nên vô bệnh viện lấy số luôn. Tôi soạn sẵn sổ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân và cả khai sinh mang theo cho chắc để bác sĩ kêu nhập viện thì vô lẹ. Tôi mới nghe hàng xóm nói, giờ lên Sài Gòn trị bệnh không tốn tiền”.

Khi được hỏi vì sao không tốn tiền, hai người hàng xóm đi cùng bà L. vui mừng giải thích rằng Luật Bảo hiểm y tế mới ban hành “nói” người bệnh ở tỉnh lên Sài Gòn khám hay nhập viện cũng được hưởng 100% bảo hiểm y tế, chỉ mất tiền xe.

Nghe vậy, nữ nhân viên hướng dẫn thở dài: “Tôi có giải thích nhiều lần rồi, bệnh nhân chỉ hưởng 100% này khi được nhập viện. Nhưng 100% ở đây có nghĩa là mức hưởng tối đa của từng đối tượng sử dụng thẻ gồm: 100%, 95% hoặc 80% theo quy định tại Điều 14 Nghị định 146/2018; chứ không phải là miễn phí 100%.

Hiện đối tượng được 100% là người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, cựu chiến binh, người già trên 80 tuổi được hưởng trợ cấp hàng tháng... Còn người bình thường chỉ được hưởng 100% trên thẻ được thanh toán chi phí khám chữa bệnh tối đa 80% theo quyền lợi của thẻ".

Chưa giải thích xong cho bệnh nhân này thì anh P.V.L. (43 tuổi, ở Tây Ninh) chạy lại thắc mắc: "Sao tôi không được thanh toán 100% như quy định?".

Anh L. kể, anh bị đau bụng dữ dội, nôn ra máu và được bệnh viện tỉnh chẩn đoán xuất huyết dạ dày, chỉ định nhập viện. Nghe vậy, anh tức tốc đi TPHCM điều trị cho chắc.

Anh L. nói: “Trị bệnh ở đâu cũng không tốn tiền, tôi đi thành phố cho chắc. Hôm qua tôi lên đây để nhập viện mà không kịp giờ nên thuê khách sạn ngủ lại. Sáng nay, bác sĩ nói tôi phải đóng tiền khám bệnh, tôi không chấp nhận bởi vì bệnh viện tỉnh đã chỉ định nhập viện, tôi phải được hưởng 100% viện phí”.

Trốn viện để không bị thu tiền

 Tuy những ngày qua Bệnh viện Ung bướu chưa có dấu hiệu người bệnh tăng đột ngột nhưng số lượng bệnh nhân chờ đến lượt khám, phẫu thuật, xạ trị hơn 2.000 người
Tuy những ngày qua Bệnh viện Ung bướu TPHCM chưa có dấu hiệu người bệnh tăng đột ngột nhưng số lượng bệnh nhân chờ đến lượt khám, phẫu thuật, xạ trị hơn 2.000 người.

Những tình huống "dở khóc dở cười" tương tự cũng xảy ra ở Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Ung bướu TPHCM... 

Bác sĩ Ck2 Phan Thanh Vũ – Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi chia sẻ, từ sau ngày 1/1/2021, lượt người đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Trãi tăng rõ rệt. Cụ thể, trung bình bệnh viện có hơn 2.000 bệnh nhân/ngày nhưng sau khoảng thời gian này tăng thêm 500 người/ngày. 

"Tuy nhiên đã có trường hợp bệnh nhân xuất viện sau ngày 1/1 nhất quyết không nghe giải thích, một mực khẳng định được bảo hiểm trả 100% và… trốn về, buộc lòng bệnh viện phải chịu khoản chi phí này. May mắn số lượng bệnh nhân cố tình không thanh toán rất ít nếu không thì nguy cơ vượt quỹ dự toán rất cao. 

Bệnh viện cũng rất đau đầu với vài bệnh nhân điều trị nội trú ngày nào cũng “quậy” đòi chuyển lên tuyến trên. Trong khi không ít bệnh nhân ở các tỉnh, bệnh nhẹ lại nhất định đòi nhập viện”, bác sĩ Vũ cho hay.

Bác sĩ Ck2 Lê Thanh Phong – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Trãi cho rằng: “Quy định mới của bảo hiểm y tế mang đến nhiều lợi ích cho người dân trong việc khám chữa bệnh, nhất là bệnh nhân có bảo hiểm ở tỉnh nhưng đi công tác hay làm việc tại nơi khác.

Tuy nhiên, người bệnh chưa hiểu rõ nội dung quy định nên chỉ vài ngày áp dụng đã xảy ra tình huống không đúng. Người bệnh phản ứng bệnh viện thu tiền khám bệnh vì họ khẳng định được bảo hiểm chi trả 100% chi phí.

Khó trách người bệnh, bởi ai cũng muốn được chăm sóc sức khỏe tốt nhất nhưng lại hiểu lầm con số 100%. Người bệnh phải hiểu bảo hiểm y tế chi trả 100% của 95% bảo hiểm đúng tuyến chứ không phải thanh toán hết tiền điều trị.

Tức là khi nhập viện điều trị, bệnh nhân (trừ đối tượng đặc biệt) có bảo hiểm đúng tuyến ở bệnh viện tỉnh sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí, 5% còn lại người bệnh phải tự chi trả. Quy định ngày 1/1/2021 chỉ khác ở chỗ thay vì trước đây bệnh nhân ở tỉnh nhập viện điều trị tại TPHCM phải có giấy chuyển tuyến mới được bảo hiểm đúng tuyến thì bây giờ không cần giấy này nữa. Nhưng chỉ với trường hợp nhập viện, còn khám và về trong ngày vẫn cần giấy chuyển tuyến”, bác sĩ Phong nói thêm.

Người dân nên tìm hiểu rõ quy định mới, tránh việc bệnh nhẹ vẫn đến bệnh viện tuyến trên chờ đợi, khiến bệnh nặng hơn
Người dân nên tìm hiểu rõ quy định mới, tránh việc bệnh nhẹ vẫn đến bệnh viện tuyến trên chờ đợi, khiến bệnh nặng hơn.


Phạm An

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Chi Tài 12-01-2021 15:34:41

    Hướng dẫn phải thật cụ thể rõ ràng, dễ hiểu, quả nhiên đã xảy ra sự cố. Bản thân tôi khi nghe tin cũng cứ tưởng khỏi giấy chuyển tuyến, định quay trở lại khám tại bv đại học y dược (trước hay khám bảo hiểm ở đây, họ bảo về quận cho đúng tuyến).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI