Điều dưỡng chế giá treo áo chì che chắn cho bệnh nhân chụp X-quang phổi

18/11/2020 - 13:29

PNO - Theo các nhân viên y tế, khi chụp X-quang ngực, việc che chắn cho bệnh nhân hiện không được chú ý đúng mức.

 

Giá treo áo chì kiêm che chắn cho bệnh nhân chụp X-quang phổi của BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: BVCC
Giá treo áo chì kiêm che chắn cho bệnh nhân chụp X-quang phổi của BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: BVCC

Kỹ thuật viên Lưu Quốc Trung – điều dưỡng trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cùng 2 đồng nghiệp đã thiết kế ra giá treo áo chì với các tiêu chí: gọn nhẹ, dễ di chuyển; có thể tăng giảm chiều cao; có diện tích tiếp xúc với áo chì lớn hơn khi treo... so với giá cũ.

Điều dưỡng Lưu Quốc Trung cho biết ý tưởng này nảy sinh từ việc che chắn cho bệnh nhân chụp X-quang hiện không được chú ý đúng mức như: phải thu nhỏ chùm tia (tia X trực tiếp chỉ tiếp xúc với phần cần khảo sát), sử dụng thời gian phát tia X ngắn nhất mà vẫn đạt chất lượng chẩn đoán, che chắn bộ phận sinh dục và vùng tuyến giáp (nếu có thể)…

Nhưng thực tế, do lượng bệnh nhân tại các cơ sở công lập thường cao, lượng máy móc phục vụ lại ít, nếu trang bị che chắn đầy đủ cho bệnh nhân thì mất nhiều thời gian nên thường bị bỏ qua. Các áo chì sau khoảng 2 năm sử dụng lại có tình trạng hư hỏng lớp chì ở phần vai áo, thậm chí có áo bị tuột toàn bộ chì xuống phần bụng.

Chính vì thế, điều dưỡng Lưu Quốc Trung và 2 đồng nghiệp đã tạo ra giá treo áo chì mới có thể che chắn phần dưới thắt lưng khi chụp X-quang ngực, đồng thời không phải mua váy chì cho bệnh nhân mặc. Giá treo áo chì này còn có thể bảo quản áo chì được lâu hơn.

Ban giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đánh giá sáng kiến này đã giảm thiểu tia phóng xạ trực tiếp không cần thiết mà không mất nhiều thời gian khi bệnh nhân thay áo hoặc váy chì lúc chụp X-quang. Thêm vào đó, tia X trực tiếp sẽ bị hấp thụ vào áo chì, giảm thiểu tia thứ cấp, tán xạ gây hại cho bệnh nhân và nhân viên thực hiện.

Giá treo áo chì kiểu mới (bên trái ảnh) và giá treo áo chì kiểu cũ (bên phải ảnh). Ảnh: BVCC
Giá treo áo chì kiểu mới (bên trái ảnh) và giá treo áo chì kiểu cũ (bên phải ảnh). Ảnh: BVCC

Ngoài sáng kiến này, một số nữ điều dưỡng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã chế tạo bảng nam châm để cố định kim phẫu thuật. 

Ý tưởng ra đời từ thực trạng kim đã sử dụng không được cố định trên bàn dụng cụ sẽ khiến chỉ dễ rơi, dễ rối; mất nhiều thời gian phân loại kim.

Vấn đề đặt ra là phải làm sao kiểm soát chặt chẽ kim phẫu thuật để bảo đảm an toàn cho người bệnh và an toàn trong phòng mổ. 

Trên bảng inox 304 dày để chống va đập, các nam châm được xếp song song với 2 tay cầm để cố định kim dọc theo chiều của nam châm, đồng thời giúp các kim có thể phân bố đều trên khắp bề mặt bảng nam châm và không bị hút vào nhau.

Bảng nam châm để cố định kim phẫu thuật tại BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: BVCC
Bảng nam châm để cố định kim phẫu thuật tại BV Nguyễn Tri Phương. Ảnh: BVCC

Bản nam châm cố định kim phẫu thuật sau khi ra đời đã có tác dụng kiểm soát việc sử dụng kim trong suốt các ca mổ lớn và kéo dài như có thể tiết kiệm thời gian phân loại kim, nhanh hơn và chính xác hơn khi cần xác định số lượng từng loại kim; tạo môi trường khoa học – an toàn – thẩm mỹ.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI