"Dick Johnson is Dead": Khúc hoan ca lạ thường về cái chết

19/01/2021 - 06:45

PNO - Bộ phim tài liệu “Dick Johnson is Dead” của nhà làm phim Kirsten Johnson là minh chứng cho khả năng chữa lành của những sáng tạo nghệ thuật đúng nghĩa.

Chân thực, tếu táo và xúc động, Dick Johnson is Dead  là một trong những phát hiện đáng giá nhất của điện ảnh thế giới năm vừa qua. Bộ phim xoay quanh hành trình đối diện với cái chết của Charles Richard Johnson (tên thân mật là Dick), một ông lão 86 tuổi đang ở giai đoạn đầu của căn bệnh mất trí nhớ.

Người đứng sau những thước phim trìu mến và tươi sáng về ông không phải ai khác mà chính là con gái út, tức đạo diễn, nhà quay phim tài liệu nổi tiếng người Mỹ Kirsten Johnson. Vượt ra khỏi giới hạn của thể loại, tác phẩm mới nhất của cô khắc họa một hiện thực màu nhiệm với sự chắp cánh của trí tưởng tượng kỳ khôi, có phần táo bạo.

Hiếm có bộ phim nào nói về cái chết mà tràn ngập niềm vui sống như Dick Johnson is Dead. Bất chấp những ảnh hưởng của tuổi tác và bệnh tật, Dick Johnson vẫn duy trì sự lạc quan như đang sống những ngày tươi đẹp nhất. Sau những buổi trị liệu, ông thường quấn quít bên gia đình, tiệc tùng với bạn bè như thuở đôi mươi, khoan khoái nằm sưởi nắng trên bãi cát hay nhấm nháp một miếng bánh sô-cô-la yêu thích.

Dick Johnson is Dead là cái nhìn dí dỏm mà sâu lắng về trải nghiệm cận kề cái chết của con người
Dick Johnson is Dead là cái nhìn dí dỏm mà sâu lắng về trải nghiệm cận kề cái chết của con người

Xuyên suốt bộ phim, ta không khỏi có cảm giác rằng, nếu Thần chết có gõ cửa vào ngày mai thì người đàn ông này cũng không có gì để nuối tiếc. Đó là bởi ông đã sống một cuộc đời trọn vẹn đến từng khoảnh khắc, đã hoàn thành bổn phận xã hội và tận hưởng đầy đủ những niềm vui trần thế. Dù là một con chiên ngoan đạo, ông cũng nhẹ nhàng bước qua những giáo lý nghiêm khắc để lấp đầy đời mình bằng phim ảnh, âm nhạc, hội hè và những điệu nhảy.

Bởi vậy, trong hình dung của Kirsten Johnson, thiên đường đối với cha cô là một bữa tiệc lấp lánh nên thơ. Ở đó, trên nền nhạc du dương, ông sẽ dìu người vợ quá cố của mình - người đã qua đời trước đó 7 năm vì bệnh Alzheimer, trong một điệu vũ dường như bất tận. Phân cảnh Dick khiêu vũ với vợ ở thiên đường có lẽ là thước phim đẹp đẽ và tinh khiết nhất trong tác phẩm này, khi trí tưởng tượng giúp con người xoa dịu những nỗi đau sâu thẳm trong tâm hồn.

Bên cạnh đó, óc sáng tạo của Johnson cũng giúp cha con cô đối diện với cái chết một cách thanh thản. Trong Dick Johnson is Dead, xen kẽ giữa những hoạt động đời thường của Dick là nhiều lần ông “chết giả”, dưới sự chỉ đạo của con gái. Đó là những tình huống được dàn dựng như một bộ phim, khắc họa sự ra đi của Dick vì nhiều tai nạn khác nhau, như ngã cầu thang hay bị vật nặng rơi trúng đầu khi đang đi bộ.

Tuy nhiên, những phân cảnh như thế không tạo cảm giác u ám hung gở, mà chứa đựng trong đó sự hài hước và bình tâm của con người khi đối diện với nỗi mất mát khôn cùng. Ta không thể né tránh hay khước từ cái chết, bởi nó là một phần tất yếu của cuộc sống. Chỉ khi thẳng thắn chấp nhận sự thật là ai rồi cũng chết, con người mới có thể tìm được lối thoát và chữa lành cho chính mình.

Bộ phim đem đến những hình dung kỳ ảo và thú vị về cuộc sống sau khi chết
Bộ phim đem đến những hình dung kỳ ảo và thú vị về cuộc sống sau khi chết

Nếu như những pha “chết hụt” của Dick Johnson đem đến tiếng cười nhẹ nhõm, thì những cuộc hội thoại xoay quanh cái chết trong phim lại là nốt trầm đầy day dứt. Ở đó, các nhân vật trải lòng về việc mất người thân, hay chứng kiến ai đó ra đi ngay trước mắt mình. Cái chết có thể tìm đến dưới nhiều cách thức khác nhau, như tuổi già, bệnh tật hay một tai nạn bất ngờ. Nhưng dù lý do là gì đi chăng nữa, thì nỗi đau của người ở lại luôn khó lòng nguôi ngoai.

Bản thân Dick Johnson và gia đình cũng đã trải qua không ít cuộc chia ly khó khăn. Ông mồ côi mẹ từ khi còn là một thiếu niên. Cách thời điểm quay phim 7 năm, vợ ông cũng qua đời vì bệnh Alzheimer. Dick nói rằng đó là “một lời từ biệt dài”, bởi căn bệnh quái ác đã hành hạ người vợ suốt nhiều năm trước khi tước đoạt bà khỏi vòng tay những người thân yêu. Bộ phim đã khơi gợi lại trong ông những ký ức về bà, những ký ức chẳng thể mờ phai mà luôn đong đầy cảm xúc.

Mặt khác, đối với Kirsten Johnson, tác phẩm này lại là cơ hội để cô lưu giữ và bất tử hóa những kỷ niệm về người cha đáng kính, người không chỉ là cha mà còn là bạn thân nhất của cô. Cô gửi gắm tình yêu của mình vào các vật thể và khung cảnh: Những trái cam tươi mọng nước còn nguyên trên cành, con thỏ bông, miếng bánh sô-cô-la ngọt ngào, những bãi biển sôi động đầy nắng, hay nhà thờ cổ kính trang nghiêm mà cả gia đình họ tìm đến mỗi dịp cuối tuần. Dường như hình bóng cha cô tồn tại ở khắp mọi nơi, gợi nhớ đến những tháng ngày hạnh phúc không thể nào quên.

Nhà làm phim Kirsten Johnson và cha, ông Charles Richard Johnson
Nhà làm phim Kirsten Johnson và cha, ông Charles Richard Johnson

Những hình ảnh đó cho thấy câu chuyện về "cái chết" của Dick Johnson không hề buồn bã, mà trái lại, nó luôn hài hước, tươi sáng và đầy ắp tinh thần lạc quan, như cách mà ông đã sống trong suốt gần 90 năm cuộc đời. Bộ phim nhỏ bé mà tuyệt đẹp này đã giúp ta hiểu rằng cuộc sống luôn lớn hơn cái chết, vì ta chỉ chết một lần nhưng lại có vô vàn cơ hội để sống trọn vẹn và kiếm tìm hạnh phúc.

Khi thực sự sống, ta sẽ nhận ra thiên đường chẳng ở đâu xa mà nằm ngay trên mặt đất này, như câu Dick Johnson nói với con gái: “Thiên đường của bố là ở đây”. Thiên đường chính là nơi ta được sống bên những người thân yêu, đồng hành cùng họ qua những thăng trầm, mất mát, đổi thay của cuộc đời. Dẫu cho điều gì xảy ra đi chăng nữa, mỗi người vẫn luôn giữ một mảnh của thiên đường trong tim mình, bằng tình yêu thuần khiết.

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI