Phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến: Hành trình tự do, hồn nhiên của nhân vật và đạo diễn

24/11/2020 - 18:45

PNO - Diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh cho biết “Màu cỏ úa” vẫn còn vài lỗi kỹ thuật nhưng không thành vấn đề khi bộ phim mang đến xúc cảm quá đầy đặn.

Trong hành trình 5 năm thực hiện bộ phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến, đạo diễn Lan Nguyên (sinh năm 1990) từng nhiều lần muốn bỏ cuộc vì nhiều lý do, trong đó, có lý do đến từ việc cô không được đào tạo qua trường lớp điện ảnh bài bản. Ở những lần muốn dừng lại, diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh cùng nhiều người khác đã động viên Lan Nguyên hoàn thành bộ phim đầu tay.

Phóng viên: Trong những lần Lan Nguyên gần như muốn bỏ cuộc, điều gì đã khiến chị liên tục động viên để Màu cỏ úa hoàn thành?

- Diễn viên, đạo diễn Hồng Ánh: Khi Lan Nguyên tìm đến, tôi ngạc nhiên vì không nghĩ có một bạn trẻ yêu nhạc của Trần Tiến và muốn làm bộ phim tài liệu về ông. Xung quanh tôi, từ thế hệ cha mẹ, thế hệ chúng tôi hay nhiều lớp trẻ khác, tôi không lạ khi tất cả say sưa với nhạc Trần Tiến, còn với Lan Nguyên, lạ ở chỗ là bạn muốn biến tình yêu âm nhạc trở nên có hình hài.

Trailer phim Màu cỏ úa:

Tôi hiểu làm bộ phim tài liệu hoàn toàn không dễ dàng, chưa kể làm phim về một nghệ sĩ tài năng và cá tính như nhạc sĩ Trần Tiến thì quá trình chắc chắn còn gian nan hơn. Khi Lan Nguyên muốn dừng lại, tôi nói với Lan Nguyên rằng khi bạn chọn bắt đầu thì phải đi đến kết thúc để nhạc sĩ Trần Tiến được xem bộ phim về mình.

Khi nói chuyện với Lan Nguyên, tôi nghĩ về mình ở giai đoạn mới vào nghề, cũng từng tìm đến những người anh, người chị đi trước để mong có được lời khuyên. Tôi nghĩ điều những người trẻ cần là được truyền lửa, truyền cho họ niềm tin rằng họ có thể làm được.

* Cụ thể với Màu cỏ úa, vai trò của chị như thế nào?

- Tôi góp ý về câu chuyện, hỗ trợ việc xin giấy phép, kiểm duyệt và tư vấn cách phát hành. Mỗi một chặng đường, Lan Nguyên đều có những người hỗ trợ, không chỉ riêng tôi. Đến khi phim ra rạp, khi thưởng thức trên màn ảnh rộng, bên cạnh bạn bè, đồng nghiệp, Màu cỏ úa cho tôi một cảm xúc rất khác, hạnh phúc, kỳ diệu mặc dù tôi đã xem bản nháp nhiều lần.

Trong phim, nhạc sĩ Trần Tiến nói nhiều về cuộc sống tại Vũng Tàu.
Trong phim, nhạc sĩ Trần Tiến nói nhiều về cuộc sống tại Vũng Tàu

* Trong Màu cỏ úa, sự non tay của đạo diễn Lan Nguyên là có thể thấy rõ ở một số góc máy, cảnh quay, chị đánh giá sao về chất lượng?

- Chắc chắn, đâu đó, Màu cỏ úa vẫn còn các lỗi liên quan đến kỹ thuật bởi Lan Nguyên chưa học qua trường lớp đào tạo. Nhưng, điều quan trọng nhất của phim tài liệu là chạm được đến xúc cảm của người xem và Màu cỏ úa làm tốt điều đó. Khán giả sẽ cảm thấy rưng rưng, xúc động trước những hình ảnh biết nói của phim.

Màu cỏ úa là một chuyến du ca của nhạc sĩ Trần Tiến với tinh thần tự do, ngẫu hứng, đầy hồn nhiên. Những câu chuyện, chia sẻ của chính nhạc sĩ hay những người bạn xuất hiện trong phim tạo nên xúc cảm đặc biệt. Ngoài hành trình của nhạc sĩ Trần Tiến, bạn sẽ thấy được một hành trình tự do, dũng cảm của một cô gái trẻ, là Lan Nguyên.

* Cách phát hành hạn chế của Màu cỏ úa phù hợp với thể loại tài liệu. Những bộ phim độc lập, có nên đi theo đường đi của Màu cỏ úa?

- Những bộ phim tài liệu như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong, Đoạn trường vinh hoa... luôn có đường đi đặc biệt để tiếp cận khán giả. Với Màu cỏ úa, cách phát hành cũng tương tự. Phim cần không gian nhỏ, ấm và dù ít suất chiếu nhưng “rơi” vào giờ vàng thì sẽ được giữ ở rạp lâu. Màu cỏ úa không thể phát hành đồng loạt ở các cụm rạp vì sẽ tốn kinh phí, không phù hợp, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Với những người trẻ làm nên bộ phim, tôi nghĩ họ cũng muốn bộ phim được phát hành theo đúng tính chất “du ca”, lặng thầm, tự do. Nhìn rộng ra, với những bộ phim mang đậm dấu ấn của tác giả như phim độc lập cũng cần một cách phát hành riêng, chắc chắn không thể ồ ạt như phim thương mại.

Diễn viên Hồng Ánh tại buổi ra mắt phim Màu cỏ úa.
Diễn viên Hồng Ánh tại buổi ra mắt phim Màu cỏ úa

* Sự xuất hiện của Lan Nguyên với Màu cỏ úa và những dự án đang được thực hiện bởi các gương mặt nữ, điện ảnh Việt liệu sẽ có những màn đổi ngôi đáng kỳ vọng?

- Có một thời gian, mọi người vẫn hay nói đùa rằng điện ảnh Việt đang rơi vào tình cảnh “âm thịnh, dương suy” khi số lượng nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên tạo được sự chú ý phần đông là nữ giới. Đây là tín hiệu vui cho nền điện ảnh của mọi quốc gia, không riêng Việt Nam.

Ở các nhà làm phim nữ, họ có sự kiên nhẫn, lỳ lợm với mọi thể loại, đề tài từ giải trí, bom tấn, hành động cho đến tài liệu... Bất kể tác phẩm nào có sự dấn thân của nữ giới đều đáng được trân trọng. Bây giờ, nếu tôi kêu gọi cộng đồng ủng hộ các dự án của họ thì hành động này có vẻ phân biệt giới tính. Tôi nghĩ cuộc đua ngoài rạp là một sân chơi công bằng cho tất cả. Sự xuất hiện của các dự án do nữ giới thực hiện hiện tại chỉ góp phần làm tăng thêm sự đa dạng cho điện ảnh Việt, không nên cho là quá đặc biệt.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Màu cỏ úa ghi lại hành trình nhạc sĩ Trần Tiến đi qua nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng... Bộ phim là lời tự sự về chiến tranh, về Hà Nội và về biển của nhạc sĩ. Phim ra mắt từ ngày 23/11 tại TPHCM và từ 30/11 tại Hà Nội.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI