Dịch bệnh Ebola: Họ chết để bệnh nhân được sống

07/08/2014 - 20:47

PNO - PNO – Đến ngày 7/8, virus Ebola đã gây ra cái chết của 392 người trong số hơn 1.700 người nhiễm bệnh. Trong cuộc chiến với dịch bệnh Ebola ở các nước Guiena, Sierra Leone, Liberia, Nigeria, khoảng 100 nhân viên y tế trở thành bệnh nhân.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Thậm chí một bệnh viện lớn ở thủ đô Monrovia (Liberia) đã phải đóng cửa vào ngày 6/8 sau khi giám đốc bệnh viện tử vong, cùng 6 nhân viên bị nhiễm bệnh. Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nigeria, ông Onyebuchi Chukwu xác nhận, một y tá của họ cũng tử vong vì Ebola. Nigeria vừa công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh Ebola.

Dich benh Ebola: Ho chet de benh nhan duoc song

Các nhân viên y tế tại một điểm chăm sóc ở ngoại ô Kenema, Sierra Leone- Ảnh: AP

Trong hoàn cảnh trang thiết bị còn nghèo nàn và cường độ làm việc liên tục, và tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh là 90%, nhân viên y tế càng dễ gặp nguy hiểm hơn hết. Ở Liberia, 15% những người đã chết vì virus Ebola là bác sĩ hay y tá. Theo số liệu của chính phủ Sierra Leone, với ít nhất 572 người tử vong vì Ebola, đã có 50 người là nhân viên của các bệnh viện.

Một số nơi là trọng điểm của ổ dịch như Liberia, đã xuất hiện việc nhân viên y tế sợ hãi, rời khỏi nhiệm sở. Nhưng có không ít người trong số họ vẫn vững vàng ở tuyến đầu. Cái chết của bác sĩ Sheik Umar Khan (39 tuổi) ở Sierra Leone vào ngày 29/7, là mất mất lớn của lĩnh vực nghiên cứu cách phòng tránh và điều trị Ebola. Ông là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm ứng phó với các loại virus ở khu vực Tây Phi, cũng là bác sĩ chuyên nghiên cứu về Ebola duy nhất ở Sierra Leone. Ông phụ trách chính, trực tiếp điều trị hàng trăm bệnh nhận nhiễm virus Ebola với sự kết hợp của Tổ chức Bác sĩ không biên giới thời gian qua.

Đáng chú ý, hồi đầu tháng Bảy, có ba y tá làm việc cùng bác sĩ Khan cũng thiệt mạng vì virus Ebola. Điều đó không làm bác sĩ Khan chùn bước. Tuần cuối cùng của cuộc đời khi biết mình đã nhiễm virus, ông vẫn tham gia phân tích mẫu máu, nỗ lực đến hơi thở cuối cùng để cống hiến cho y học. Các đồng nghiệp cùng làm việc với bác sĩ Khan đều tiếc nuối trước sự ra đi của ông: “Bác sĩ Khan bất chấp mọi rủi ro, đã tình nguyện thăm khám, động viên bệnh nhân và người nhà của họ”.

Dich benh Ebola: Ho chet de benh nhan duoc song

Bác sĩ Sheik Umar Khan- Ảnh: BBC

Bác sĩ Sheik Umar Khan không phải là người đầu tiên hiểu rõ về Ebola mà lại chết vì bệnh này. Trước đó, bác sĩ, chuyên gia người Liberia Samuel Brisbane cũng mắc phải virus này. Ông Samuel Brisbane từng là nhà tư vấn y tế cho cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor. Ông Samuel đã qua đời trước bác sĩ Khan vài ngày. Hồi tháng Sáu, trước khi nhiễm virus Ebola, bác sĩ Sheik Umar Khan từng trả lời phỏng vấn của Reuters: “Dù được trang bị rất kỹ nhưng chúng tôi vẫn đối mặt với rất nhiều rủi ro. Đó là công việc mà chúng tôi đã chọn. Điều quan tâm nhất là hạn chế tối đa hậu quả đối với các bệnh nhân”. Đó phải chăng là tuyên ngôn của đội ngũ nhân viên y tế hiện đang dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh Ebola.

Trong lúc tình hình như “dầu sôi lửa bỏng”, một bệnh viện ở Hamburg, Đức đã đồng ý nhận điều trị cho các ca nhiễm Ebola được chuyển đến từ các quốc gia Tây Phi theo yêu cầu WHO. Để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y, bác sĩ, các bệnh nhân được cách ly qua nhiều lớp, bác sĩ và y tá được trang bị các trang phục bảo hộ toàn thân kèm theo bình oxy.

Trước bất cứ dịch bệnh nào, nhân viên áo trắng là những người vì lợi ích cộng đồng trước nhất. Còn nhớ, đầu năm nay, khi dịch cúm gia cầm H7N9 hoành hành ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác, bác sĩ Zhang Xiaodong (31 tuổi) ở bệnh viện Pudong New Area People, Thượng Hải là người đầu tiên tử vong vì loại virus trên. Đồng nghiệp của bác sĩ này cho biết anh đã tình nguyện tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm H7N9 nặng và không ngại nguy cơ có thể xảy đến với mình.

THIÊN ANH (LA Times, Deutsche Welle, SCMP, Wall Street Journal)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI