Dẻo thơm bánh tét bắp

20/04/2023 - 19:38

PNO - Bắp được trồng khắp nơi nhưng bánh tét bắp lại gần như là đặc sản của vùng Đất Đỏ - quê hương của người nữ anh hùng Võ Thị Sáu.

Không ai nhớ rõ bánh tét bắp có từ bao giờ, do ai bày chế. Chỉ biết rằng từ rất lâu, trong tiềm thức của người dân Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu), bánh tét bắp là một thứ quà quê đặc sản mà bất cứ ai đi đâu xa cũng rưng rức nhớ về.

Bánh tét bắp là quà tặng đặc sản nổi tiếng của quê hương anh hùng Võ Thị Sáu (ảnh minh họa)
Bánh tét bắp là quà tặng đặc sản nổi tiếng của người dân Đất Đỏ (Ảnh minh họa)

Tháng Tư, khi những cơn mưa đầu mùa rớt hạt cũng là lúc những vườn bắp ở Đất Đỏ bước vào mùa thu hái.

Theo nhiều người dân, cây bắp có thể trồng được quanh năm nhưng mùa trái ngon và thích hợp để làm bánh tét bắp nhất là vào khoảng tháng Tư hoặc tháng Năm. Khi đó, các bà các cô sẽ tìm hái những trái bắp vàng mơ, đủ độ già để mang về nhà làm bánh.

Kinh nghiệm người dân cho thấy, nếu hái nhầm bắp non về làm bánh, khi bánh chín vỏ bánh sẽ không dẻo. Ngược lại, nếu hái nhầm bắp quá già mang về làm bột, khi bánh chín ăn sẽ thấy xảm, không còn thơm ngọt.

Những trái bắp vàng mơ thu hái, chọn lọc kỹ sẽ được bóc vỏ rửa sạch rồi bào nhỏ. Người làm bánh có thể dùng loại dao hai lưỡi chuyên bào xắt để bào bắp hoặc dùng lon sữa bò dát thẳng rồi đục lỗ làm bàn bào. Bắp sau khi xát sẽ được cho vào cối hoặc vào máy xay nhuyễn tạo ra thứ bột bắp sánh mịn. Vì bắp thơm và có vị ngọt nên người làm bánh sẽ cho thêm một ít muối vào bột làm bánh để gia tăng vị theo thói quen và sở thích.

Nhân bánh tét bắp không làm bằng thịt mà bằng đậu xanh nấu chín, quết nhuyễn. Người làm bánh có thể thêm hành lá, ít đường hoặc dừa bào sợi nhuyễn vào nhân. Ai muốn ăn béo có thể thêm một chút dầu hoặc mỡ thắng để tạo độ béo.

Vì sao không làm nhân mặn với nhiều “topping” như cách mọi người làm với bánh tét nếp? Theo các nghệ nhân, họ đã thử nhưng thấy vị bánh không ngon, rất khó ăn. Bánh tét bắp chỉ hợp với mỗi nhân đậu xanh.

Khi bột bánh đã xong, nhân đã xong là đến công đoạn gói bánh. Bánh tét bắp thường không gói đòn to mà chỉ gói kích cỡ roi roi như cái cườm tay. Lý giải cho điều này, nhiều người dân cho biết có lẽ do một phần từ xưa bánh tét bắp đã trở thành một món ăn có thể mang lên rẫy hay ra đồng. Người ta có thể dùng ăn sáng hoặc thưởng thức khi xế trưa, mỗi đòn vừa đủ 1 người ăn.

1 lớp lá, 1 lớp bột và thêm 1 lớp nhân cứ thế cuốn lại và cột bằng sợi dây chuối hoặc dây lạt chứ tuyệt đối không dùng dây ni lông. Bánh gói xong được cho vào nồi nấu, khoảng 2 tiếng thì bánh chín.

Đòn bánh tét bắp dẻo thơm còn là món ăn sáng quen thuộc của nhiều người dân quê tôi
Đòn bánh tét bắp dẻo thơm còn là món ăn sáng quen thuộc của nhiều người dân quê tôi

Bánh có thể ăn khi còn nóng nhưng ngon nhất là lúc bánh dịu nguội đi. Khi đó chiếc bánh sẽ vô cùng dẻo thơm, nổi bật với màu vàng của bánh và màu xanh của lá chuối. Sự hòa quyện của thứ vỏ bánh được làm bằng bột bắp với vị béo bùi của đậu xanh hòa cùng sợi dừa xay nhuyễn mang lại vị ngon đến khó cưỡng.

Thời tôi còn nhỏ, má hay làm bánh tét bắp để bán lòng vòng ở trong xóm. Có hôm tôi phụ má đội bánh đi bán mà trong lòng cứ mong bánh... ế, để được ăn bánh tét bắp thay cơm. Thời trẻ con, cứ thấy món gì ngọt ngọt, thơm thơm là lại mê chứ có biết suy nghĩ hay tính toán gì như người lớn đâu.

Sau này lên thành phố sinh sống, tôi đỏ mắt tìm kiếm vẫn không thấy ai bán bánh tét bắp. Có lẽ vì để làm ra 1 chiếc bánh bắp cũng cực khổ, nhiêu khê quá. Với lại, đâu dễ để tìm được những trái bắp độ vàng mơ, đủ già và phù hợp để gói bánh.

Cho nên, mỗi lần có ai về thăm quê hoặc ngang qua vùng Đất Đỏ, tôi đều nhờ tìm mua giúp tôi vài chục bánh. Khi đó tôi sẽ tha hồ được ăn bánh bắp và làm quà tặng đối tác, người quen như cốt chỉ để khoe một thứ đặc sản của quê hương.

Tháng Tư lại về, tôi bỗng nhớ vị bánh quê.

Trương Quốc Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI