Đêm trở mình nghe tiếng ngày xưa

10/08/2020 - 12:00

PNO - Hai người phụ nữ ấy đã đi qua hai cuộc chiến khốc liệt. Khi đất nước thống nhất, là thương binh, họ lại bươn chải làm ăn để nuôi sống gia đình. Giờ đây, ở tuổi 70 - 80 họ vẫn sống lạc quan, yêu đời, yêu người.

Khi Tổ quốc cần

Tôi tìm đến nhà bà Tám Mẽo (Chung Thị Mẽo) nữ thương binh 3/4 ở xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM vào một ngày tháng Bảy. Nắng rát mặt, bà Tám trùm khăn trên đầu, đội chiếc nón lá, cầm chiếc bình xịt, bước thấp bước cao. Tuổi 77, lưng đã còng, chân đã mỏi, nhưng tay quen làm nên ngày nào bà cũng nhổ cỏ, xới đất, chăm chút vườn tược.

Bà buông chiếc bình xịt, nắm tay khách kéo vô nhà. Chị Hạnh, cháu ngoại của bà, lẹ làng trải chiếu ra nền nhà để bà tiếp khách. Chị Hạnh nói, gần đây bà hay thức giấc giữa khuya, nước mắt chảy dài. Bà kể câu chuyện của 52 năm về trước: “Hồi ổng chết, tao đi kiếm xác ổng, mắt tao ráo hoảnh, ngực nặng như chì. Người ta trách, chồng chết mà sao nó bình tĩnh dữ. Nhưng khóc làm sao được hả con. Hai đứa nhỏ ở nhà, rồi còn anh chị em đồng đội cũng cần phải giữ bí mật. Theo cách mạng, vợ chồng tao đã xác định, chết không hối tiếc…”.

Dù sức khỏe đã yếu, nhưng mỗi ngày bà Tám Mẽo vẫn làm việc như một thói quen
Dù sức khỏe đã yếu, nhưng mỗi ngày bà Tám Mẽo vẫn làm việc như một thói quen

Gia đình bà Tám ở Tân Kiên, từ thời chống Pháp đã là nơi trú ẩn, hội họp, in truyền đơn của cách mạng. Mẹ của bà - bà Nguyễn Thị Chính - mỗi ngày quẩy đôi quang gánh ra chợ Đệm bán rau, nhưng thực chất là để chuyển tài liệu, truyền đơn cho cách mạng. 13 tuổi, bà Tám đã nối gót cha mẹ đi làm giao liên khắp vùng “vành đai đỏ” Bình Chánh. Năm 1963, bà nên duyên với ông Sáu Tùng, cũng là một chiến sĩ cách mạng.

Đến tháng 6/1968, ông Sáu Tùng bị trúng đạn khi đi công tác. Trên đường đưa ông về nơi an toàn thì ghe tải thương lại bị pháo kích khiến ông hy sinh. Bà Tám cùng đồng đội phải mất bốn ngày ròng rã mới tìm được thi thể chồng. Vài tuần sau đó, những đồng đội chí cốt của ông cũng lần lượt hy sinh. Bà Tám bị bắt và bị cầm tù mấy lượt. Ra tù, bà lại làm liên lạc và bị thương năm 1973... 

Ngày đất nước thống nhất, bà Tám được phân công giữ chức Trưởng công an xã Tân Kiên. Không chịu được cảnh phải bỏ con để đi học nâng cao trình độ nghiệp vụ liên miên nên bà xin cấp trên: “Khi Tổ quốc gọi thì tui lên đường. Hòa bình rồi cho tui về với đất để làm ruộng nuôi con”. Một thời gian sau, bà được về với vườn tược, cấy lúa, tát cá, nuôi gà vịt cho mãi gần đây khi chân cẳng đã yếu. 

“Hai đứa con gái học may ra nghề cũng ổn định. Năm đứa cháu ngoại, đứa đi làm nhà nước, đứa còn đi học, cuộc sống bình dị vậy ổn rồi”, bà Tám đúc kết. 

Ra đi không tiếc đời xanh

Căn nhà của nữ thương binh 3/4 Hai Tuyết (Nguyễn Thị Tuyết, 72 tuổi) ở khu phố 4, P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM đã xuống cấp. Trong nhà, duy chỉ gian thờ là lành lặn, còn lại chỗ nào cũng có thau hứng nước. Ba chiếc bàn thờ nằm cạnh nhau là của cha bà Hai Tuyết - liệt sĩ Trương Văn Dốn, mẹ của bà - Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Bay, và cậu em trai duy nhất Lê Văn Tùng. “May mà dì còn sống để lo thờ cúng” - bà Hai Tuyết mở đầu câu chuyện. 

Cuộc đời bà Hai Tuyết là chuỗi ngày dài không ngơi nghỉ. Năm bà được bốn tuổi thì cha hy sinh. Mẹ của bà - bà Năm Trầu - đã dành cả tuổi trẻ đi đào chiến hào, trồng khoai sắn, vun vén cơm rau nuôi bộ đội. Bảy tuổi, bà Hai Tuyết bắt đầu đi bán bắp luộc, mía ghim. Năm 12 tuổi, bà được các cô chú cán bộ đón vào căn cứ Trung ương Cục miền Nam cho học cứu thương, y tá, rồi y sĩ và công tác tại Đoàn Hậu cần 84 trải qua những ngày dài mưa bom, bão đạn.

Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM - thăm và nghe dì Hai Tuyết tâm sự
Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN TP.HCM - thăm và nghe dì Hai Tuyết tâm sự

Nghĩ về những ngày cũ, bà thổ lộ: “Cứ nghĩ, chừng nào chiến tranh kết thúc thì cuộc sống sẽ trở lại như xưa. Nhưng khi đã trải qua lằn ranh sinh - tử, mới biết không một điều gì có thể trở lại như xưa cả. Cuộc đời vẫn tiếp diễn, nhưng nỗi nhớ niềm thương đồng đội luôn giày vò tâm can”. Nước mắt bà Hai Tuyết ngân ngấn trên khóe mắt.  

Hòa bình về, “ra khỏi rừng” bà mới hay, mẹ mình bị địch bắt giam cầm đến hai lần, nhà cửa bị cháy rụi, cậu em trai út hoạt động nội thành cũng hy sinh. Năm 1981, bà chuyển về làm Trưởng trạm y tế Công ty Dệt Phước Long gần nhà. Vợ chồng bà nên duyên trong căn cứ và có bốn người con. Đồng lương không đủ nuôi con nên tan ca là bà đạp xe lên Tân Bình lấy nước mắm về bán. Vài năm sau, bà học thêm chuyên ngành sản khoa và về mở một phòng khám nhỏ. 

Đến nay, con bà đều đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học; các cháu nội, ngoại cũng học hành giỏi giang. Dù về hưu, nhưng bà không nghỉ mà nhận trọng trách bí thư chi bộ kiêm chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khu phố 4, P.Phước Long B và hết lòng chăm lo cho phụ nữ, trẻ em nghèo. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI