"Cột mốc sống" nơi miền biên ải

10/08/2020 - 06:38

PNO - Ngoài cột mốc bê tông ở ngoài kia thì chủ nhân của những ngôi nhà này chính là những “cột mốc sống” đánh dấu chủ quyền cương thổ quốc gia.

Nhận những món quà mừng tân gia bao gồm các vật dụng thiết yếu, ảnh Bác Hồ và cờ Tổ quốc, chủ nhân của 10 căn nhà mới cảm thấy vinh dự, tự hào. Ngoài cột mốc bê tông ở ngoài kia thì chủ nhân của những ngôi nhà này chính là những “cột mốc sống” đánh dấu chủ quyền cương thổ quốc gia.

10 căn nhà được xây dọc tuyến đường tuần tra biên giới khu vực Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, nằm trong cụm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thái Bình Trung, H.Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, mỗi căn rộng hơn 100m2, tường gạch, nền gạch men, mái tôn có la phông, phòng khách, 2 phòng ngủ, nhà bếp, điện nước và công trình phụ.

Đi ra, đi vào, nhìn ngắm ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, ông Đỗ Văn Quan, 59 tuổi, một trong 10 hộ dân, bộc bạch: "Cảm ơn chính quyền, cảm ơn Bộ Tư lệnh TP.HCM, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã giúp chúng tôi có nhà, có đất, yên ổn làm ăn, an cư lạc nghiệp".

Cụm dân cư góp phần giữ vững chủ quyền Tổ quốc
Cụm dân cư góp phần giữ vững chủ quyền Tổ quốc

Cả đời gắn bó nơi miền biên viễn, nắng mưa dãi dầu bên những cánh đồng ngút ngàn màu xanh của vùng bưng biền Đồng Tháp Mười nên khuôn mặt, làn da ông Quan trở nên đen sạm. Giọng nói của ông cũng hào sảng, đậm chất miền Tây. 

Năm 1982, ông Quan nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Đến năm 1985, xuất ngũ, ông không về quê hương Cần Đước mà chọn ở lại nơi miền biên giới, lập gia thất và lập nghiệp. Hai vợ chồng và hai đứa con đều làm nông. Ông Quan học thêm tiếng Campuchia để hằng ngày qua lại biên giới mua bán giao thương với người dân nước bạn.

“Từ đầu năm đến nay, dịch về, vùng biên đóng cửa, tôi thất nghiệp ở nhà, ai sai gì làm nấy. May mắn, gia đình tôi được chọn vào ở điểm dân cư này, có nhà, có đất, có ao phía sau nhà. Sau này tôi sẽ thả cá, nuôi vịt để cải thiện cuộc sống" - mắt người cựu binh ánh lên niềm tin. 

Kế nhà ông Quan là nhà bà Âu Thị Chung, 65 tuổi. Bà Chung bảo, mấy hôm nay, khi dọn về nhà mới, lòng bà chộn rộn khó tả. "Tôi sinh ra ở đây, nhưng không có đất. Căn nhà cũ nhỏ bé, ọp ẹp, nằm trên đường dẫn vào UBND xã hết sức chật chội cho 4 con người. Nay nhờ sự quan tâm của chính quyền, được ra ở chỗ rộng, thoáng mát, có đường, có điện, có nước máy kéo vào tận nhà, tôi vui mừng lắm" - bà Chung hồ hởi. 

Một dãy 10 căn nhà được xây mới quay ra con đường tuần tra biên giới được trải nhựa thẳng tắp nối từ Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đến trạm Biên phòng Long Khốt, đi về trung tâm xã Thái Bình Trung và nối liền với các khu dân cư hiện hữu. Toàn tuyến cũng đã được nối điện lưới quốc gia và nước sạch, hệ thống nước tưới tiêu đảm bảo cho việc chăn nuôi, trồng trọt của người dân. Mỗi căn nhà được xây dựng trên phần đất riêng của mỗi hộ gia đình.

Đây là những gia đình có nguyện vọng bám vùng biên để lao động sản xuất, phát triển kinh tế và cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Phía bên kia đường, khoảng 100m là cột mốc chủ quyền quốc gia cắm sâu vào lòng đất.

Vào ngày 6/8 vừa qua, nhà đã được bàn giao. Tổng kinh phí xây dựng cụm công trình lên đến 3 tỷ đồng, trong đó Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ 80 triệu đồng cho mỗi căn nhà, số còn lại do chính quyền địa phương hỗ trợ và các hộ gia đình đóng góp thêm. Ngoài nhà, mỗi hộ còn được cấp từ 2.000 - 5.000m2 đất sản xuất bảo đảm cho việc phát triển kinh tế và định cư lâu dài. 

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI