Đề xuất F0 đi làm trực tiếp: Có thể thực hiện nhưng không được chủ quan

07/03/2022 - 13:39

PNO - Liên quan tới đề xuất cho F0 đi làm, các chuyên gia cho rằng, chỉ nên áp dụng với các trường hợp bất đắc dĩ khi không có nhân lực thay thế.

 

Các chuyên gia khuyến cáo, nên để F0 ở nhà làm việc nếu bố trí được nhân lực
Các chuyên gia khuyến cáo, nên để F0 ở nhà làm việc nếu bố trí được nhân lực (ảnh minh họa)

Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất,  F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly 7 ngày, kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính được tự nguyện tham gia làm việc.

Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến. F0 không có triệu chứng có thể đi làm trong trường hợp di chuyển bằng phương tiện cá nhân, đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm “thông điệp 5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Về vấn đề này, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, nếu cơ quan đủ người thay thế thì không nên để F0 đi làm để an tâm.

Tuy nhiên, trong điều kiện thiếu nhân lực trầm trọng, cơ quan không có người thay thế, F0 thể nhẹ tự nguyện đi làm thì cần bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các biện pháp phòng dịch. Cần đảm bảo công việc của F0 độc lập, một người một phòng hoặc khu làm việc có khoảng cách giữa mọi người xung quanh.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, chỉ nên áp dụng cho F0 đi làm với một số ngành nghề, vị trí công việc cụ thể, chứ không phải tất cả mọi F0. Khi đi làm, cần tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan bởi có thể tiếp tục gây ra chuỗi lây nhiễm. "Chỉ 1 F0 có thể lây bệnh, làm cả cơ quan trở thành F0 sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lao động", ông nhấn mạnh.

Với các trường hợp F1, Bộ Y tế đề xuất người tiêm đủ 2 mũi có thể di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm “thông điệp 5K”, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm. 

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, các trường hợp này cần tuyệt đối tuân thủ quy định nêu trên, giữ khoảng cách cho những người xung quanh. Trong suốt thời gian làm việc, F1 phải luôn theo dõi sức khỏe của mình, kiểm tra để phát hiện kịp thời khi trở thành F0.

Việt Nam đang từng bước ứng phó và tiến tới xem COVID-19 như một bệnh thông thường. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng. Bộ Y tế nhận định, chưa thể xem đây là một bệnh giống như một số căn bệnh truyền nhiễm khác, bởi tỷ lệ tử vong vẫn đang ở mức cao. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, đề xuất F1, F0 đi làm cần dựa trên tính cần thiết, đặc thù của các vị trí, công việc, đồng thời thực hiện một cách nghiêm túc, không thả nổi bởi có thể gây mất kiểm soát, quá tải hệ thống y tế tại địa phương.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI