Để học sinh ngủ quên trong phòng thi: Giám thị cứng nhắc đến vô cảm!

03/08/2022 - 21:24

PNO - Trước sự việc giám thị mặc kệ thí sinh ngủ trong phòng thi dẫn đến rớt tốt nghiệp, nhiều giáo viên cho rằng giám thị cứng nhắc đến vô cảm.

Ngày 3/8, ông Phạm Việt Hưng - Trưởng điểm thi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) - xác nhận thông tin một thí sinh tại điểm thi ngủ quên trong phòng thi nên bị điểm 0 (điểm liệt) môn tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Ông Hưng cho rằng theo quy chế, giáo viên coi thi chỉ có thể nhắc nhở chung, không thể nhắc riêng từng thí sinh trong phòng thi. Theo quy định, khi còn 15 phút nữa hết giờ, cán bộ coi thi thông báo cho cả phòng thi. Sau đó, 5 phút trước khi hết giờ, cán bộ coi thi yêu cầu thí sinh kiểm tra lại bài, số báo danh, mã đề và được phép nhắc nhở 2 lần.

Điểm thi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển nơi xảy ra sự việc.
Điểm thi Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển nơi xảy ra sự việc

Thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) bày tỏ sự tiếc nuối đối với trường hợp học sinh nêu trên và cho rằng cách trả lời của trưởng điểm thi hết sức vô cảm, thiếu trách nhiệm. Vì nhiệm vụ coi thi của cán bộ là giám sát học sinh làm bài để chống tiêu cực chứ không phải đi canh cho học sinh ngủ. 2 cán bộ coi thi trong phòng thi phải thường xuyên quan sát để phát hiện những sự việc bất thường, mà việc 1 học sinh ngủ quá lâu trong phòng thi là trường hợp bất thường. Trong phòng thi, bất kỳ trường hợp bất thường nào, như mưa dột, nắng chói vào mặt học sinh, gió thổi bay bài thi, học sinh ngủ trong lớp... đều phải được giám thị quan sát, phát hiện và giải quyết kịp thời. Nếu cán bộ coi thi thấy xử lý không được phải báo ngay cho trưởng điểm thi xử lý.

Theo thầy Phú, học sinh gục xuống bàn có rất nhiều tình huống xảy ra, như: cúi đầu nghe thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử, mệt quá đuối sức, hạ đường huyết, sốt cao, trúng gió, hôn mê, đột quỵ hoặc thậm chí tử vong. Cho nên, để hiện tượng đó xảy ra quá lâu, phải nói đây là sự thiếu trách nhiệm rất lớn của 2 cán bộ coi thi, chứ không thể nói là làm đúng. Bộ GD-ĐT yêu cầu không được nhắc học sinh là không nhắc cách làm bài thi, không phải là không được nhắc nhở để đảm bảo tiến trình làm bài. Nếu học sinh quá buồn ngủ có thể yêu cầu rửa mặt, bị sốt thì đưa đến phòng y tế, hoặc bệnh quá nặng phải chở đến bệnh viện. Không thể nói kiểu học sinh mệt nhưng giám thị không được đụng vào học sinh.

Điểm các môn khác của thí sinh này khá cao
Điểm các môn khác của thí sinh này khá cao

“Nói kiểu đó rất vô cảm, cứng nhắc. Nếu tình huống một học sinh bị rối loạn tiêu hóa ói đầy ra phòng thi thì cũng để vậy luôn không được đụng vào hay sao? Hoặc nếu tình huống xấu nhất là học sinh gục đầu tử vong thì sự việc sẽ đi đến đâu? Nói rằng giám thị tưởng học sinh làm bài xong rồi cũng là thiếu trách nhiệm.

Theo quy định, trước 15 phút và trước 5 phút hết giờ thi, giám thị phải đi 1 vòng để quan sát học sinh đã tô mã đề, tô số báo danh chính xác chưa. Giám thị không được chỉ bài học sinh nhưng có quyền chỉ ra các điểm kỹ thuật chưa đúng trên bài thi để nhắc học sinh. Đó là quyền và nghĩa vụ của giám thị. Chứ nói rằng không được đụng học sinh, không được nói với học sinh, không được ồn ào là sai. Như vậy mướn 1 robot và 1 máy ghi hình vào coi thi cũng được chứ không cần con người!

Cách trả lời của trưởng điểm thi cho rằng đúng quy trình, nhưng tôi cho rằng quy trình đó chưa hợp tình, chưa làm hết trách nhiệm. Phải nhìn nhận lỗi trước hết là của học sinh và em đã phải nhận hậu quả là rớt tốt nghiệp. Nhưng tôi chia sẻ để những cán bộ coi thi và lãnh đạo điểm thi của những năm kế tiếp, chúng ta không nên cứng nhắc đến mức vô tình. Trong giáo dục rất sợ những kiểu cứng nhắc vô tình như vậy.

Trong phòng thi, bất cứ hành động nào của học sinh như gục, ngủ, sốt, ho nhiều cũng phải quan sát, có biện pháp xử lý. Khi giám thị không xử lý được phải báo với lãnh đạo điểm thi. Chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho những lần sau để tránh trường hợp đáng tiếc như vậy” - thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhà giáo ưu tú Trần Đức Huyên - Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (tỉnh Đắk Lắk) cho rằng: “Với kinh nghiệm hàng chục năm coi thi, tôi rất tiếc về sự việc xảy ra tại điểm thi ở Cà Mau. Có thể do giáo viên coi thi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm và muốn đảm bảo an toàn cho bản thân.

Thực tế, với trường hợp này, giám thị nhắc học sinh cũng không sai và nếu mặc kệ học sinh thì cũng không vi phạm quy chế. Tuy nhiên, với cái tâm của người thầy, trong trường hợp học sinh gục đầu xuống bàn, chỉ một cái vỗ vai nhắc nhở của thầy giáo cũng có thể giúp được học sinh rất nhiều ở thời điểm cần thiết. Nếu quá cứng nhắc để bảo toàn cho bản thân, chúng ta vô tình để xảy ra sự việc rất đáng tiếc cho con đường học tập, thậm chí cả tương lai của một học sinh”.

Theo thầy Lê Chí Nguyễn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển, nam sinh ngủ quên là học sinh giỏi 3 năm liền và nằm trong đội tuyển môn Vật lí của trường. Tổng điểm các môn thi của em là 41,8. Trong đó, Toán 8,8, Ngữ văn 7,75, Vật lí 9,5, Hóa học 9, Sinh học 6,75 và cuối cùng là môn tiếng Anh 0 điểm. Điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 của học sinh này đạt 8,6 và các thầy cô đều đánh giá em dư sức đậu tốt nghiệp và đại học.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI