Đấu giá đất hơn 1.300 tỷ đồng rồi... nằm chờ chết

07/03/2020 - 08:32

PNO - Mua tài sản thông qua đấu giá được xem là hình thức giao dịch minh bạch, nhưng một doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ “chết đứng” sau khi bỏ ra hơn 1.300 tỷ đồng để mua đấu giá 243.912m2 đất.

Chết đứng vì họa từ trên “trời” rơi xuống 

Trong đơn gửi Báo Phụ Nữ TP.HCM, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh (Công ty Kim Oanh) phản ánh, khoảng giữa năm 2017, công ty (khi đó có tên là Công ty Xây dựng A Đông Hải) nhận được thông tin: Công ty cổ phần Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) tổ chức bán đấu giá 243.912m2 đất dự án khu dân cư Hòa Lân ở P.Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá khởi điểm 963 tỷ đồng. Tài sản này trước đây thuộc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) nhưng sau đó mất khả năng thanh toán. 

Sau khi nộp hồ sơ tham gia đấu giá, ngày 25/5/2017, công ty đã vượt qua hai đơn vị khác cùng tham gia và chính thức trúng đấu giá tài sản trên, với giá 1.353 tỷ đồng. Ngày 1/7/2017, công ty được bên bán đấu giá bàn giao toàn bộ diện tích dự án khu dân cư Hòa Lân là 490.765,1m2, trong đó có 246.765,1m2 đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất. 

Sau gần ba năm trúng đấu giá, doanh nghiệp vẫn không thể làm gì với khu đất
Sau gần ba năm trúng đấu giá, doanh nghiệp vẫn không thể làm gì với khu đất

Cứ tưởng việc mua đất thông qua đấu giá công khai minh bạch sẽ được đảm bảo quyền lợi, không ngờ, thực tế không phải vậy. Sau khi nhận đất, phía Công ty Kim Oanh phát hiện, khu đất này đang có hàng loạt vướng mắc. Qua đo đạc của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, diện tích thực tế của dự án “bốc hơi” mất 8.452m2 đất so với diện tích đấu giá; dự án vẫn còn hơn 10 hộ kinh doanh chưa trả mặt bằng; 15 hộ dân còn khiếu kiện yêu cầu trả lại đất hoặc bồi thường tái định cư. Do đó, Công ty Kim Oanh chỉ thanh toán trước 847,8 tỷ đồng và yêu cầu Agribank Chợ Lớn xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan mới thanh toán hết. 

Thế nhưng, gần một năm rưỡi sau, phía Agribank Chợ Lớn vẫn chưa xử lý xong khiến Công ty Kim Oanh ôm đất nhưng không thể làm gì được do UBND tỉnh Bình Dương không chịu phê duyệt dự án. Lúc này, Thanh tra Bộ Tư pháp bất ngờ thanh tra dự án do có thông tin khiếu nại dự án bán đấu giá không tuân thủ quy định pháp luật. Thế nhưng, kết quả thanh tra cho thấy, quá trình bán đấu giá của dự án cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật. Riêng trường hợp đơn vị trúng đấu giá chưa thanh toán đủ tiền là thực hiện chưa đúng quy định, nhưng Thanh tra Bộ Tư pháp xác định, vụ việc có phần trách nhiệm của Agribank Chợ Lớn. 

Ngày 15/3/2019, Công ty Kim Oanh đồng ý thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, đồng thời bỏ ra gần 48 tỷ đồng đền bù cho người dân trước đây bị giải tỏa nhưng chưa được bồi thường; bỏ ra thêm gần 100 tỷ đồng hỗ trợ cho các hộ dân đang sống trên dự án nhưng không có giấy tờ pháp lý về nhà đất... 

Cứ tưởng mọi chuyện đã xong, nhưng khi công ty nộp đơn xin UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt dự án, vẫn tiếp tục bị lắc đầu. Lý do là, Công ty Thiên Phú (chủ đầu tư cũ của dự án) đã nộp đơn khởi kiện đơn vị bán đấu giá. “Gần ba năm qua, công ty bỏ ra rất nhiều tiền nhưng đất không được sang tên, dự án không thể thực hiện, khiến chúng tôi vô cùng khổ sở, ảnh hưởng đến sự sống còn của doanh nghiệp. Hiện công ty ước tính thiệt hại gần 80 tỷ đồng, trong khi lỗi này không phải do chúng tôi gây ra” - bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh, nói.    

Dấu hiệu khuất tất từ tòa án

Sau khi Thanh tra Bộ Tư pháp không đồng ý hủy kết quả bán đấu giá, khoảng đầu năm 2019, Công ty Thiên Phú đã chuyển sang khởi kiện đơn vị bán đấu giá là Công ty Nam Sài Gòn tại Tòa án nhân dân (TAND) Q.7, TP.HCM. Công ty Kim Oanh không liên quan nhưng vụ kiện tiếp tục kéo doanh nghiệp này vào vòng khổ sở. 

Sau khi tiếp nhận vụ kiện, TAND Q.7 đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm giao dịch, chuyển nhượng dự án. Từ đó, một lần nữa, UBND tỉnh Bình Dương từ chối cấp giấy chứng nhận đầu tư cho đơn vị trúng đấu giá. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều vấn đề khuất tất trong cách thực hiện của TAND Q.7. Cụ thể, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND Q.7 yêu cầu “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” và “cấm chuyển dịch quyền về tài sản dưới mọi hình thức đối với các tài sản là quyền sử dụng đất thuộc dự án khu dân cư Hòa Lân có diện tích 490.765,1m2”. 

Trong khi đó, diện tích tài sản liên quan đến hợp đồng bán đấu giá mà các bên đang tranh chấp chỉ có 243.912m2, số còn lại là đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất nhưng vẫn bị TAND Q.7 phong tỏa. Quyết định này của TAND Q.7 cũng có dấu hiệu vượt quá phạm vi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bị đơn. Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay dự án vẫn chưa hoàn tất thủ tục đăng ký đất đai đối với quyền sử dụng đất cho đơn vị trúng đấu giá. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn đang đứng tên của Công ty Thiên Phú. 

Theo luật sư Nguyễn Trường (Đoàn Luật sư TP.HCM), điều 121, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp...”. Do đó, nếu dự án vẫn chưa đăng ký biến động, sang tên cho đơn vị trúng đấu giá thì Công ty Kim Oanh chưa thể được xem là chủ nhân của dự án trên, không thể mua bán dự án. Nên trong trường hợp này, TAND Q.7 có dấu hiệu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đúng quy định. 

Ngoài ra, đơn khởi kiện ngày 14/2/2019 của Công ty Thiên Phú yêu cầu: “Tuyên hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017 được công chứng tại Văn phòng Công chứng Thành phố mới Bình Dương vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật”. Thế nhưng không hiểu sao, trong các thông báo thụ lý vụ án, TAND Q.7 luôn ghi là thụ lý “hợp đồng bán đấu giá”, không đúng theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bởi đây là hợp đồng ký ngày 17/6/2015 giữa Agribank Chợ Lớn và Công ty Nam Sài Gòn (trụ sở tại Q.7).

Theo luật sư Đoàn Việt Thắng (Đoàn Luật sư tỉnh Ninh Thuận), trong trường hợp trên, nếu xác định quan hệ pháp luật tranh chấp là “hợp đồng bán đấu giá” thì TAND Q.7 đủ điều kiện thụ lý vụ án do bị đơn là Công ty Nam Sài Gòn có trụ sở ở Q.7. Nếu xác định vụ việc tranh chấp là “hợp đồng mua bán tài sản đấu giá” thì vụ án phải chuyển về TAND thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương thụ lý vì theo quy định tại điều 39, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, “đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

Phải chăng, TAND Q.7 muốn “lái” vụ kiện sang nội dung khác để được thụ lý vụ án?  

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo làm rõ 

Theo ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Agribank Việt Nam - vừa qua, ngân hàng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Trong văn bản, ngân hàng đã nêu rõ toàn bộ diễn biến vụ việc. Việc Công ty Thiên Phú gửi đơn khởi kiện tại TAND Q.7 và tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch dự án dưới mọi hình thức là không đúng Chỉ thị số 32/CT ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 06/CT ngày 20/7/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên trúng đấu giá cũng như quá trình thu hồi và xử lý nợ xấu của ngân hàng. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để xử lý dứt điểm vụ việc.

Phong Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI