Đau đầu vì du khách quá… đông

25/05/2024 - 05:59

PNO - Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), ngành du lịch thế giới dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024, với lượng du khách toàn cầu vượt mức trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, một số quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề bùng nổ du lịch quá mức.

Ùn ùn du khách

Quá trình phục hồi ngành du lịch sau đại dịch diễn ra không đồng đều ở các khu vực khác nhau. Nhìn chung, khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển du lịch, lữ hành. Các nền kinh tế có thu nhập cao tiếp tục dẫn đầu danh sách điểm đến hấp dẫn du khách của WEF. Trong đó, Mỹ, Tây Ban Nha và Nhật Bản lần lượt giữ 3 vị trí đầu bảng xếp hạng.

Theo báo cáo của WEF, sự hồi phục này nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, thị trường lao động năng động, chính sách du lịch cởi mở và cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện. Về việc Nhật Bản lọt vào tốp 3, ông Andreas Hardeman - người đứng đầu bộ phận phân tích ngành hàng không, lữ hành và du lịch tại WEF - cho biết: “Nhật Bản có cơ sở hạ tầng giao thông và tiện ích mặt đất tuyệt vời. Đó là một nơi rất an toàn để đi du lịch. Mặt khác, thị trường du lịch Nhật Bản cũng trở nên cạnh tranh hơn do đồng yên giảm giá. Điều đó có nghĩa là việc đi lại và mua sắm tại đây ngày càng trở nên phù hợp hơn với túi tiền của du khách nước ngoài”.

Một công nhân lắp đặt rào chắn bằng lưới để chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ (Nhật Bản) từ một cửa hàng tiện lợi ở tỉnh Yamanashi - Nguồn ảnh: AFP
Một công nhân lắp đặt rào chắn bằng lưới để chặn tầm nhìn ra núi Phú Sĩ (Nhật Bản) từ một cửa hàng tiện lợi ở tỉnh Yamanashi - Nguồn ảnh: AFP

Tuy nhiên, khi tình trạng quá tải du lịch trở nên tồi tệ hơn, những nỗ lực điều chỉnh của Nhật Bản đang dần mở rộng. Ngày 21/5, thị trấn Fujikawaguchiko ở Nhật Bản đã lắp hàng rào lưới lớn tại một cửa hàng tiện lợi - nơi được coi là điểm rất đẹp để ngắm ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng.

Người dân thị trấn đã chán ngán cảnh dòng người (chủ yếu là du khách nước ngoài) xả rác, xâm phạm tài sản riêng tư và vi phạm luật giao thông để tìm kiếm một bức ảnh đẹp nhằm chia sẻ trên mạng xã hội. Kikue Katsumata - 73 tuổi, cư dân lâu năm của thị trấn - cho biết: “Tôi thực sự vui khi người nước ngoài đến thị trấn của chúng tôi. Dù vậy, đoạn đường tại địa điểm chụp ảnh phía trước cửa hàng tiện lợi Lawson hơi hẹp và việc mọi người lao sang đường thay vì sử dụng vạch kẻ dành cho người đi bộ có thể khá nguy hiểm”.

Tháng 3 và tháng 4/2024 ghi nhận kỷ lục về số lượng du khách đến Nhật Bản. Tại cố đô Kyoto của Nhật Bản, người dân địa phương phàn nàn về việc du khách quấy rối các nghệ nhân geisha nổi tiếng của thành phố. Những người đi bộ đường dài sử dụng tuyến đường phổ biến nhất để leo núi Phú Sĩ vào mùa hè này đã bị buộc phải trả 2.000 yên (13 USD) mỗi người, với số lượng người tham gia giới hạn ở mức 4.000 để giảm bớt tắc nghẽn.

Áp lực lên người dân địa phương

Khi mùa du lịch nóng lên, những người Tây Ban Nha ở Málaga đã đổ ra đường phố với những khẩu hiệu: “Nơi này từng là nhà của tôi” và “Tránh xa khỏi nhà của tôi”. Ở Tenerife - hòn đảo nổi tiếng nhất thuộc quần đảo Canary - hàng ngàn người biểu tình giương cao biểu ngữ “Chúng tôi không muốn thấy hòn đảo của mình chết dần”. Họ kêu gọi chính quyền chặn bớt lượng khách du lịch và đề ra mô hình du lịch bền vững hơn. Ở Barcelona, ​​cư dân khu phố La Salut quá chán cảnh không thể về nhà trên xe buýt số 116 vì nó luôn chật cứng du khách đến thăm công viên Güell. Họ đã vận động thành công hội đồng thành phố trong việc loại bỏ tuyến đường này khỏi bản đồ của Google và Apple.

Ngày càng có nhiều căn hộ tại Tây Ban Nha biến thành nơi lưu trú cho du khách. Điều này giúp chủ nhà kiếm được nhiều tiền hơn nhưng lại dẫn đến việc người dân địa phương khó có thể thuê nhà. Ngoài ra còn có xu hướng chuyển đổi các cửa hàng và quán bar nhỏ thành những căn hộ cho khách du lịch. Năm 2023, Tây Ban Nha đạt con số kỷ lục 85,3 triệu du khách quốc tế, dự báo sẽ tăng lên 100 triệu vào năm 2024.

Venice (Ý) và Amsterdam (Hà Lan) hiện đang kiểm soát lượng du khách bằng nhiều biện pháp khác nhau. Vào tháng 4/2024, Venice bắt đầu thử nghiệm thu phí 5 euro với những du khách đến thăm thành phố trong ngày. Trước đó, vào năm 2020, Amsterdam đã tham gia danh sách các điểm đến tính phí tham quan đối với du khách vãng lai, bao gồm Paris, Malta và Cancun. Dù vậy, việc tìm kiếm sự cân bằng hợp lý giữa bảo vệ di sản, môi trường, mong muốn của người dân địa phương với phát triển kinh tế du lịch là bài toán không dễ dàng.

Tấn Vĩ (theo CNA, China Daily, Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI