Đất sụt, nhà lún nứt, dân sợ hãi vì không biết nguyên nhân

02/05/2022 - 07:04

PNO - Hơn một năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã miền núi tỉnh Nghệ An phải sống trong cảnh lo âu, sợ hãi khi hàng loạt “hố tử thần” xuất hiện, giếng nước cạn khô và giờ đây là hàng trăm nhà dân, trường học, ủy ban… bị nứt toác, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Hố tử thần sâu gần 3m xuất hiện ngay trước nhà anh Thắm - ẢNH: PHAN NGỌC
Hố tử thần sâu gần 3m xuất hiện ngay trước nhà anh Thắm - Ảnh: Phan Ngọc

Giếng đào trơ đáy, giếng khoan nước cũng không còn

Chỉ tay vào đám cỏ mọc um tùm ở phía sau nhà, ông Trịnh Văn Tùng, ở bản Poòng, xã Châu Hồng, H.Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, cho biết khu vực này trước đây là giếng nước sinh hoạt của gia đình. Ba năm trước, giếng cạn nước, gia đình ông đã đào sâu thêm gần chục mét nhưng vẫn không có nước nên đành lấp lại.

Nguồn nước sinh hoạt không còn, trong khi nhà lại cách suối gần 5km, nên ông Tùng đành phải xây bể chứa để hứng nước mưa. Nhưng lượng nước chứa trong bể cũng chẳng ăn thua gì khi trời nắng kéo dài. Đó cũng là tình trạng chung của hàng trăm hộ dân ở xã Châu Hồng trong nhiều năm qua. 

Không chỉ giếng đào mà hàng loạt giếng nước khoan cũng bị mất nước. Người dân địa phương cho biết, tình trạng này xuất hiện vào năm 2019, sau khi xuất hiện một số hố sụt lún. Sau khi giếng cạn trơ đáy, nhà nào cũng thuê thợ về thăm dò khoan giếng mới hoặc đào sâu thêm giếng cũ, nhưng đều không có kết quả. Thế là dân buộc phải dùng can, chậu ra suối cách làng gần 5km lấy nước về sử dụng.

Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng - cho biết, nhân dân xã đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Từ năm 2019 đến nay, toàn xã có 279 giếng sinh hoạt đã cạn khô đáy. Tại Trường mầm non xã Châu Hồng, do giếng nước của trường bị khô cạn nên nhà trường phải huy động nguồn nước từ phụ huynh dù nước trong dân cũng khan hiếm. Thế là hằng ngày, mỗi phụ huynh phải mang theo một can nước mỗi khi đưa con đến trường để con uống và sử dụng. 

Ông Lô Văn Minh, trú bản Na Hiêng, xã Châu Hồng, bảo rằng từ ngày lập bản đến nay, chưa bao giờ lại xuất hiện tình trạng khô hạn như vậy. Theo ông Minh, nguyên nhân có thể là do hoạt động khai thác quặng thiếc trên địa bàn. “Họ phải đào sâu xuống lòng đất và hút hết nước mới khai thác được quặng; hoặc phải hút thật nhiều nước để đãi rửa quặng, khiến nguồn nước bị cạn” - ông Minh nói.

Ông Hóa cho biết, xã đã kiến nghị huyện sớm có biện pháp để hỗ trợ người dân. Trước mắt, chúng tôi sẽ kêu gọi nguồn kinh phí lắp ống dẫn nước từ suối về các bể chứa.

Đất sụt, nhà nức toác

Gần hai năm qua, trên địa bàn xã Châu Hồng xuất hiện 13 hố sụt lún, đường kính từ 2,5 - 7m, chiều sâu 1,5 - 2,5m. Cho đến nay, anh Lương Văn Thắm, trú bản Na Noong, vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại khoảnh khắc một khoảng sân trước nhà sập xuống vào ngày 15/10/2021.

Anh kể, trưa hôm đó anh cùng các con đang ngồi chơi ở trong sân nhà thì bất ngờ nghe tiếng động lớn. Sau đó, trên nền sân có nhiều vết nứt. Gỡ lớp xi măng bị nứt trên mặt ra, anh Thắm phát hiện một hố sâu gần 3m, rộng 6m. Sợ “hố tử thần” lan rộng sẽ lấn sâu vào móng nhà, anh Thắm phải đưa vợ con sang nhà người thân ở nhờ một thời gian.

Nhiều ngôi nhà xuất hiện các vết nứt lớn chạy dọc giữa nền nhà - ẢNH: PHAN NGỌC
Nhiều ngôi nhà xuất hiện các vết nứt lớn chạy dọc giữa nền nhà - Ảnh: Phan Ngọc

Ông Trịnh Văn Tùng cho hay, nhiều cơ quan chức năng đã về tìm hiểu nguyên nhân, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kết luận nào. Nỗi lo chưa được giải tỏa thì nay, hàng loạt nhà dân lại bị nứt toác, nền gạch bị xới tung khiến giấc ngủ của nhiều người không còn ngon giấc. Bà Sầm Thị Nga, ở bản Na Hiêng kể, nhà của bà mới xây năm 2019. Đầu năm 2022, nhiều vết nứt như sợi chỉ xuất hiện ở các góc tường và nền nhà. Theo thời gian, các vết nứt to dần, đến nay có thể thò được cả bàn tay qua khiến nhiều đêm bà nằm mà không dám ngủ, vì không biết nhà sập lúc nào.

Để thử nghiệm độ sâu của vết nứt, có người đã dùng máy bơm nước từ sáng đến tận đêm khuya xuống khe nứt, nhưng nước vẫn không đầy. “Lo lắm nhưng biết làm sao. Khổ nhất là mẹ tôi năm nay đã 80 tuổi, cụ sợ nhà sập chạy không kịp nên bắt đưa giường ra sân ngủ cho an toàn”, ông Minh lo lắng.

Hàng loạt trụ sở của xã, trường học ở xã Châu Hồng cũng chịu cảnh tương tự. Cô Trần Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường mầm non xã Châu Hồng - cho biết, trường có hơn 200 học sinh. Có hôm, cô trò đang ngủ trưa thì tiếng rạn nứt xuất hiện khiến cả cô lẫn trò hú vía. Trường có năm dãy nhà thì bốn dãy đã bị nứt toác.

Mỗi buổi sáng, giáo viên sẽ phải đảo quanh một vòng các phòng học để nắm bắt tình hình xem có thể đón học sinh vào lớp hay không. “Giờ không học ở đây thì cũng chẳng biết dời đi đâu. Chúng tôi chỉ còn cách mỗi ngày đều phải theo dõi tình hình” - cô Hòa nói.

Đau đầu tìm nguyên nhân 

“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều rồi, nhiều đoàn đã về kiểm tra, nhưng hai năm qua người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân của hiện tượng lạ mà chẳng thấy có thông báo gì. Nếu đúng là do các doanh nghiệp khai thác quặng thiếc gây ra thì phải sớm có phương án đền bù, hoặc di dời tái định cư để cuộc sống của người dân ổn định trở lại, yên tâm sản xuất” - ông Tùng nói. 

Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, chỉ trong hơn hai tháng qua đã có 114 nhà dân bị nứt tường, nứt nền, lún móng… ước tính thiệt hại khoảng 57 tỷ đồng. Hiện xã này có 11 doanh nghiệp khai thác đá và quặng thiếc, trong đó có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò. Gần đây nhất, khi quy mô khai thác có sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại hơn, nhất là trong lĩnh vực khai thác quặng thiếc dưới lòng đất, thì xuất hiện những hiện tượng bất thường như trên.

“Trong khi chờ đợi nguyên nhân cũng như phương án, chúng tôi khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra các vết nứt, lún để kịp thời báo cáo chính quyền địa phương để có hướng xử lý. Người dân cũng được khuyến cáo phải di dời nếu nhà có nguy cơ đổ sập” - ông Hóa nói.

Nói về nghi vấn doanh nghiệp khai thác quặng thiếc làm mất nguồn nước, gây nứt nẻ nhà dân, ông Phan Đình Đạt - Bí thư Huyện ủy Quỳ Hợp - cho biết, các cơ quan chức năng đã trực tiếp về các doanh nghiệp để kiểm tra, nhưng chưa phát hiện điều bất thường, các doanh nghiệp đều đang khai thác trong phạm vi cho phép.

“Hiện chúng tôi đã liên hệ thuê cơ quan địa chất Bắc Trung bộ về khảo sát tìm nguyên nhân. Sự việc diễn ra lâu nên người dân cũng bức xúc. Trước mắt, chúng tôi chỉ có thể đề nghị theo dõi sát sao tình hình thực tế thôi” - ông Đạt nói. 

Theo UBND xã Châu Hồng, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn xuất hiện 13 hố sụt lún, hơn một nửa trong số này đã được san lấp để đảm bảo an toàn. 279 giếng nước sinh hoạt bị khô cạn, 114 nhà dân bị rạn nứt. Tình trạng này chưa từng xảy ra khi chưa có hoạt động khai thác khoáng sản. Chính quyền xã cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để trấn an tư tưởng người dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Đồng thời khắc phục sự cố để người dân an tâm sản xuất.


Pha Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI