255 năm ngày sinh (1765-2020), 200 năm ngày mất (1820-2020) của thi hào Nguyễn Du

Đạo diễn Christophe Thiry: Mỗi lần trình diễn, lại thấy "Truyện Kiều'' bùng nổ sức mạnh nội tại

30/09/2020 - 13:02

PNO - ''Truyện Kiều'' nhuốm chất sử thi, phiêu lưu. Và yếu tố phiêu lưu này chứa đầy những sự việc dị thường, khiến cho tính hài hước bộc lộ rõ rệt.

Vốn thích khám phá các thể loại lịch sử, tiểu thuyết, thi ca, đạo diễn sân khấu nổi tiếng người Pháp Christophe Thiry nói, với tư cách độc giả, ông thưởng thức Truyện Kiều giống như một cuộc du lịch đơn độc trong không gian truyện và không gian văn hóa. Còn với tư cách một người làm nghệ thuật, nghệ sĩ liên tưởng ngay đến công việc của mình: “Ồ, Truyện Kiều vô cùng độc đáo, nhưng để chuyển thể sang tác phẩm sân khấu, sẽ mệt óc lắm đây”. 

Từ Pháp, Christophe Thiry có cuộc trò chuyện với Báo Phụ nữ TP.HCM về vở nhạc kịch Kim Vân Kiều - được chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du - cũng như hành trình ông “thấm đẫm” kiệt tác văn chương Việt Nam này.

Phóng viên: Kim Vân Kiều của ông ra mắt tại Paris năm 2017, Việt Nam năm ngoái. Ông có ý định tiếp tục lưu diễn nhạc kịch Kim Vân Kiều đó đây trên thế giới?

Đạo diễn Christophe Thiry: Có chứ, chúng tôi đang triển khai kế hoạch trình diễn vở kịch này ở thủ đô Berlin, Đức. Nhưng hiện đang bị đình trệ vì tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Khi dịch bệnh lắng xuống, Kim Vân Kiều sẽ lại có dịp ra mắt khán giả yêu mến Truyện Kiều và muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam. 

* Trước và sau khi tiếp cận Truyện Kiều và thực hành nghệ thuật với nó, góc nhìn của ông có gì khác?

- Tất nhiên có sự biến chuyển sắc nét trong cảm nhận. Việc dàn dựng vở nhạc kịch buộc tôi phải kiên trì chìm đắm vào nguyên tác để thẩm thấu sức mạnh, thấu đáo ngôn từ của nó. Tiếp đến là niềm vui đến từ công việc chuyển thể, sự tận tâm, nhẫn nại, giống như một nghệ nhân cần cù, chia sẻ và hướng dẫn các diễn viên trong vai diễn của họ, để đi tới tận cùng vở kịch.

Một hành trình dài, qua hằng tháng, hằng năm. Rồi các chuyến lưu diễn Kim Vân Kiều ở Việt Nam hoàn toàn… (nói thế nào nhỉ) ma thuật! Bởi, qua mỗi buổi trình diễn như thế, chúng tôi khám phá lại Truyện Kiều thêm lần nữa, bùng nổ thêm lần nữa trong sức mạnh nội tại của kiệt tác này.

Vở kịch Kim Vân Kiều cũng giống như các tác phẩm lớn khác mà tôi từng dàn dựng, chúng tôi muốn tiếp tục biểu diễn nó trước công chúng. Vở kịch không bao giờ dừng lại, luôn đồng hành cùng chúng tôi, không giống như một kỷ niệm, mà điều gì đó như một sự trở lại thường xuyên. Điều gì đó còn có thể luôn luôn và mãi mãi được giãi bày, như một chuyến xe chở nặng những tự sự nhân gian để tâm tình cùng khán giả.  

* Truyện Kiều là một tác phẩm thấm đẫm nước mắt qua hành trình bi kịch 15 năm truân chuyên của Thúy Kiều. Nhưng ông từng nói, Truyện Kiều trong mắt ông phảng phất phong vị hài hước, châm biếm. Vì sao vậy?

- Khi đọc Truyện Kiều, tôi cảm nhận rất nhiều tính hài hước của tác phẩm. Các nhân vật tự đặt mình vào những tình huống vô cùng trái ngang. Kiều không ngừng rơi xuống thấp hơn, thấp hơn nữa. Và các nhân vật khác quanh Kiều, họ cũng “kỳ lạ” trong cách thức hành động của riêng mình. Truyện Kiều nhuốm chất sử thi, phiêu lưu. Và yếu tố phiêu lưu này chứa đầy những sự việc dị thường, khiến cho tính hài hước bộc lộ rõ rệt. Ít ra tôi cho rằng như thế, đây cũng là cách tôi hành động trước các sự kiện kỳ lạ. Khi mà hoàn cảnh trở nên phức tạp, rắc rối, tôi muốn tìm chất hài hước, để tự an ủi rằng: thực ra thì cũng chẳng sao đâu, có những tình huống khác tệ hơn thế nhiều. 

Tinh thần hài hước mà tôi cảm nhận từ Truyện Kiều, đã bước vào tác phẩm nhạc kịch Kim Vân Kiều của tôi thông qua vai diễn Tú Bà được thể hiện bởi một diễn viên nam, với những cử chỉ, dáng điệu hoàn toàn vượt ra ngoài khuôn thước thông thường. Hay ở hình ảnh cuối vở diễn, người đàn ông trên xe lăn, mô phỏng Stephen Hawking, nói rằng “luôn có rất nhiều điều tệ hại trong cuộc sống”. Chẳng nên coi mọi chuyện quá nghiêm trọng. Việc ta có thể làm là không ngừng tìm kiếm và vươn tới ánh sáng. Đó cũng chính là màn kết thúc vở diễn. 

Vì COVID-19, kế hoạch trình diễn vở kịch Kim Vân Kiều tại Đức bị đình trệ
Vì COVID-19, kế hoạch trình diễn vở kịch "Kim Vân Kiều'' tại Đức bị đình trệ

* Truyện Kiều, trước tiên là một kiệt tác thơ. Việc đem chất thơ vào vở nhạc kịch có phải một thách thức đối với ông?

- Truyện Kiều là tác phẩm thơ xuất sắc chứa đựng bức thông điệp rất thời đại, về gia đình, về số phận người phụ nữ trong xã hội, cũng như lòng nhân ái. Tất cả những điều này mang một giá trị nhân văn to lớn. Nhưng Truyện Kiều không phải một tác phẩm dễ chuyển thể sang sân khấu kịch, vì câu chuyện dàn trải ở nhiều thời điểm, nhiều nơi chốn, không gian, nhiều tuyến nhân vật. Hơn nữa, tác phẩm mang đậm chất thơ và chất lãng mạn tiểu thuyết, chứ không phải một kịch bản sân khấu chương hồi mạch lạc, có cao trào, thắt nút, cởi nút. Vì vậy, nhiệm vụ của tôi là khơi dậy và xây dựng tính kịch của tác phẩm để biến nó thành một vở diễn sân khấu. 

Tuy nhiên, do làm việc và tiếp xúc thường xuyên với thơ, tôi cũng không cảm thấy quá khó khi chạm tới một tác phẩm văn chương tầm cỡ, biến nó sống động trên sân khấu và khiến khán giả cảm nhận được chiều sâu. Trước đó, tôi từng dàn dựng rất nhiều vở kịch lớn của Pháp đậm chất thi ca, như vở Ảo ảnh hài hước của Corneille hay Hernani của Victor Hugo, được viết bằng thể thơ Alexandrin rất trữ tình. 

Cùng quy trình như vậy đối với Truyện Kiều, tôi lựa chọn tác phẩm, tìm hiểu về nó, sống với nó. Tôi cố gắng đem vào trong vở diễn của mình chất thơ của nguyên tác, sức sống của nó, câu chuyện, miền đất nơi nó được viết ra, tất cả những gì thấm đẫm văn hóa bản địa... Nói khác đi, đó là công việc của một đạo diễn; dù tôi không phải người châu Á, không hiểu gì nhiều về văn hóa châu Á và Việt Nam.

* Từng xem vở nhạc kịch Kim Vân Kiều tại Pháp, tôi thấy, ông đã lựa chọn phần trang trí sân khấu hoàn toàn tối giản… 

- Không gian trong Truyện Kiều thay đổi liên tục. Hoặc là tôi dựng phần trang trí kiểu opera hoành tráng, lộng lẫy, nhưng đấy không phải là ý tưởng vở kịch, mục đích của vở là tập trung vào thơ ca, vào cốt truyện, và sức ghê gớm của số mệnh... Cần tránh hết tất cả những minh họa rườm rà, thậm chí nực cười trên sân khấu, để chừa khoảng trống cho âm nhạc cất lên từ nơi này đến chốn nọ; khoảng trống cho ánh sáng, sân chơi cho các diễn viên, các chuyển động của họ.

Tất cả những điều đó gợi mở cho ta biết mình đang ở xứ sở nào, thời đại nào, và có thể cùng một lúc hiện diện ở nơi chốn khác. Vì câu chuyện đau buồn của người phụ nữ như Kiều cũng có thể giống chuyện buồn của biết bao cô gái trên thế gian. Vì thế, vở Kim Vân Kiều hay Truyện Kiều mang tính phổ quát, khiến cho tất cả mọi người đều đồng cảm và tìm thấy bản thân mình trong đó. 
 

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.  

Lan Tử Viên (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI