Dạo biển bằng xe bò

27/03/2022 - 06:56

PNO - Cung đường biển dài chỉ khoảng 1km nhưng cảm giác cảnh vật trước mắt thay đổi chậm theo từng bước chân đủng đỉnh của chú bò thật thú vị.

Lần đầu tôi đến biển Cam Bình vào dịp tết 2011. Hôm ấy, trời đầy nắng nhưng biển không trong, những đợt sóng đều đặn xô bờ, hàng dương xanh ngát, biển đẹp và hoang sơ như người con gái còn đang say giấc.

Từ xe bò kéo thúng

Từ việc kéo thuyền thúng lên bờ, xe bò dần trở thành dịch vụ du lịch độc đáo ở biển Cam Bình
Từ việc kéo thuyền thúng lên bờ, xe bò dần trở thành dịch vụ du lịch độc đáo ở biển Cam Bình

Điều khiến tôi nhớ nhất về Cam Bình là hình ảnh chiếc xe bò kéo thuyền thúng từ mép biển lên bờ, vào khu tập trung. Minh, một người dân địa phương, cho biết: “Nhà nào có xe bò trong sân đồng nghĩa nhà đó có thúng đi biển”.

Rồi Minh ra nước ngoài định cư. Mỗi lần nghĩ đến Minh, tôi lại nhớ hình ảnh chiếc xe bò kéo thúng trên bãi biển Cam Bình giữa trưa nắng ấy. Nhiều năm nay, xe bò không còn dùng để kéo thúng mà được nâng cấp thành xe chở khách đi dạo. Theo lời Minh, ban đầu, vài du khách thấy chiếc xe bò trên biển, tò mò, đề nghị trả tiền để được đi thử, rồi chụp hình, đăng Facebook. Cứ thế, ngày càng nhiều người trả tiền để dạo biển bằng xe bò, biến dịch vụ này trở thành điểm nhấn của du lịch Cam Bình và thành nguồn thu của nhiều hộ dân.

Sau hơn mười năm, vì câu chuyện của Minh, tôi trở lại vùng biển này. Tôi khởi hành tới La Gi vào buổi tối, nhận phòng, rồi sáng sớm cả nhà ra biển. Năm giờ sáng, như bao làng chài khác, khu vực biển Cam Bình nhộn nhịp với tiếng hô kéo thúng vào bờ, tiếng gọi nhau í ới của ngư dân, tiếng hỏi giá của tiểu thương và tiếng à ồ thích thú của các du khách tranh thủ đến biển sớm như gia đình tôi. 

Mặt trời lên cao, những chiếc thuyền thúng trở về nơi nghỉ ngơi
Mặt trời lên cao, những chiếc thuyền thúng trở về nơi nghỉ ngơi

Cái thú của việc mua hải sản từ ngư dân là được tận mục sở thị những con mực còn trong suốt, những chiếc chân ngắn tũn loe ngoe của tôm tít hay bắt gặp một vài loại cá hiếm khi có ở các chợ, siêu thị lớn…

Điểm trừ là thuyền thúng đánh bắt trong đêm, gần bờ nên hải sản thường có kích thước nhỏ, không nhiều chủng loại như ở các chợ. Điểm trừ tiếp theo là mức giá mềm chỉ gần như dành cho tiểu thương, du khách mua giá sẽ đắt hơn. Dù sao, quan trọng là hải sản còn tươi rói. Sau một vòng dạo đi dạo lại, chúng tôi cũng mua được 1kg mực cóc (mực nang nhỏ theo tiếng địa phương), 1kg tôm tít và một ít cá đục. 

Mặt trời lên cao, lượng thuyền thúng cập bờ càng ít và lượng người đổ ra biển càng nhiều. Khu chợ hải sản, khu chợ bán đồ chế biến sẵn và những chiếc lều để du khách thuê ghế ngồi dần phủ kín, sẵn sàng đón khách đến thăm và tắm biển.

Đến trải nghiệm du lịch có “một không hai”

Khu chợ hải sản ngay bờ phục vụ du khách
Khu chợ hải sản ngay bờ phục vụ du khách

Trời sáng dần, những chiếc xe bò kéo khách cũng xuất hiện. Khác với những chiếc xe bò kéo thúng trong ký ức của tôi, xe bò chở khách được cải tạo khá nhiều với thùng xe cao, đủ chỗ cho khoảng mười du khách. Mỗi khách giá 20.000 đồng. Theo lời chị H.H., chủ chiếc xe bò tôi ngồi thì đây là giá thống nhất của dịch vụ này.

Quãng đường để du khách trải nghiệm dịch vụ du ngoạn bằng xe bò kéo dài khoảng 1km cho tổng hai lượt đi và về. Không rõ do những chú bò không đi nhanh, không biết sải vó như xe ngựa hoặc lực cản của con đường cát, mà tốc độ di chuyển cứ chậm rãi, từ tốn. Quang cảnh trên bãi biển cũng thay đổi chậm đến mức bạn có thể nhìn thấy sự chuyển động của một con sóng đang vỗ vào bờ từ xa.

Kết thúc chuyến xe bò, chúng tôi tạt sang khu chợ. Này là gian hàng mực nướng với những chú mực ướp sẵn đang chuyển màu trên bếp than hồng; này là những con cá biển tươi được gói trong giấy bạc… Ở gian hàng khác, một du khách đang được mời thử miếng “chả cá nhà làm” nóng hổi trước khi mua về làm quà… 

Nếu có đến lần nữa, chúng tôi vẫn sẽ chọn dậy sớm để vừa đón bình minh trên biển vừa chọn mua hải sản tươi vừa được đánh bắt buổi khuya. Dù những loại hải sản mua trực tiếp từ ngư dân có kích thước nhỏ hơn, không phong phú như ở khu vực chợ hải sản sát biển hay khu chợ chế biến sẵn này, ít nhất điều đó vẫn làm thỏa mãn cảm giác mua hải sản tại ghe đầy tươi ngon. 

Ngôi đền nhiều truyền thuyết 

Rời Cam Bình, chúng tôi ghé vào Dinh Thầy - Thím (xã Hải Tiến, La Gi, Bình Thuận), một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997. Chúng tôi viếng thăm vì muốn các con được tìm hiểu về kiến trúc, tên gọi cũng như những truyền thuyết về hai nhân vật này.

Theo hồ sơ khoa học về di tích Dinh Thầy Thím của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận, ngày xưa ở tỉnh Quảng Nam có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người nhưng vì bị vua xét xử oan nên cùng vợ phiêu bạt vào phương Nam lánh nạn. Khi đến Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), vợ chồng họ quyết định ở lại. Từ đó, những truyền thuyết về việc cứu giúp dân làng gặp nạn, bốc thuốc chữa bệnh… dần lan truyền trong dân gian.

Ly kỳ nhất là câu chuyện về một đôi hắc hổ - bạch hổ, sau khi được thầy cảm hóa, đã canh giữ phần mộ của Thầy -Thím, tảo mộ hằng năm. Khi bạch hổ - hắc hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau mộ Thầy - Thím để tưởng nhớ hai con vật tận trung. Ngày nay, hai tượng hổ cũng được tái dựng và cúng bái tại dinh.

Bức bình phong mặt từ cổng vào
Bức bình phong mặt từ cổng vào

Để ghi ơn công đức Thầy - Thím, người dân địa phương chung sức lập đền thờ, nay là dinh. Qua năm tháng, nghĩa cử của Thầy - Thím vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời vua Thành Thái năm thứ 18, nhà vua đã xem xét lại án xử trước đây và sắc phong cho Thầy - Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Dù chỉ là truyền thuyết dân gian nhưng dân địa phương đều khẳng định Thầy - Thím là nhân vật có thật. Đó là Thầy (người chồng) và Thím (người vợ), được người dân gọi tắt “Thầy - Thím”. Thầy - Thím không có con cho đến khi mất. 

Băng qua quãng đường mát rượi bóng cây, chúng tôi tiến vào khu vực dinh. Dinh Thầy - Thím mang đậm nét cổ kính với mái ngói đỏ cong vút, những hình tượng đắp nổi được bao quanh bởi một bức tường hình thang vuông. Các công trình kiến trúc chính của Dinh đều quay về hướng tây, gồm: cổng chính, chánh điện, nhà tiền hiền, bình phong, khu mộ Thầy - Thím và một số công trình phụ cận khác. Từ cổng đến chánh điện, du khách đi qua một sân rộng, đến bình phong được chạm trổ tinh xảo, tiếp cận tượng Bạch Hổ và Hắc Hổ.

Trong đó, chính điện, nhà tiền hiền… đều sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ” - một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận thế kỷ XVII - XVIII. Bốn cột chính ở khu vực trung tâm dinh được các nghệ nhân thời bấy giờ trau chuốt và tạo dáng rất tinh tế. 

Mộ Thầy - Thím tọa lạc giữa khu rừng Bàu Thông, cách dinh khoảng 3km về phía tây. Từ dinh, bạn có thể đi bộ, chạy xe máy hay ngồi xe bò đến mộ. Khu mộ có bốn nấm mồ đắp bằng cát trắng vút cao thành hai hàng, theo người dân địa phương thì hai mộ phía trước là mộ Thầy - Thím, hai mộ phía sau là đôi Hắc Hổ - Bạch Hổ. Từ năm 1988, ban quản lý Khu di tích Dinh Thầy - Thím đã xây thêm một bức tường thành bằng đá bao bọc lấy khu mộ.

Khi chúng tôi ngồi xe bò quay trở lại dinh, từ xa, trời bắt đầu ngả về chiều, mặt trời dần lặn. Trên bầu trời, từng mảng mây ánh màu rực rỡ. Một vạt nắng vàng như đang tranh thủ chiếu sáng trước khi nhường chỗ cho mặt trăng. Không gian yên tĩnh, hoang sơ mà đẹp đến mức khiến ta như muốn thời gian ngừng lại mãi ở khoảnh khắc đó. 

Bài và ảnh: Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI