Đằng sau quyền lực của các nữ CEO Việt

29/12/2017 - 10:30

PNO - Trong khi hầu hết những tập đoàn tỷ đô ở châu Á đang thiếu các vị trí lãnh đạo dành cho nữ giới, thì tại Việt Nam, khoảng 25% vị trí CEO và thành viên lãnh đạo tại các doanh nghiệp là nữ.

Trong khi hầu hết những tập đoàn tỷ đô ở châu Á đang thiếu các vị trí lãnh đạo dành cho nữ giới, thì tại Việt Nam, khoảng 25% vị trí CEO và thành viên lãnh đạo tại các doanh nghiệp là nữ.

Ngày càng có nhiều phụ nữ ở Việt Nam nắm giữ cương vị lãnh đạo hoặc sở hữu nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cả các doanh nghiệp lớn, tạo ra một hình mẫu về vai trò tích cực, rõ ràng và đa dạng cho phụ nữ. 

Dang sau quyen luc cua cac nu CEO Viet
Phụ nữ, để có thể vươn lên vị trí lãnh đạo và được xã hội công nhận, trên thực tế phải nỗ lực gấp nhiều lần nam giới.

Mới đây, Boston Consulting Group (công ty tư vấn chiến lược của Mỹ) công bố báo cáo cho thấy ở Việt Nam, tỷ lệ lãnh đạo nữ tại các doanh nghiệp hiện cao nhất Đông Nam Á và thuộc nhóm cao nhất châu Á với khoảng 25%.

Các nước Đông Nam Á khác đều có tỷ lệ thấp hơn như Malaysia (14%), Singapore (10%), Indonesia (6%). Đây được xem là một thành quả của nỗ lực đẩy mạnh bình đẳng giới tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Con số này càng ý nghĩa hơn, khi xã hội Việt Nam hiện nay vẫn chưa hết định kiến “trọng nam khinh nữ”.

Sự thăng tiến mạnh mẽ của phụ nữ Việt

Theo một báo cáo khác của Deloitte hồi tháng 6 năm nay, tại Việt Nam, 17,6% thành viên hội đồng quản trị trong các công ty được khảo sát là phụ nữ. Con số này gấp đôi mức trung bình của châu Á - 7,8%. Các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc xếp chót khu vực. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Malaysia là 13,7% và Singapore 10,7%.

Với những con số “tăng trưởng” mạnh mẽ này, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ được khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua.

Các nhà làm luật và chính sách Việt Nam đã luôn quan tâm đến vai trò xã hội và gia đình của phụ nữ. Thậm chí, có những khoản dành riêng cho phụ nữ, trong vấn đề thai sản, nuôi con nhỏ, tuổi nghỉ hưu… Tiến bộ này của Việt Nam một phần là do các biện pháp của Chính phủ và các doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển tài năng của nữ giới. 

Vấn đề đặt ra là phụ nữ lãnh đạo có tạo ra sự khác biệt? Câu trả lời là có. Phụ nữ dường như có thế mạnh hơn nam giới trong lãnh đạo, bởi thiên tính của phụ nữ là mềm mỏng, biết “lắng nghe và thấu hiểu”, biết lấy nhu buộc cương.

Dang sau quyen luc cua cac nu CEO Viet
Bí quyết thành công của bà Mai Kiều Liên chính là “biết dùng người”.

Chẳng vậy mà bí quyết đầu tiên của bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), người liên tiếp được Forbes vinh danh top 50 “phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam”, “Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á”… chính là “biết dùng người”! Cũng bởi biết dùng người, mà bà đã vững vàng ở vị trí lãnh đạo cao nhất Vinamilk mấy chục năm qua. 

Dưới sự dẫn dắt của các lãnh đạo nữ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, danh tiếng và giá trị trên sàn chứng khoán.

Điển hình là CEO Vietjet Air - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, người vừa được Forbes xếp thứ 55 trong bảng xếp hạng 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, cao hơn cả cựu ngoại trưởng Mỹ Hillarry Clinton (xếp thứ 65). Bà đã đưa Vietjet từ con số 0, sau 5 năm đã chiếm hơn 42% thị phần hàng không Việt Nam. Bà cũng nữ là tỷ phú USD đầu tiên được công nhận tại Việt Nam.

Chặng đường còn dài

Bình đẳng nam nữ không phải là một quyền tự nhiên do Thượng đế ban cho. Phụ nữ, để có thể vươn lên vị trí lãnh đạo và được xã hội công nhận, trên thực tế phải nỗ lực gấp nhiều lần nam giới. Bởi họ còn mang một thiên chức không thể thay thế, đó là làm mẹ.

Dang sau quyen luc cua cac nu CEO Viet
Việt Nam cũng đã có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với xu hướng hiện nay, phải mất hơn 70 năm nữa mới có thể xóa bỏ được hoàn toàn tình trạng chênh lệch về mức lương giữa nam và nữ. Sự chênh lệch về vị trí xã hội lại càng xa hơn. Châu Á là khu vực được đánh giá có tỷ lệ nam nữ thiếu cân bằng nhất trong các vị trí cấp cao của các tập đoàn, chỉ sau Mỹ Latinh.

Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore, cơ quan lập pháp nào có tỷ lệ phụ nữ đông hơn, các chính sách và luật pháp về bảo vệ con người và môi trường sẽ được thông qua nhiều hơn.

Trong cạnh tranh kinh tế, phụ nữ cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sự ổn định và tăng trưởng bền vững. 

Để tỷ lệ này về mức cân bằng thì vẫn còn là một chặng dường dài. Các quốc gia cần nhân rộng mô hình quy định cân bằng trong cấp quản lý, qua đó giúp phụ nữ không bị phân biệt đối xử khi đi tìm việc.

Nhật Bản, một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý doanh nghiệp thấp nhất khu vực, hiện cũng đang hướng đến “nền kinh tế phụ nữ”, theo cam kết của thủ tướng Shinzo Abe khi lên nắm quyền. Các chuyên gia cho rằng, nếu phụ nữ Nhật Bản được tham gia các vị trí như nam giới, GDP của nước này có thể tăng 12,5%.

Trên thực tế, dù đang là điểm sáng trong việc phát huy vai trò của phụ nữ, Việt Nam vẫn chưa xóa hết khoảng cách trong bình đẳng giới. Họ vẫn đang rất cần một sự công nhận không chỉ từ chính sách, mà cả trong tư duy của những nhà làm luật và những người đàn ông trong gia đình, ngoài xã hội.

Đừng xem phụ nữ là “phái yếu”, cần được nâng đỡ hay chiếu cố. Cái phụ nữ cần nhất, chính là sự nhìn nhận đúng năng lực và vai trò. Hiện vẫn còn hàng triệu phụ nữ bị phân biệt đối xử khi đi tìm việc. Biết đâu trong số họ, sẽ có nhiều những CEO tài năng trong tương lai. 

Thế kỷ XXI, lần đầu tiên có đến hơn 20 nữ nguyên thủ quốc gia, những người có ảnh hưởng lớn không chỉ ở đất nước họ, mà còn có thể chi phối cả thế giới.

Những “bóng hồng” quyền lực phải kể đến, đó là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, từng là ứng viên tổng thống Mỹ; Thủ tướng Anh Theresa May; Thủ tướng Đức Angela Merkel; Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf - lá cờ giải phóng phụ nữ ở châu Phi… Việt Nam cũng đã có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân. 

 Minh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI