Đắng ngọt đàn bà - Giới, sự tinh tế và sức mạnh

12/05/2020 - 08:09

PNO - Tôi đọc đến lần thứ ba quyển sách 180 trang Đắng ngọt đàn bà (tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của Nguyễn Thị Lê Na. Không chỉ là giọng văn nữ với lối viết mê hoặc, mà điều khiến tôi phải “soi” nhiều là vì sự mờ nhòe không còn ranh giới giữa ý thức và vô thức bên trong văn bản, và cả cấu trúc được nhìn thấy của 11 truyện ngắn trong tập sách.

Đắng ngọt đàn bà đã thoát ra khỏi dòng văn nữ quyền truyền thống. Nó không đả phá sự bất công, thói gia trưởng trọng nam khinh nữ, những hành vi bên ngoài; nó không dùng loại ngôn ngữ thành kiến, định kiến; nó không chối bỏ những góc khuất của nữ giới và đào sâu hơn, tự nhiên hơn, cả những quãng lặng khó nói vốn đặc trưng của những hình tượng văn học nữ của thế kỷ XIX, XX. 

Tuy vậy, những nhân vật nữ trong tập truyện cũng thể hiện được sức mạnh chân thật và phản chiếu nhiều chiều về đời sống, nhất là chiều quay vào bên trong tâm hồn - một chiều hướng đẫm chất nữ tính. 

Giới, sự tinh tế và sức mạnh phụ nữ. Đó là ba điều quan trọng nhất mà tập sách muốn hướng tới. Đắng ngọt đàn bà là truyện ngắn tiêu biểu mà tiêu đề của nó được chọn để đặt tên cho tập sách. Người ta thường nói nhiều về sự yên lặng trước cơn bão, nhưng với cơn bão lòng thì sự yên lặng về sau ráo hoảnh nước mắt mà uy lực hơn; nỗi đau, sự sỉ nhục và những lo sợ dồn nén đã bùng vỡ thành một loại uy lực đàn bà, sắt đá, không gì lay chuyển nổi. 

Ở truyện ngắn Sinh thì nhân vật lại gặp sự phản trắc khác, trơ tráo và hoang dã. Khi bị Thắm, người đẻ thuê, chiếm mất gia đình mình, Sinh đã bỏ đi. Một sự rộng lượng mênh mông nơi cõi lòng người phụ nữ. Vẫn biết Lâm, chồng mình, là người tội lỗi và đứng đằng sau thói lộng hành, điêu toa của Thắm, nhưng Sinh vẫn thương, vẫn tha thứ?

Theo tôi, không phải vậy, lòng thương hại của phụ nữ còn đáng sợ hơn. Ngay cả khi Lâm qua đời, Sinh dẫn con về chịu tang với thái độ dửng dưng, dửng dưng khi bước về lại ngôi nhà vốn là của chính mình, dửng dưng ngay cả khi bị Thắm “xù lông nhím”, dửng dưng cả trong câu nói xin mang bàn thờ của Lâm về. Lòng thương hại là vũ khí cao nhất để đối phó với những thứ bỉ ổi và phản bội. Ý tưởng này khi được tái hiện đã vượt ra khỏi sự “sở hữu hóa” vốn ăn sâu trong thói quen, trong tâm tính phụ nữ trước đây.

Ở một ranh giới khác là lòng thương cảm, với truyện Tiếng sáo người hát rong. Là sự chân thành trong Nước mắt đàn ông, và những chắt lọc tinh tế từ những chi tiết của đời sống trong Lụa, Trong khoang tàu chật, Một ngày vừa chớm thu, Cơn bão, Cầu vồng sau mưa, Vùng rừng sáng... Tất cả đều được thể hiện bằng một giọng điệu văn rất nữ tính.

Lối viết hồi tưởng mang lại hiệu quả khi tác giả đi vào phân tích tâm lý miền sâu của tâm hồn phụ nữ. Nơi ấy không chỉ có những khắc khoải, tha thứ, mà còn có cả những bóng mờ bản năng và cả những trực giác nhạy xa, tinh tế. Vậy mới thấy nơi con người, cái ranh giới giữa ý thức và vô thức đôi khi không có thật, nó mờ nhòe và tạo nên sức mạnh bằng sự tinh tế, bằng những ánh mắt mơ màng hoặc đáy mắt thăm thẳm hồ đêm. 

Nguyễn Hiệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI