Dân đất chín Rồng vừa mót lúa vừa khóc...

03/08/2018 - 07:23

PNO - Dưới dòng nước sâu cả mét kia là mồ hôi, nước mắt của người nông dân miền Tây Nam bộ. Thứ ám ảnh chúng tôi không phải là dòng nước đang cuồn cuộn chảy mà là hình ảnh những người nông dân bé nhỏ trong dòng lũ lớn.

Ruộng lúa - nguồn mưu sinh duy nhất của gia đình anh Minh - bị lũ bất chợt tràn về nhấn chìm trong biển nước. 200 công ruộng chỉ mới thu hoạch được một nửa, 300 triệu đồng chìm theo lũ. Sau sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào, nước sông Mê-Kông đang dâng lên mỗi ngày, đe dọa đời sống người dân miền Tây Nam bộ. Năm nay, lũ về quá sớm…

Dan dat chin Rong vua mot lua vua khoc...
Người dân ở tỉnh Đồng Tháp mót những bông lúa còn sót lại trong nước ngập. Ảnh: Minh Thanh

Chạy “giặc nước”

Tới chiều 1/8, nước ở con kênh thuộc xã Bắc Hòa, H.Tân Thạnh, tỉnh Long An đã tràn lên bờ bao, cao hơn mặt ruộng ấp Thạnh Cần. Chỉ cần một sự cố nhỏ ở bờ bao, chắc chắn cánh đồng rộng hàng trăm héc-ta sẽ bị nhấn chìm. 

Năm nay, mùa lũ về H.Tân Hưng, tỉnh Long An sớm hơn cả tháng. Bờ bao ở cánh đồng Vĩnh Lợi vẫn còn một đoạn dang dở, nước lũ tràn về đe dọa vựa lúa bên ấp Vĩnh Thạnh nên nông dân ở đây đang cấp tập cắt lúa non. “May mà hôm kia nhà tôi ra quân tổng lực cứu lúa, vớt vát được chứ để đến hôm nay, nước trắng đồng thế này thì...” - anh Nguyễn Trường Nan, ngụ tại ấp Vĩnh Lợi, hú hồn. 

Dọc theo Quốc lộ 62, Tỉnh lộ 819, sà lan liên tục chở lúa non lên các trục lộ cho xe tải của thương lái trung chuyển. Theo dự đoán của nông dân, với tình hình hiện tại, vài ngày nữa, nước lũ sẽ vượt bờ bao vào đồng nên họ phải tranh thủ cắt lúa chạy lũ. Dọc các tuyến lộ, cánh thương lái cũng đánh xe tải về đợi sẵn, chất lúa chở đi.

Tối 1/8, chúng tôi theo chân ông Võ Văn Hải (ngụ tại xã Vĩnh Châu B, H.Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) đi kiểm tra bờ bao trên cánh đồng ấp 4. Đoạn bờ bao bảo vệ cho cánh đồng hàng trăm héc-ta đang bị đe dọa nghiêm trọng khi mà nước trên các tuyến kênh ở xã Vĩnh Châu B mỗi ngày lại lên cao vài tấc. Chỉ vài ngày nữa, cánh đồng lúa này sẽ bước vào đúng vụ nên nông dân địa phương thường thay phiên nhau kiểm tra các đoạn bờ bao ngăn lũ để đảm bảo ruộng lúa được an toàn cho đến khi thu hoạch.

Dan dat chin Rong vua mot lua vua khoc...
Anh Võ Thành Tâm (xã Phú Hội, H.An Phú, tỉnh An Giang) đứng bên cánh đồng nước; phía dưới là những ruộng lúa bị nhấn chìm - Ảnh: Từ Nhân

Kiểm tra một đường cống thoát nước, ông Hải phát hiện nước vẫn bị rò rỉ ở lỗ cống đã được bịt kín, có nguy cơ làm vỡ bờ bao. Lập tức, ông Hải gọi điện “báo động” cho một nhóm thanh niên đến ứng cứu. Sau gần 20 phút lặn đến gần miệng cống, “rái cá” tên Thanh phát hiện đất xung quanh cống bị lở, gây thoát nước, nếu không khắc phục ngay thì sẽ vỡ bờ bao trong đêm. Trong tiếng kêu gọi hối hả, 6-7 thanh niên được điều động đến, dùng bao đất chặn nước lũ, cứu đồng lúa. Ông Hải nói: “Có năm, chúng tôi sơ sẩy, để nước lũ phá bờ bao, lúa chìm trong biển nước, người dân vừa đi mót lúa, vừa khóc”.

Ba ngày qua, cứ sau mỗi đêm, anh Trần Văn Lợi (ngụ tại xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) ghi nhận, nước trên kênh 70 dâng cao thêm một tấc rưỡi. Nước lũ đánh sập một đoạn bờ bao trên đoạn kênh này vào trưa 1/8. Đến khoảng 18g, chính quyền địa phương mới tổ chức cho lực lượng dân quân phối hợp với người dân địa phương gia cố xong đoạn bờ bao dài 20m. Cánh đồng ven kênh 70 còn 15ha lúa đang chín, nếu không cứu kịp, nhiều hộ dân nơi đây xem như trắng tay. 

Cùng tình trạng chạy lũ, hai xã An Bình A và An Bình B của thị xã Hồng Ngự hiện còn khoảng 500ha lúa hè thu đang trong giai đoạn “cong trái me” hoặc chín, chờ thu hoạch. Dự kiến, trong vòng nửa tháng tới, nông dân sẽ thu hoạch dứt điểm ở cánh đồng hai vụ này. Trong khi chính quyền địa phương đang tăng cường tuần tra nắm tình hình, túc trực 24/24 tại các điểm xung yếu thì bà con cũng thấp thỏm từng ngày theo con nước.

Phù sa mặn mùi nước mắt

Ngóng ra cánh đồng trắng nước, anh Võ Thành Tâm, ngụ tại ấp Phú Nhơn, xã Phú Hội, H.An Phú, tỉnh An Giang - chặc lưỡi: “Chỉ còn cách làm lọp cá bán để gỡ gạc”. Dưới chân, từng lớp sóng bạc vỗ ì oạp vào mạn chiếc xuồng ba lá cũ kỹ mà anh Tâm cố ý nhận chìm từ hôm trước để tạm bảo quản xuồng trong cái nắng oi nồng, trông chờ một mùa cá kiếm đủ cái ăn hằng ngày. Cũng chính con nước này vừa nhận chìm 2ha lúa “ửng nửa bông” của gia đình anh. Gần 10 hộ trong xóm cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Một mùa vụ sắp thu cứ ngỡ chắc sẽ “bể bồ” bị úng chìm trong con nước bạc. 

Dan dat chin Rong vua mot lua vua khoc...
Ông Nan (Long An) đang chuẩn bị lưới để đánh bắt cá nhằm gỡ gạc 2ha lúa mất trắng

Mới mùa vụ trước, cơn dịch muỗi hành (sâu năn) làm ruộng anh Tâm giảm 50% năng suất, chưa được 20 giạ/công. Càng đau vì dịch muỗi lại rơi vào chính vụ đông xuân. Mùa này, anh mua phân thuốc chịu ở đại lý, chờ thu hoạch để trả gối vụ. Nghe trên đài nói bên Lào vỡ đập, để chắc ăn, anh cùng bà con mướn máy xúc đắp bao đê, mỗi giờ trả 500.000 đồng, mỗi nhà tốn mấy triệu bạc. Nào ngờ, giờ bờ đê mới đắp cũng chìm trong biển nước. 

Hôm nước dâng đồng, bộ đội kéo về giúp dân. Gia đình anh Tâm gỡ gạc được 30 bao lúa. Lúa mót phơi khô đã lâu, giờ nằm đắp bạt ở góc sân vắng trước nhà. Các thương lái cũng có vô xem mấy lần, chê ỏng chê eo vì mua về chỉ biết bán cho vịt đứng đồng ăn. Trưa, gia đình anh kéo xuống dưới sàn nhà chẻ hom tre làm lọp cá. Mấy đứa nhỏ bu quanh tíu tít, đâu biết trong lòng người lớn đang rối bời. 

May mắn hơn anh Tâm, ông Kiều Văn Khanh có 9 công lúa cùng cánh đồng, nhưng ở trong đê. Máy gặt chuyển lúa vừa xong là nước tràn. Hai cha con ông ngồi chênh vênh mép sàn nhà ngó ra đồng nước. Ba tay lưới mới mua treo đong đưa trong gió. “Nước mới còn ngậm bùn rơm thì tôm cá nào chịu sủi tăm” - ông Khanh thở dài. 

“Lũ về, mất mùa kiểu này thì chỉ có Đồng Nai, Bình Dương mới chứa” - bà Trần Thị Xuân, nhà kề bên, nói vọng qua. Bà Xuân có 9,2 công đất. Tất thảy cả 8 người con của bà đều qua Đồng Nai làm thuê gần tròn năm. Mấy đứa cháu nội ngoại của bà nằm võng ngủ ngon lành. Gần 10 công đất chạy gạo chỉ còn trông cậy ở hai vợ chồng già. Mấy cô gái nhà bên đang soạn ba-lô, nghe nói chuẩn bị đi Sài Gòn. 

Dan dat chin Rong vua mot lua vua khoc...
Người dân ở tỉnh Đồng Tháp mót những bông lúa còn sót lại trong nước ngập - Ảnh: Minh Thanh

Nước lũ về, mang theo phù sa tắm mát cho những cánh đồng dọc biên giới Tây Nam bộ. Nhưng lũ cũng đẩy nhiều gia đình vào cảnh nợ nần. Mấy ngày qua, anh Dương Văn Minh - ngụ tại ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông B, H.An Phú, tỉnh An Giang - gom góp số tiền bán lúa mới thu hoạch đi trả nợ phân thuốc cho các đại lý, nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.

Đầu năm nay, vợ chồng anh Minh hợp đồng thuê 200 công ruộng với giá 500.000 đồng/công để trồng lúa. Mùa lũ, lúa trúng mùa, vợ chồng anh Minh nuôi hy vọng đầu tháng Tám sẽ thu hoạch, có dư tiền mua chiếc xe máy mới. Nghe hung tin nước lũ về, anh Minh huy động nhiều người đến cứu lúa, nhưng mới thu hoạch được một nửa thì nước lũ tràn bờ, nhấn chìm gần 100 công ruộng còn lại. Tiếc của, vợ anh Minh nhiều bận chống xuồng đi vớt vát nhưng rồi chị đành bất lực khi nước lũ ngập quá sâu.

100 công ruộng, nếu thu hoạch kịp, vợ chồng anh sẽ bán lúa được khoảng 300 triệu đồng, nhưng tất cả đã tan biến chỉ sau một đêm. Vợ anh Minh chỉ biết khóc. “Trời thương cho trúng mùa nhưng chỉ sau một đêm, ổng quét sạch của tụi tui. Năm nay, lũ về sớm quá, không ai kịp trở tay” - vợ anh Minh bùi ngùi.

Là thương lái có kinh nghiệm hàng chục năm bám trên đất An Giang, chị Thúy Hằng - ngụ ấp Hà Bao, xã Đa Phước, H.An Phú - cho biết, trong khoảng chục năm trở lại đây thì năm nay, lũ về sớm và nghiệt ngã nhất. Cách đây một tháng, bạn hàng của chị ở xã Vĩnh Hội Đông B phấn khởi chạy ra ứng tiền trước thu hoạch với mỗi công ruộng là 200.000 đồng. Bất ngờ một đêm nước lên, ruộng lúa chìm trong biển nước, nông dân trắng tay. Giờ đây, ngay cả tiền ứng trước, nông dân cũng không có trả lại cho chị. “Trách sao được, trời làm chứ phải do họ đâu. Ai cũng lo lắng không có tiền trả lại nên tôi đành khất cho họ đến vụ sau”.

Dan dat chin Rong vua mot lua vua khoc...
Nước tràn trắng đồng

Băng qua cánh đồng Vĩnh Ngươn, Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là những đồng nước mênh mông. Dưới dòng nước sâu cả mét kia là bao mồ hôi, nước mắt của người nông dân miền Tây Nam bộ. Thứ ám ảnh chúng tôi không phải là dòng nước đang cuồn cuộn chảy như muốn nuốt chửng tất cả mà là hình ảnh những người nông dân bé nhỏ trong dòng lũ lớn.

Đưa chúng tôi ra ruộng dưa nằm trơ trọi trên cánh đồng ở khóm 1, P.Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc, tỉnh An Giang, anh Nguyễn Văn Thanh cố vét những trái dưa còn nguyên vẹn với hy vọng đem ra buổi chợ sáng mai. Nhưng có còn gì đâu, cả ruộng dưa mơn mởn đã chìm trong nước lũ 3 ngày, còn chăng là những chiếc lá vàng mỏng manh đang chết rục. “Lúa còn không cứu kịp, đằng này dưa, cà tím, đậu bắp đang vào mùa, nước lũ tràn vô chỉ có trắng tay” - anh Thanh buồn rầu.

Cánh đồng ấp 6, xã Thường Thới Hậu B, H.Hậu Ngự, tỉnh Đồng Tháp vẫn còn hơn 10 công ruộng chưa kịp thu hoạch. “Lúa xanh quá, cắt sao được” - anh Lê Thanh Danh giải thích như than thở. Có gần 20 năm canh tác ở cánh đồng ấp 6, anh rành con nước theo từng mùa để xuống giống và thu hoạch trước mùa lũ. Nhưng người tính sao bằng trời tính! Nước lũ tràn về đột ngột, ruộng lúa xanh rì đang từng ngày bị chìm trong nước. “Coi như trắng tay rồi chú à, nếu lũ về chậm hơn 15 ngày nữa, tôi sẽ thu hoạch kịp”. 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, 10 ngày qua, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên dần. Trong 10 ngày tới, nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên; đến ngày 10/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,5m, đạt mức báo động 1, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,9m. Trong 5 ngày tiếp theo, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Trong khi đó, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, mực nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long đang lên và còn diễn biến phức tạp. Do lũ thượng nguồn về, trong 2-3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, sau đó lên chậm do triều thấp. Đến ngày 8/8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên 3,35m, dưới mức báo động 1 là 0,15m. Trên sông Hậu, tại trạm Châu Đốc, nước có khả năng lên mức 2,75m, dưới mức báo động 1 là 0,25m.

Quang Thư - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI